Phát biểu định hướng sản xuất tại hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra đã có sự hồi phục. Với tín hiệu khởi sắc đó, năm 20, ngành hàng cá tra có nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đạt được mục tiêu trên, sản lượng cá tra nuôi thương phẩm phải đạt trên 1,7 triệu tấn, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là 2 tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn là An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; nâng cao chất lượng chế biến.
Cùng với đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; tiết giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị ngành hàng cá tra.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo (Halal) để khai thác thêm thị trường ngách này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi ý.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Ước năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.
Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.
Bước vào quý III/2023, xuất khẩu cá tra đã có dấu hiệu tích cực hơn khi kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương. Cụ thể: xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục ghi nhận tăng trưởng % trong tháng 10. Xuất khẩu sang Brazil tăng trưởng liên tục từ tháng 7 đến tháng 10 với mức tăng từ 35% - 57%.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico cũng ghi nhận tăng trưởng 10% trong tháng 10. Riêng thị trường Mỹ vẫn giảm 43%. Nhu cầu quay lại đã giúp xuất khẩu cá tra trong tháng 10 và 11/2023 đạt mức cao.
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, ngoài nguyên nhân do tình hình bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn còn một số nguyên nhân khác như: một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra; sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu; sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn…