Sau 4 ngày xét xử sơ thẩm, bị cáo trong vụ án sai phạm quản lý Quỹ Bình ổn giá và Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng, dự kiến ngày mai (29/11), TAND TP.HCM sẽ tuyên án.
Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) bị xét xử tội "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Còn bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị xét xử về 2 tội là tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cùng 12 bị cáo còn lại lần lượt bị xét xử về một trong 3 tội đã nêu ở trên.
Tại phiên tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh khai, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, Hạnh có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.
Còn bị cáo Lê Đức Thọ khai, từ năm 2018 Công ty Xuyên Việt Oil của bị cáo Hạnh có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi bị cáo Thọ làm Chủ tịch HĐQT. Để được cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh nhờ bị cáo Thọ giúp, đồng thời đưa hối lộ bị cáo Thọ 600.000 USD.
Ngoài ra, khi được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị cáo Thọ còn đề nghị bị cáo Hạnh thành lập chi nhánh của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đổi lại, công ty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.
Khi chi nhánh được thành lập, bị cáo Thọ nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Bến Tre tác động, tạo điều kiện cho bị cáo Hạnh. Chi nhánh ngân hàng sau đó đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Xuyên Việt Oil với tổng số tiền 892 tỷ đồng.
Ngoài nhận hối lộ 600.000 USD, bị cáo Thọ còn được bị cáo Hạnh tặng 1 bộ gậy Golf nhãn hiệu Honma trị giá 1,1 tỷ đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe Plus, giá 421.000 USD. Cũng trong năm đó, tại Nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, bị cáo Hạnh còn đưa cho Lê Đức Thọ số tiền 200.000 USD. Bị cáo Hạnh mua tặng bị cáo Thọ xe ô tô hiệu Mercedes Benz S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng.
Bị cáo Hạnh khai còn tặng bị cáo Thọ tiền, quà chúc mừng sinh nhật, quà cảm ơn thêm 200.000 USD; 300 triệu đồng và đồng hồ Patek Philippe.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và nói mình rất hối hận, và cam kết dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả. Đồng thời, Hạnh xin nhận thêm 7 năm tù của bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil – em họ bị cáo Hạnh), vì sai phạm của mình đã khiến em gái vướng vào lao lý.
Kế đó, bị cáo Lê Đức Thọ nói rất hối hận về những gì xảy ra, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, đã nộp lại toàn bộ tiền, quà thu lợi bất chính. Bị cáo Thọ đề nghị HĐXX cân nhắc, ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ của mình, xem xét cho được hưởng khoan hồng, sớm để về làm lại cuộc đời.
Tương tự, bị cáo Đỗ Thắng Hải cũng nói đã rất hối hận, phối hợp với cơ quan điều tra, nộp lại tiền thu lợi bất chính, đề nghị HĐXX xem xét cho được hưởng mức án nhẹ nhất.
Những bị cáo còn lại trình bày các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, nộp lại tiền thu lợi bất chính để mong HĐXX xem xét, cân nhắc trong quá trình lượng hình.
Tại phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hạnh 30 năm tù, và bồi thường toàn bộ hơn 1.463 tỷ đồng. 14 bị cáo còn lại trong vụ án, VKS đề nghị từ 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 29 năm tù. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị đề nghị từ 28 - 29 năm tù, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù.