Ngày Môi trường thế giới 5/6 là ngày lễ quốc tế lớn nhất dành cho môi trường. Được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và được tổ chức hàng năm từ năm 1973, ngày này đã phát triển thành nền tảng toàn cầu lớn nhất để lan tỏa thông điệp về môi trường với sự tham gia hàng triệu người trên toàn thế giới.
Với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá", Ngày Môi trường thế giới 5/6/20 có ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng tới kêu gọi cộng đồng chung tay với mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió. Theo thống kê năm 2021 của Bộ TN&MT, Việt Nam có gần 11.838 nghìn ha, chiếm 35.74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hoá, hoang hoá dẫn tới sa mạc hoá. Đặc biệt, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nay, thực trạng suy thoái đất, hoang hoá, sa mạc hoá tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phổ biến.
Việt Nam xác định nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế, theo đó chất lượng đất ảnh hưởng rất lớn đối với sản lượng ngành. Vì vậy, việc phục hồi, nâng cao chất lượng đất luôn là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm. Việc làm này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh lương thực.
Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 20, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2964/BTNMT-TTTT ngày 9/5/20 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động vì môi trường năm 20.
Theo Công văn, Bộ đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng đề nghị các địa phương tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hoá. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước.
Đặc biệt, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới năm 20 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Việc làm đó nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của Đảng, Nhà nước, các thông điệp của Liên hợp quốc đến các cấp các ngành, cộng đồng. Tạo tính lan tỏa trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung và nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể.
Nội dung bảo vệ môi trường bao gồm nhiều lĩnh vực như phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, quản lý bảo vệ tài nguyên đất và nước, khắc phục ô nhiễm, phòng chống cháy và chặt phá rừng, khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…
Đảng và Nhà nước đã xem việc bảo vệ môi trường là của toàn dân, nên rất chú ý việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện nhiều cách thức tuyên truyền linh hoạt, đa dạng và phong phú, tổ chức thường xuyên và sâu rộng việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các tầng lớp Nhân dân, xây dựng lối sống văn minh, thân thiện với môi trường, gìn giữ vệ sinh môi trường trong sạch.
Tổ chức thường xuyên và sâu rộng phong trào “Tháng hành động vì môi trường”, chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tổ chức đa dạng và phong phú những hoạt động về môi trường như: Tết trồng cây, Giờ Trái đất, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn…
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái trước biến đổi khí hậu và hội nhập toàn cầu, tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ 4.0 về bảo vệ môi trường, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường”. Phấn đấu để kinh tế xã hội phát triển thịnh vượng, phồn vinh. Mọi người được sống trong môi trường trong lành, với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.