Cho rằng kết quả giám định chưa phản ánh đầy đủ bản chất sự việc, ông Thành đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định lại nhằm đảm bảo tính khách quan và quyền lợi hợp pháp của người được giao trồng rừng.
Chủ rừng có dấu hiệu hủy hoại rừng?
Trong đơn gửi Báo Công lý và các cơ quan chức năng, ông Lê Văn Thành (SN 1979 ở Thường Tín, Hà Nội) hiện đang tạm trú tại xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khẩn thiết đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét lại việc khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” mà ông là bị can duy nhất trong vụ án.
Hồ sơ vụ việc thể hiện, ngày 26/12/2019, UBND huyện Quỳ Hợp có quyết định số 3279/QĐ-UBND về việc giao rừng cho hộ ông Lê Văn Thành diện tích: 277.480.1m2 đất, trong đó đất có rừng tự nhiên là 266.526.3m2, đất có rừng trồng là 0m2, đất trống là 10.953.8m2 tại thửa 42, 92 tờ bản đồ số 2 thuộc bản Mánh, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Thời hạn sử dụng đất, sử dụng rừng đến ngày 29/05/2055.
Ngoài ra, trước đó, gia đình ông Thành đã nhận chuyển nhượng một số diện tích đất rừng sản xuất từ các hộ dân được giao đất rừng sản xuất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Đầu tháng 2/2023, trong lần đi kiểm tra rừng, ông phát hiện rừng có nhiều chuối, cây bụi, dây leo, dây giang mọc và bao phủ, quấn chặt các cây gỗ tự nhiên làm cho một số cây g không thể mọc cành, nhánh và phát triển được.
Nhận thấy hiện trạng rừng nếu cứ để như vậy sẽ làm cho rừng bị suy thoái, nguy cơ cháy rừng lớn vì sắp đến cao điểm mùa khô. Từ đó, ông đã tự chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến lâm nghiệp, đối chiếu với quyền của chủ rừng và lập phương án phát triển rừng, bao gồm các việc trồng mới rừng tại những diện tích đất trống, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích rừng.
Nhận thức như vậy, sau đó, ông Thành đã trực tiếp xuống Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Hợp xin ý kiến và được cán bộ hướng dẫn làm theo Điều 12 Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT rồi lập phương án quản lý rừng bền vững.
Từ ý tưởng đến hành động, ông Thành đi khảo sát thực địa, đếm số lượng cây, xác định vị trí có chuối, dây leo, bụi rậm và giang bao phủ rồi thuê máy múc vào cào dây leo, bụi rậm, giang, chuối... thành từng đống, đến khi khô thì tiến hành xử lý có kiểm soát, tránh cháy rừng. Đồng thời, để tránh nhầm lẫn với cây rừng hiện có, ông Thành đã cho trồng cây quế và cây keo.
“Lý do phải đưa máy múc vì hiện trạng dây leo, bụi rậm, giang quấn chi chít đến tận ngọn các cây gỗ, nếu chỉ dùng dao phát gốc mà không kéo xuống thành dải, đống thì vô hình chung sẽ làm mồi bắt lửa khi các thực bì này khô sẽ dẫn đến cháy rừng trên diện rộng”, ông Thành cho hay.
Tuy nhiên, sau đó một thời gian, lực lượng chức năng huyện Quỳ Hợp vào kiểm tra và xác định trạng thái "rừng đã bị tác động bằng phương tiện cơ giới" và yêu cầu chủ rừng là ông Lê Văn Thành đình chỉ toàn bộ hoạt động tác động lên phần dịch tích đất lâm nghiệp.
Đến ngày 14/8/2023, căn cứ vào kết luận giám định số 06/KLGĐ ngày 12/6/2023 của Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp, (Viện Điều tra quy hoạch rừng) đối với kết quả giám định tiêu chí rừng, trạng thái, trữ lượng, diễn biến rừng từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2023 xảy ra tại xã Bắc Sơn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thành về Hủy hoại rừng.
Sau khoảng gần 6 tháng bị bắt tạm giam, ngày 6/2/20, ông Thành được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đề nghị giám định lại kết quả tác động
Theo kết quả giám định của Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp trong vụ việc có dấu hiệu hủy họa rừng nêu trạng thái rừng sau khi bị tác động trên diện tích 10.395,4m2: Rừng đã bị suy giảm nghiêm trọng do các cây gỗ nhỏ đã bị tác động, chỉ còn lại một số cây to nằm phân tán trên toàn khu vực 7.736,7m2 hiện trạng là TXK (rừng lá rộng thường xanh nghèo kiệt). Diện tích còn lại là 2.658,7 m2 – DT1(đất trống núi đất).
Ông Thành cho biết, trong quá trình quản lý sử dụng, ông không tác động vào các cây gỗ tự nhiên, rừng vẫn đảm bảo nguyên hiện trạng, tuy nhiên kết luận giám định lại phản ánh hiện trạng rừng sau khi bị tác động là rừng lá rộng thường xanh nghèo kiệt là chưa chưa khách quan nên có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định lại nhằm đảm sự thật khách quan và quyền tố tụng của bị can trong vụ án hình sự.
Ông Thành khẳng định, bản thân là chủ rừng, thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng bằng các biện pháp lâm sinh tác động vào rừng, theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định 6/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nêu rõ: Phát triển rừng là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng.
Để tận mắt mục sở thị, PV đã trực tiếp tiếp cận xung quanh khu vực rừng bị tác động, sau hơn 1 tiếng đi bộ, ghi nhận thực tế đến nay tại những khu đất trống đều được phủ xanh bằng những cây keo và cây quế khoảng 1 năm tuổi. Theo quan sát, tại khu vực có nhiều đồi đất trồng keo xen lẫn rừng tự nhiên, có hiện tượng nhiều cây gỗ lớn bị dây leo rừng bao phủ chi chít, quấn đến cả ngọn cây.
Một số người dân được giao rừng cho biết, các loài dây leo này mọc tự nhiên, sinh trưởng rất nhanh và bám chi chít vào các tầng tán, che khuất ánh sáng làm cho cây trồng sinh trưởng chậm, nếu không có biện pháp xử lý hoặc can thiệp cây có nguy cơ chết dần.
Liên quan đến đơn kiến nghị của công dân, để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ với Công an huyện Quỳ Hợp và các đơn vị liên quan nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm. Hiện, Công an huyện Quỳ Hợp vẫn đang điều tra làm rõ có hay không dấu hiệu “hủy họai rừng”.
Giám định lại khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo pháp luật hiện hành, việc giám định lại được quy định tại Điều 211 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 20. Theo đó, việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Khoản 3 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 20 quy định, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Vì thế trường hợp này ông Thành hoàn toàn có quyền bày tỏ quan điểm của mình đối với kết luận giám định của Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp.
“Đề nghị giám định lại là quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác nhưng có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận hay không thì cần đợi cơ quan tố tụng xem xét, do đó trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại khoản 2, Điều 211 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 20”, Luật sư Đồng cho hay.