Ở nơi đất khách quê người, giây phút vất vả mưu sinh, người Bình Định sống tại miền Nam, luôn khát khao những cuộc gặp gỡ đồng hương. Bằng giọng xứ Nẫu, người con Bình Định xa quê, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, vẫn tìm thấy nhau trong câu chuyện chân tình với khát vọng sống hướng về nguồn cội, sống để vươn lên.
"Thương quê, nhớ quê lắm"
Nếu là người Bình Định sinh sống và làm việc ở miền Nam, mà chưa từng dự Ngày hội Người Bình Ðịnh được tổ chức thường niên tại TP. Hồ Chí Minh, thì quả là điều đáng tiếc.
Làm báo tại Bình Định ngót 5 năm, công tác ở tỉnh thời gian dài, tôi và nhiều đồng nghiệp khác, vinh dự được mời chung vui Ngày hội Người Bình Định lần 8 với chủ đề "Bình Định - Khát vọng vươn xa", vào đầu tháng 3/20, tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Vân (64 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh - quê ở vùng đất võ Tây Sơn, vào Nam lập nghiệp, ở lại đây hơn 30 năm) đến ngày hội với bộ quần áo tươm tất, tay bắt mặt mừng, với những cái ôm ấp bạn hữu, đồng hương.
“Tuổi cao sức khỏe yếu dần, tôi ít về thăm quê. Dù sống trong Nam, nhưng tâm trí tôi luôn nhớ quê nhà. Nhớ ký ức những buổi trưa hè, đám trẻ con trong xóm ngụp lặn giữa dòng sông Kôn mát lạnh. Cánh đồng xanh rì bát ngát cánh cò, từng vườn ớt, thửa rau và cả bầu trời tuổi thơ tôi ở đó. Thương quê, nhớ quê lắm”, bà Vân xúc động nói.
Giữa lòng thành phố hoa lệ, Ngày hội Người Bình Ðịnh có hàng nghìn người tham dự. Họ là những người con xa xứ, đến để được gặp mặt, ôn lại chuyện cũ với đồng hương, biết thêm tin tức về tỉnh nhà, hay đơn giản chỉ là muốn được nghe giọng nói người Bình Định.
Không gian Ngày hội tái hiện cuộc sống thu nhỏ của vùng quê yên bình⁹, với ẩm thực phong phú, đậm vị quê hương như: bánh hỏi lòng heo, tré, nem chả chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy… Nghệ thuật bài chòi, võ cổ truyền, cũng được các nghệ nhân từ Bình Định vào tận trong Nam biểu diễn, phục vụ bà con quê mình.
Thưởng thức ẩm thực, bà Châu Thị Ánh Hoa (60 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh) tấm tắc khen món ăn của người Bình Định đậm đà, mang hương vị đặc trưng vốn có.
“Muốn ăn bánh ít lá gai - Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”, bà Hoa ngâm câu ca dao, khi vừa dùng xong món bánh ít lá gai và cho biết: “Tôi có gốc miền Tây nhưng làm dâu ở Quy Nhơn. Đến ngày hội, ngoài việc thưởng thức ẩm thực, tôi rất vui vì gặp nhiều bạn bè, mà lâu lắm rồi mới có dịp hàn huyên”.
Xuất phát từ tình đồng hương, bà Nguyễn Thị Bích Duyên (ở huyện Tây Sơn) bỏ chi phí gần 10 triệu đồng, chẳng ngại đường xa vận chuyển nguyên liệu ẩm thực theo xe khách từ Bình Định vượt hơn 600 cây số vào TP. Hồ Chí Minh, dự ngày hội.
“Gian hàng đầy đủ đặc sản như: chả ram, bánh cuốn, tré, chim mía…Tính đến nay, gia đình tôi đã tham gia ngày hội 8 năm, chẳng bỏ lỡ dịp nào. Không tính toán chuyện lời lỗ, chỉ cần gặp đồng hương, như vậy đã vui lắm rồi”, bà Duyên nói.
Hướng về quê bằng cả tấm lòng
Trong khuôn khổ Ngày hội, chương trình đấu giá vật phẩm gây Quỹ tương thân tương ái, do Hội đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, mang đến nhiều cảm xúc ấm áp, nghĩa tình. Các vật phẩm giá trị do chính người con Bình Định trao tặng, được mang ra đấu giá.
Sau màn “so kè” sôi nổi, ông Trịnh Minh Quân - đại diện Hội đồng hương Bình Định tại TX. Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đấu giá thành công đồng hồ cổ hiệu Junghans của Đức với giá 77.777.777 đồng; ông Phạm Khắc Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP. HCM đấu giá máy hát cổ Thụy Sĩ với giá 99.999.999 đồng; các ông Trần Sỹ Thành (quê TX. An Nhơn) và LEO Nguyễn (quê huyện Phù Mỹ) trúng đấu giá chiếc xe cub 50 đời 86, số tiền 277 triệu đồng...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn khẳng định: “Hướng về quê hương để chia sẻ với bà con nghèo, các mảnh đời bất hạnh, là tình cảm rất đáng trân quý. Toàn bộ số tiền thu được từ buổi đấu giá, được góp vào Quỹ tương thân tương ái của Hội đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại quê nhà”.
Theo Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP. HCM Đỗ Thanh Hùng, Ngày hội Người Bình Định xa quê được tổ chức thường niên sau 8 lần, đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Nẫu.
“Quê hương mỗi người chỉ một và ai cũng vậy, đều mang nỗi nhớ và yêu thương quê mình. Vậy nên, gặp đồng hương là phải thấm tình trọn nghĩa. Người già thấy trân quý phút giây còn lại của cuộc đời, người trẻ sống có khát vọng, cố gắng trước nghịch cảnh và sẵn lòng giúp nhau lúc hoạn nạn, toả sáng nơi xứ người. Ai cũng hướng về quê hương cùng tình yêu da diết”, ông Hùng tâm sự.
Trân trọng và cảm ơn
Đến Ngày hội Người Bình Định và nghe những lời tâm sự chân tình, mới thấu hết nỗi lòng của người con xa quê. Họ vất vả nơi xứ người nhưng luôn hướng về quê hương với tình yêu mãnh liệt, chân thành.
Họ mừng rỡ, tự hào khi quê hương sung túc đổi mới, bà con no ấm hạnh phúc, nhưng cũng đầy đau đớn khi thiên tai, dịch bệnh càng quét quê nhà.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nói rằng, người Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh có những đóng góp thiết thực xây dựng hình ảnh quê hương Bình Định, đồng hành cùng tỉnh trong các hoạt động xã hội - từ thiện ở quê nhà.
Năm 2023, Hội đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đưa hơn 600 bà con và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; khám, tặng quà, mổ mắt miễn phí cho hơn 1.700 bà con tại các địa phương trong tỉnh.
Hàng nghìn phần quà, suất học bổng được Hội vận động trao tặng cho học sinh nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Ở đây đã kết nối, trở thành mái nhà chung, nơi gắn kết yêu thương sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người con xa xứ.
"Nơi có những con người vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực trong học tập, công tác, khởi nghiệp, lập nghiệp thành công và thành tài làm rạng danh quê hương Bình Định", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Hồ Quốc Dũng ghi nhận, trân trọng và cám ơn những đóng góp quý báu, nghĩa cử cao đẹp của bà con, doanh nhân, doanh nghiệp Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh đã dành cho quê hương, trong suốt năm tháng qua.
"Tôi mong bà con xa quê vẫn luôn trọn vẹn tấm lòng hướng về Bình Định với những việc làm nghĩa tình, góp sức xây dựng tỉnh nhà phát triển phồn thịnh", Bí thư Hồ Quốc Dũng nhắn nhủ.
Trong bài thơ Quê hương, nhà thơ Đỗ Trung Quân có viết: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”.
Quê hương và mẹ, đều là điều thiêng liêng, đáng quý nhất và chỉ có một cho mỗi con người. Quê hương là mẹ, mẹ cũng là quê hương, là sự yêu thương chở che vô bờ bến, là điểm tựa bến đỗ bình yên, sau giông bão cuộc đời.
Ai sinh ra cũng có gốc gác và nghĩa tình sâu nặng với quê hương, thứ tình cảm thiêng liêng sẵn có, thuận theo dòng chảy tự nhiên, hoà quyện trong máu thịt. Tôi tin, với mỗi người con xứ Nẫu xa xứ luôn hướng về nơi quê cha đất tổ. Ngày hội Người Bình Định là dịp để họ gắt kết yêu thương, là nơi vun vén khát vọng sống hướng về nguồn cội, sống để vươn lên.