Trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Caribe của Panama, khoảng 300 gia đình đang thu dọn đồ đạc để chuẩn bị cho một sự thay đổi mạnh mẽ. Các thế hệ Gunas lớn lên ở đảo Gardi Sugdub, những người có cuộc sống dựa hoàn toàn vào biển và du lịch, vào những tuần tới, sẽ phải từ bỏ nguồn thu nhập đó để lấy nền tảng vững chắc của đất liền.
Họ tự nguyện rời đi
Người Gunas ở Gardi Sugdub là cộng đồng đầu tiên trong số 63 cộng đồng dọc bờ biển Caribe và Thái Bình Dương của Panama mà chính phủ và nhà khoa học dự kiến sẽ buộc phải di dời do mực nước biển dâng cao trong những thập kỷ tới.
Vào một ngày như bình thường, cư dân bản địa trên đảo chèo thuyền hoặc phóng ra khơi bằng tàu để câu cá. Trẻ em, một số mặc đồng phục và một số khác trong trang phục dệt may đầy màu sắc của địa phương được gọi là “mola”, trò chuyện khi hối hả băng qua những con đường đất chật hẹp trên đường đến trường.
“Chúng tôi hơi buồn vì chúng tôi sắp phải bỏ lại những ngôi nhà mà chúng tôi đã sống cả đời, mối quan hệ với biển, nơi chúng tôi câu cá, nơi chúng tôi tắm và nơi đón tiếp khách du lịch. Nhưng, biển đang nhấn chìm hòn đảo - từng chút một”, Nadín Morales, tuổi, người chuẩn bị chuyển di cư cùng mẹ, chú và bạn trai, cho biết.
Một quan chức của Bộ Nhà ở Panama cho biết một số người đã quyết định ở lại hòn đảo này cho đến khi không còn an toàn mà không tiết lộ con số cụ thể. Các nhà chức trách sẽ không buộc họ phải rời đi, quan chức này cho biết, cho đến khi "họ tự nguyện rời đi".
Thay đổi hoàn toàn cách sống
Gardi Sugdub là một trong khoảng 50 hòn đảo đông dân cư thuộc quần đảo thuộc lãnh thổ Guna Yala. Nó chỉ dài khoảng 366m và rộng 137m. Nhìn từ trên cao, nó gần như là một hình bầu dục đầy gai được bao quanh bởi hàng chục bến tàu ngắn, nơi cư dân neo đậu thuyền của họ.
Hàng năm, nhất là khi có gió lớn, vào tháng 11 và tháng 12, nước tràn vào đường phố và tràn vào nhà. Biến đổi khí hậu không chỉ dẫn đến mực nước biển dâng cao mà còn làm đại dương ấm lên và do đó tạo ra những cơn bão mạnh hơn.
Người Gunas đã cố gắng củng cố rìa hòn đảo bằng đá, cọc và san hô, nhưng nước biển vẫn tiếp tục tràn vào.
Morales nói: “Gần đây, tôi nhận thấy biến đổi khí hậu đã có tác động lớn. Bây giờ thủy triều lên đến mức chưa từng có trước đây và sức nóng không thể chịu nổi.”
Cách đây hai thập kỷ, chính quyền hòn đảo đã nghĩ từng đến việc rời hòn đảo, nhưng lý do lúc đó là do hòn đảo ngày càng trở nên quá đông đúc. Evelio López, một giáo viên 61 tuổi trên đảo cho biết, tác động của biến đổi khí hậu đã một lần nữa thúc đẩy quyết định đó.
Anh dự định cùng người thân chuyển đến địa điểm mới trên đất liền mà Chính phủ đã chuẩn bị với chi phí 12 triệu USD. Những ngôi nhà bê tông nằm trên một mạng lưới những con đường trải nhựa được tạo thành từ khu rừng nhiệt đới tươi tốt chỉ cách cảng hơn 2 km, nơi một chuyến đi thuyền kéo dài tám phút sẽ đưa họ đến Gardi Sugdub.
Rời hòn đảo này là “một thử thách lớn, bởi hơn 200 năm văn hóa của chúng tôi bắt nguồn từ biển, nên việc rời hòn đảo này có rất nhiều ý nghĩa”, López nói. “Rời bỏ biển, các hoạt động kinh tế mà chúng tôi có trên đảo và sẽ đến một vùng đất vững chắc, trong rừng. Tương lai sẽ ra sao?”, López bày tỏ sự lo ngại.
Ông Steven Paton, Giám đốc chương trình giám sát vật lý của Viện Smithsonian ở Panama, cho biết, động thái sắp tới “là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu thông qua việc mực nước biển dâng cao”.
“Các hòn đảo trung bình chỉ cao hơn mực nước biển nửa mét, và khi mực nước đó tăng lên, sớm hay muộn người Gunas gần như chắc chắn sẽ phải từ bỏ tất cả các hòn đảo vào cuối thế kỷ này hoặc sớm hơn”. Ông nói: “Tất cả các bờ biển trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi điều này với tốc độ khác nhau”.
Cư dân của một cộng đồng nhỏ ven biển ở Mexico đã chuyển vào đất liền vào năm ngoái sau khi các cơn bão tiếp tục cuốn đi nhà cửa của họ. Các chính phủ đang buộc phải hành động, từ thành phố Venice của Ý đến các cộng đồng ven biển của New Zealand.
Một nghiên cứu gần đây của Ban Giám đốc Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Môi trường Panama, với sự hỗ trợ của các trường đại học ở Panama và Tây Ban Nha, ước tính rằng đến năm 2050, Panama sẽ mất khoảng 2,01% lãnh thổ ven biển do mực nước biển dâng cao.
Ligia Castro, Giám đốc Biến đổi khí hậu của Bộ Môi trường, cho biết Panama ước tính sẽ tốn khoảng 1,2 tỷ USD để di dời khoảng 38.000 cư dân đang phải đối mặt với mực nước biển dâng cao trong ngắn hạn và trung hạn.
Ở Gardi Sugdub, những người phụ nữ làm những chiếc mola thêu cầu kỳ mà phụ nữ Guna thường mặc. Họ treo chúng bên ngoài nhà của mình để thu hút sự chú ý của khách du lịch. Hòn đảo này và những hòn đảo khác dọc theo bờ biển đã được hưởng lợi từ du lịch quanh năm trong nhiều năm.
Braucilio de la Ossa, Phó Thư ký của Carti, cảng đối diện với Gardi Sugdub, nói rằng, ông dự định chuyển đi cùng vợ, con gái, chị dâu và mẹ vợ. Một số người thân của vợ ông sẽ ở lại đảo. Ông cho biết thách thức lớn nhất đối với những người di chuyển là sự thay đổi lối sống khi di chuyển từ biển vào đất liền mặc dù khoảng cách tương đối nhỏ. Ông nói: “Bây giờ họ sẽ ở trong rừng, cách sống của họ sẽ phải khác đi rất nhiều".