Đời sống

Người cựu chiến binh nhiều lần được trao tặng huân, huy chương

Gia Ân-Thái Hiền 20/07/20 - 20:29

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh, 95 tuổi vẫn rất minh mẫn, đôi mắt tinh nhanh, giọng nói hào sảng mang khí phách của người lính trinh sát năm xưa.

“Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”

Bên ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh (sinh năm 1929, ở thôn 8, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An), chậm rãi kể rõ ràng, rành mạch những ký ức về một thời hoa lửa, một thời hào hùng.

Năm 1948 khi vừa tròn 19 tuổi có đợt tuyển quân ở địa phương, theo tiếng gọi thiêng thiêng của Tổ quốc, ông đã tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

5.jpg
Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh chậm rãi kể rõ ràng, rành mạch những ký ức về một thời hoa lửa.

Sau khi tuyển chọn ông được phân công đi học tại Trường Đào tạo sỹ quan liên khu 4. Đầu năm 1949, sau khi học xong ông được điều động về Phòng Tham mưu, Đại đội 203, Đại đoàn 325 là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến cuối năm 1949, khi thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta, nhận thấy ông là người có nhiều tố chất phù hợp với hoạt động tình báo nên đơn vị đã phân công ông về nằm vùng ở Bắc Thừa Thiên Huế.

Sau gần 1 năm, trước tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng để chuyển sang tổng phản công, lúc này ông được phân công ra Quảng Trị, nằm vùng ở nhà thờ giáo La Vang, là một trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam thời đó.

Ông kể, nhiệm vụ của lính trinh sát luôn được quán triệt "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, nên quá trình hoạt động ông luôn xác định phải “tai thính, mắt tinh, mũi nhạy”, đặc biệt phải thật gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không lùi bước trước quân thù.

Để hoạt động một cách thuận lợi nhất trong vùng địch, không bị địch và người dân địa phương nhận ra mình, ông phải nhanh chóng thích nghi với phong tục, tập quán của vùng đất Quảng Trị. Ban ngày ông cải trang "trà trộn" vào dân làm đủ thứ nghề từ chăn trâu, cắt tóc, lái xe…, ban đêm vào thị xã để nắm tình hình địch.

3.jpg
1(2).jpg
Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương.

Năm 1952, khi lực lượng vũ trang Quảng Bình bắt đầu mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí quan trọng của địch, ông được chuyển ra nằm vùng, nắm tình hình ở sân bay Đồng Hới, thời gian này ông bám địch, bám dân, nắm chắc tình hình kẻ thù và các mặt liên quan, làm cơ sở hạ quyết tâm cho lực lượng của ta tác chiến, kịp thời xử trí các tình huống.

Từ những thông tin quan trọng của ông đã góp phần giúp lực lượng vũ trang Quảng Bình chủ động mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí quan trọng của địch trên tuyến phía Bắc, giải phóng Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hòa, mở rộng vùng tự do.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tháng 9/1953, đơn vị của ông nhận lệnh tập trung rút về huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để chỉnh quân. Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phân tán lực lượng cơ động chiến lược, hỗ trợ cho chiến dịch “Trần Đình” mật danh Điện Biên Phủ, đồng thời làm thất bại Kế hoạch Nava, giải phóng đất đai, tạo thế và lực chuyển biến cục diện chiến tranh giành thắng lợi, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định điều bộ đội chủ lực Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Lào và Campuchia mở các đòn tiến công chiến lược trên chiến trường Đông Dương.

Cuối tháng 11/1953, ta mở chiến dịch Trung Lào lấy mật danh là “Mặt trận D”. Tham gia tiến công ở hướng này có một số Trung đoàn của Đại đoàn 304 và đại đoàn 325, cùng với các đơn vị tình nguyện của Liên khu 4, Liên khu 5 đã sang phối hợp với bạn hoạt động từ những năm trước, và một số đơn vị Pathet Lào.

Lúc này, ông Hà Ngọc Khánh được phân công trinh sát, bám nắm địch từ địa hình, địa vật, cách bố trí hỏa lực đến số lượng quân di biến động hàng ngày để báo cáo kịp thời với cấp trên.

Cũng trong thời gian này, ông cùng các đồng đội đã không ngại khó khăn, lăn lộn, đồng cam cộng khổ cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào vừa tiến công, truy kích tiêu diệt địch, vừa tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn chiến dịch.

Khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất khi hoạt động ở nước bạn, ánh mắt ông sáng lên, kể rõ thời khắc ông cùng hai đồng đội luồn sâu phục kích và bắt được một tù binh Âu Phi về cho ta khai thác thông tin, từ những thông tin khai thác được đã đóng góp rất lớn cho các trận đấu tiếp theo và ông được tặng thưởng tại tỉnh SaVannakhet, nước bạn Lào.

Đến năm 1954, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt nhất, Trung đoàn 270 ra đời thay Đại đoàn 325, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân trên địa bàn tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, củng cố và mở rộng vùng giải phóng Bình - Trị - Thiên.

Sau khi thành lập và ổn định tổ chức, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh được phân công làm Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 270, tại đây ông cùng đồng đội đã sát cánh cùng với quân và dân huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình), Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) thực hiện nhiều trận đánh táo bạo, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng ở Nam Quảng Bình và Bắc Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 270 nhận nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến Quân sự và Đặc khu Vĩnh Linh để chống địch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Thời gian này, ông được điều về làm Trường ban Trinh sát và đặc công của đặc khu Vĩnh Linh.

Trải qua những năm tháng huyền thoại “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh đã đóng góp nhiều công sức, cùng với quân và dân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ ở Miền Bắc và làm thất bại chiến lược quân sự của Mỹ ở miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Từ năm 1970- 1975, ông được cấp trên tin tưởng cử ra Hà Nội học nâng cao về công tác tham mưu và được giữ lại làm giáo viên tham mưu quân báo tại Học viện quân sự cấp cao nay là Học viện quốc phòng.

Từ năm 1975- 1979, ông được phân công vào làm giảng viên Học viện lục quân Đà Lạt. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục cống hiến trong quân đội, từ năm 1979-1984, ông làm các nhiệm vụ Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn 7; Trưởng phòng Quân báo, Quân đoàn 68, trong thời gian này, ông đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương nắm chắc tình hình địch và các mặt liên quan, làm cơ sở để xác định, điều chỉnh quyết tâm tác chiến phòng thủ và kịp thời xử trí các tình huống, giữ vững địa bàn. Đến năm 1984 ông được chuyển về làm giáo viên trường quân sự Quân khu 4 và nghỉ hưu năm 1985.

Gương mẫu đi đầu trong các phong trào

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Sau khi nghỉ hưu, trở về với đời thường, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh vẫn tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương.

7.jpg
9.jpg
6.jpg
Những kỷ vật và những tấm huân, huy chương được trang trọng cất giữ.

Ngay khi thành lập Hội cựu chiến binh xã Đức Sơn vào năm 1989, ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia hội và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã và cũng là ủy viên BCH Hội cựu chiến binh huyện Anh Sơn khóa đầu tiên. Ông luôn tích cực, nhiệt tình, gương mẫu trong việc thực hiện các phong trào, hoạt động của hội và địa phương.

Hiện nay, mặc dù tuổi cao sức yếu, không thể tham gia các hoạt động nhưng cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh vẫn luôn giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình, không ngừng học tập, lao động và nêu gương trong mọi hoạt động xã hội, được bà con nhân dân mến phục.

Đối với ông, điều tự hào nhất và là hành trang theo suốt cuộc đời cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh là những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Ông vinh dự nhiều lần được trao tặng huân, huy chương. Năm 1954 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba; năm 1963 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng ba; năm 1970 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì; năm 1975 được Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng hai; năm 1984 được Chủ tịch nước Trường Chinh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba; năm 1989 được Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Ngoài ra năm 1958, ông còn được Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tặng Huy chương Chiến thắng hạng nhất; năm 1964 được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Hà Ngọc Khánh xúc động chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc lâu rồi, nhưng chưa khi nào tôi quên những năm tháng hào hùng, oanh liệt gian khổ ấy. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi chiến trường.

Trải qua sinh tử, còn được sống đến ngày hôm nay, tôi thấy mình rất may mắn. Tôi luôn tự nhủ bản thân mỗi ngày phải cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng đồng đội của mình”.

Ở tuổi 95, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh đã nếm trải đủ những gian khó, hiểm nguy qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc và chiến trường nước bạn Lào, cùng đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách.

Giờ đây, gia tài của ông là con cháu trưởng thành, là những tấm huân, huy chương được ông dành hẳn một gian nhà để trang trọng treo lên, ông vinh dự, tự hào hơn nữa khi năm 2025 này ông sẽ được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng.

Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh chính là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cựu chiến binh nhiều lần được trao tặng huân, huy chương