Phóng sự - Ghi chép

Người 'giữ hồn' nhạc cụ dân tộc

Gia Tuân 04/06/20 - 08:54

Đến bản Lạ, xã Lương Minh, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương hỏi ông Lay Đại Cương là không ai không biết, bởi, ông Cương là một điển hình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng với niềm đam mê và có khả năng cảm âm tốt, nên ông Lay Đại Cương có thể chế tác, sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc rất điêu luyện.

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống

Trong một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp ghé thăm nghệ nhân Lay Đại Cương, người nghệ nhân được bà con dân bản gọi với cái tên trìu mến là “Ông Cương nhạc cụ”.

Giai điệu du dương, trong trẻo, ngọt ngào, đằm thắm, khi man mác tha thiết, lúc véo von... đã rất đỗi thân quen với người dân bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Những giai điệu ấy chính là tiếng sáo, tiếng khèn bè, tiếng tùng tinh… của người nghệ nhân Lay Đại Cương, một người con của đồng bào dân tộc Thái thả hồn theo trăng gió.

4.jpg
Với niềm đam mê và muốn giữ lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc cho hậu thế, ông Lay Đại Cương đã và đang nỗ lực để truyền dạy cho các cháu nhỏ trong và ngoài bản.

Trong căn nhà nhỏ cấp bốn của gia đình ông, những loại nhạc cụ như: sáo ngang, sáo dọc, khèn bè, đàn mandolin, tùng tinh... đều được ông treo ở vị trí rất trang trọng. Sau khi tặng chúng tôi một màn độc tấu khèn bè với những giai điệu mang âm hưởng miền núi, ông Cương say sưa kể về niềm đam mê nhạc cụ dân tộc của ông.

Ông chia sẻ: “Bố tôi thổi sáo, đánh đàn rất hay, nên từ nhỏ tôi đã mê tiếng sáo, tiếng đàn của bố. Từ đó, tôi tò mò về cách thức sử dụng những nhạc cụ dân tộc, rồi lấy sáo của bố tự tập thôi. Không biết có thừa hưởng gen năng khiếu âm nhạc từ bố tôi hay không mà tôi học khá nhanh. 13 tuổi tôi đã có thể sử dụng thành thạo một số nhạc cụ dân tộc”.

Dường như đó là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê nhạc cụ sau này của nghệ nhân người Thái này. Mỗi lần chơi nhạc, khuôn mặt, ánh mắt ông “phiêu” theo từng giai điệu lúc trầm, lúc bổng, mang lại niềm vui ấm áp, khiến người nghe bị lôi cuốn.

1.jpg
Ông Lay Đại Cương có thể sử dụng được 12 loại nhạc cụ dân tộc.

Với niềm đam mê cháy bỏng các nhạc cụ dân tộc, ông Cương đã tự mày mò học nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, ông Cương đã sử dụng được 12 loại nhạc cụ dân tộc như: sáo, khèn bè, madolin, tùng tinh... Ngoài các loại nhạc cụ truyền thống, ông còn biết sử dụng khá thành thạo đàn Guitar, Ocgan...

Tiếng đàn, tiếng sáo cuốn hút lòng người đó đã giúp ông lấy được bà Lô Thị Mai, một người con gái Thái đẹp nhất vùng thuở bà còn đôi mươi. Bà Lô Thi Mai (vợ ông Cương), chia sẻ: “Ngày ấy ông Cương không chỉ đẹp trai mà còn đàn hay sáo rất giỏi. Tôi hát, ông Cương thổi sáo, cứ thế tôi và ông yêu nhau khi nào không biết. Tuy giờ đã có tuổi rồi, nhưng mỗi lúc rảnh rỗi ông vẫn thường thổi sáo cho tôi lăm, suối”.

Bảo tồn nhạc cụ dân tộc cần sự chung tay của cả cộng đồng

Đã ngoài 70, nhưng niềm đam mê với nhạc cụ của ông Cương vẫn còn cháy bỏng. Ông luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ nhạc cụ dân tộc, vì hiện nay những người sử dụng được nhạc cụ dân tộc như ông rất ít, trong khi một số người biết sử dụng lại không còn mấy mặn mà.

3.jpg
Những lúc rảnh ông thường thổi sáo cho vợ lăm, suối.

Vậy là, ông đã đứng ra kêu gọi, vận động những người cùng sở thích và niềm đam mê thành lập nhóm nhạc cụ dân tộc. Sau một thời gian vận động thì đã thành lập được nhóm, các thành viên của nhóm với nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng chủ yếu là nông dân và là những người cùng xã. Thành lập được nhóm, ông Cương đã nghiên cứu, sáng tác ra những giai điệu để các thành viên trong nhóm tập.

Được biết, trong thời gian qua, nhóm của ông Cương đã mời đi phục vụ cho không ít các sự kiện trên địa bàn xã. Đây chính là nguồn động lực để giúp ông Cương và các thành viên trong nhóm tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Đặc biệt, nhiều năm qua, ông gửi gắm niềm đam mê qua từng đứa trẻ trong và ngoài bản. Các lớp do ông đứng lớp đều là lớp học miễn phí. Với ông vật chất rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc truyền đạt được cho các cháu niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc và ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc cộng đồng. Đến nay, ông đã truyền dạy được cho không ít cháu nhỏ biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc.

2.jpg
Với niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng nên ông tự mày mò học chứ không qua bất kỳ lớp đào tạo nào.

Giữa bộn bề cuộc sống, đứng trước sự phát triển của thời đại, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài, khiến cho vốn văn hóa ấy đã dần phai nhạt.

Trong khi, các nghệ nhân thì ngày một già đi, một số đã về với tổ tiên, còn lớp trẻ gần như không mặn mà với văn hóa truyền thống. Hiện nay, tìm được người tâm huyết thực sự với nhạc cụ dân tộc như ông Cương là không nhiều. Cùng với âm nhạc, tiếng nói, chữ viết, các trò chơi dân gian, trang phục hay lễ hội cũng đang mai một nghiêm trọng.

Ông Lô Thanh Long, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tương Dương, cho biết: “Trước sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong nhiều năm qua, thanh niên trong các bản làng đi làm ăn xa đã dần quên lãng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thì những người như ông Lay Đại Cương đang trở thành hình mẫu trong việc gìn giữ nét đẹp cho dân tộc Thái.

5.jpg
Nhóm nhạc cụ do ông mở lớp đến nay cũng đã có trên dưới 10 thành viên.

Tấm lòng nhiệt huyết của ông Cương thật đáng trân trọng. Những việc làm đầy ý nghĩa của ông đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, để nhạc cụ dân tộc trường tồn mãi với thời gian”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người 'giữ hồn' nhạc cụ dân tộc