Do nhiều nguyên nhân khác nhau, người lao động tại Bệnh viện Đa khoa Đại An (Thanh Hóa) bị nợ lương nhiều tháng khiến cuộc sống gặp khó khăn. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, chủ đầu tư của bệnh viện tư nhân này đã trả lương cho người lao động.
Theo thống kê của Phòng Lao động thương binh-xã hội huyện Thiệu Hóa, cuối năm 2023, qua nắm bắt tình hình đời sống của người lao động trong các đơn vị trên địa bàn huyện trước Tết Nguyên đán, Bệnh viện Đa khoa Đại An (bệnh viện tư) nợ lương 261 người lao động với số tiền 4 tỷ đồng.
Những người lao động lương dưới 10 triệu bệnh viện không nợ, đội ngũ bác sĩ lương cao bệnh viện đã trả lương cơ bản (khoảng 10 triệu), phần thu nhập tăng thêm bệnh viện nợ lại. Do những khó khăn chung, nhất là bệnh viện mới đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động, cùng với việc có những thời điểm bảo hiểm chưa thanh toán... nên dẫn đến tình trạng trên.
Khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với liên đoàn lao động huyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đơn vị đầu tư bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện cam kết và có phương án cụ thể để trả lương đúng quy định. Người lao động tiếp tục thực hiện các công việc để bệnh viện hoạt động bình thường không ảnh hương tới việc khám, chữa bệnh của người dân.
Ngày 8/3, thông tin từ Trưởng phòng Lao động thương binh-xã hội Thiệu Hóa Đoàn Thị Hồng, cho biết: “Chúng tôi đã được thông báo, phía Bệnh viện Đa khoa Đại An đã chi trả tiền lương cho người lao động đến tháng 2/20. Đơn vị cam kết sẽ chủ động cân đối về tài chính, bố trí nguồn dự phòng để không tái diễn tình trạng nợ, chậm lương của người lao động. Do tôi đang nghỉ ốm nên chưa làm việc cụ thể với đơn vị.”
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, thống kê của Sở Lao động thương binh-xã hội cho thấy, đến ngày 14/2/20 trên địa bàn còn 5 doanh nghiệp chưa giải quyết tiền lương cho 1.375 người lao động.
Số tiền lương các doanh nghiệp nợ người lao động là 18,57 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Những doanh nghiệp bị nhắc tên gồm: Công ty xi măng Công Thanh, đóng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022, nợ lương từ tháng 8/2022 của 200 người lao động với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần tập đoàn Vinastone, địa chỉ tại huyện Hà Trung nợ lương từ tháng 1/2023 đến nay của 118 người lao động với số tiền 5 tỷ đồng. Bệnh viện đa khoa Đại An, địa chỉ tại huyện Thiệu Hóa nợ lương từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023 của 261 người lao động với số tiền 4 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Giáo dục Havina Thanh Hóa, địa chỉ tại TP. Thanh Hóa nợ lương tháng 12/2023 của 7 người lao động với số tiền 50 triệu đồng. Công ty TNHH FLC Golf and Resort, địa chỉ tại TP. Sầm Sơn nợ lương từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023 của 789 người lao động với số tiền 7,52 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc để đề nghị các đơn vị trên bố trí nguồn kinh phí để chi trả tiền lương cho người lao động đảm bảo cuộc sống, tránh để khiếu kiện kéo dài gây bức xúc.