Đời sống

Nguồn vốn chính sách: Chìa khóa tái hòa nhập cộng đồng

Minh Triết 23/04/2025 - 17:47

Nhằm “tiếp sức” cho những người từng lầm lỡ trên hành trình làm lại cuộc đời, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chính sách này mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn thiết thực cho những người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ có thêm động lực, điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

“Chiếc phao cứu sinh” cho người lầm lỡ

“Khi mãn hạn tù và trở về địa phương, tôi rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn: không có vốn liếng, không có nghề nghiệp, trong khi phải chăm lo cho 5 con nhỏ. Gia đình rơi vào cảnh thiếu thốn, cuộc sống hàng ngày chỉ luôn vật lộn để xoay sở. Biết được hoàn cảnh của tôi, chính quyền địa phương đã giúp đỡ, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 30 triệu đồng.

Nhờ nguồn vốn này, tôi đã đầu tư vào việc mua bán trái cây, từng bước cải thiện cuộc sống. Mỗi ngày, tôi có thể kiếm được thu nhập đủ để trang trải các chi phí cơ bản, sửa sang lại ngôi nhà, và dần dần ổn định cuộc sống.”, bà V.T.H.A, cư ngụ khu vực Thạnh Thới, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ chia sẻ.

1.jpg
Nguồn vốn ưu đãi NHCSXH giúp người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng

Do bạn bè lôi kéo, Đ.M.T cư ngụ tại khu vực 6, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ dù tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1991) đã “sa chân” vào ma túy.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, T được chính quyền địa phương và công an khu vực hướng dẫn làm thủ tục vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH. Có được nguồn vốn này, T đã cùng gia đình cải tạo lại khu vườn, trồng được 600 gốc mít, sầu riêng.

Trong thời gian chờ cây cho trái, T trồng thêm rau màu, chăn nuôi thêm gà, cá… theo mô hình “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh đó, T còn tận dụng thời gian nông nhàn làm thêm ở các cơ sở kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.

T cho biết, với thu nhập hiện nay đã tương đối đảm bảo cuộc sống, khi mảnh vườn mít, sầu riêng cho trái thì chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều, khi đó mới tính đến chuyện “ lấy vợ, sinh con”.

“Những người một lần lầm lỡ khi trở về địa phương thường bị kỳ thị, xa lánh; muốn mượn vốn làm ăn cũng rất khó. Trong hoàn cảnh đó, nguồn vốn NHCSXH thực sự như “chiếc phao cứu sinh” cho người mãn hạn tù vươn lên tái hòa nhập cộng đồng”, T chia sẻ.

Là một thợ sửa xe, trong một lần vì ham lời nhiều mua phải xe do đối tượng trộm cắp bán lại, ông L.V.P (51 tuổi, cư ngụ tại Khu vực Thạnh Thới, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) bị phạt tù treo; tang vật là xe gian bị tịch thu, ông P mất hết vốn lưu động, kinh tế gia đình rơi vào thế khó khăn.

Được chính quyền, đoàn thể địa phương giới thiệu, ông P vay được 40 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH. Từ nguồn vốn này ông P mua phụ tùng, vật tư để tiếp tục nghề sửa xe, nhờ vậy mà ông có nguồn thu nhập hàng ngày, kinh tế gia đình dần ổn định.

“Không có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH thì gia đình tôi cũng không biết xoay xở thế nào. Nếu vì nhu cầu quá bức thiết mà phải vay vốn tín dụng đen thì không biết bây giờ còn giữ được căn nhà để ở hay không”, ông P bộc bạch.

Theo ông Huỳnh Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) TP. Cần Thơ, để triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng. Cụ thể, Chi nhánh tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 32/-CT/TU ngày 07/5/20 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày /11/2023 để triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Đặc biệt, Chi nhánh đã ký kết phối hợp với Công an TP. Cần Thơ, đồng thời Công an TP. Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 475/KH-CATP-PC10 ngày 06/12/2023 nhằm triển khai hiệu quả Quyết định này.

Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ và Công an TP. Cần Thơ đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 201 cán bộ, chiến sĩ Công an các quận, huyện và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời, các quận, huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ nghiệp vụ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về quy trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, qua đó góp phần hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Từ việc triển khai công việc một cách đồng bộ, với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân liên quan, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân hàng chính sách thật sự là chìa khóa giúp người chấp hành xong án phat tù tái hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể tính đến hết tháng 3/2025, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ đã xét cho 61 người chấp hành xong án phạt tù vay gần 3,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện để kinh doanh quán cà phê, chăm sóc thú cưng, nuôi lươn, trồng mít, trồng sầu riêng, trồng hoa kiểng để bán,..

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an, NHCSXH, Hội đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Từ nguồn vốn này người thụ hưởng có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ tái phạm trở lại, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ Huỳnh Hoài Phong nhận định.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cần Thơ (nay là TP. Cần Thơ) được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, có nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

2(1).jpg
Mô hình "Điểm giao dịch tại xã, phường" tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này

Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ có Hội sở Chi nhánh và 8 Phòng giao dịch tại các quận, huyện. Toàn thành phố có 83 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn với trên 284 cán bộ hội đoàn thể tham gia vào hoạt động ủy thác và trên 2.000 Tổ TK&VV phân bố rộng khắp trên tất cả các ấp, khu vực.

Trong suốt quá trình hơn 20 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của sở, ngành có liên quan và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Với phương châm hoạt động: “Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ” tập thể viên chức, người lao động trong toàn Chi nhánh đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các điểm giao dịch của NHCSXH được bố trí trong khuôn viên UBND, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày Thứ bảy, Chủ nhật). Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại 100% xã, phường, thị trấn hàng tháng nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Cần Thơ, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Trong suốt quá trình hơn 20 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ giúp cho 634.493 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp cho gần 86.000 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho 310.278 lao động, giúp cho 60.550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 222.372 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ mua nhà ở xã hội, xây dựng, sửa chữa 6.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp…

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần nâng cao mức thu nhập, bình quân thu nhập đầu người hiện tại tăng gấp 10 lần so với thời điểm Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ mới được thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cho người yếu thế không bị bỏ lại phía sau. Qua đó, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Trong quý I/2025, Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ đã giúp cho 118 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho 4.034 lao động; giúp cho 149 học sinh, sinh viên mới có vốn để trang trải chi phí học tập; 4.088 hộ xây dựng và cải tạo 8.088 công trình nước sạch và vệ sinh; 116 khách hàng được hỗ trợ tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn chính sách: Chìa kha tái ha nhập cộng đồng