Tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn rất cao, tồn đọng nhiều năm là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị, cùng với những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý hồ sơ … là nguy cơ tạo cơ chế “xin – cho” gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được Thanh tra Chính phủ đề cập về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế, giai đoạn từ ngày /6/2021 đến ngày 30/11/2023.
Hồ sơ quá hạn rất lớn nhưng việc giải quyết rất chậm
Kết luận thanh tra chỉ rõ, tại Bộ Y tế có một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm công vụ trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (CCDVC) cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 19/2021 có quy định TTHC không được luật, nghị quyết của Quốc hội giao là không đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số đơn vị tham mưu thuộc Bộ không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định quy định TTHC trong một số dự thảo Thông tư có chứa TTHC.
Ngoài ra, việc rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa phân cấp TTHC và ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu, CCDVC, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thực hiện chậm, chưa đầy đủ, nghiêm túc.
Bên cạnh đó, việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa (BPMC) và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa đúng quy định, bất cập, hạn chế, yếu kém.
Kết luận thanh tra cho biết, Bộ Y tế báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ TTHC phản ánh không đúng thực trạng, số liệu thiếu chính xác; hồ sơ quá hạn rất lớn nhưng việc giải quyết rất chậm.
Cụ thể, Bộ báo cáo định kỳ gửi Chính phủ tỷ lệ hồ sơ quá hạn giai đoạn 2021-2023 là 4,97% nhưng thực tế rà soát tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 69,8%, tăng 64,8% (144.959 hồ sơ), tập trung vào một số TTHC lĩnh vực Dược, y dược cổ truyền (YDCT), trang thiết bị y tế (TTBYT) với tỷ lệ quá hạn trên 80% và trên 90%.
Không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc hồ sơ nộp trước giải quyết trước, hồ sơ nộp sau giải quyết sau (nguyên tắc FIFO), thiếu công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, xử lý, trình, thẩm định giải quyết một số hồ sơ của một số TTHC. Đơn cử, tại Cục Quản lý dược có tình trạng hồ sơ nộp trước, thẩm định trước nhưng không được giải quyết trước theo nguyên tắc FIFO…
Nhận diện nguy cơ tạo cơ chế “xin - cho”
Một nội dung khác đáng chú ý đó là việc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thông tin tài liệu sai quy định.
Tại 5 đơn vị giải quyết TTHC được thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận diện đều có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngoài quy định; yêu cầu bổ sung vượt quá số lần quy định; yêu cầu mang tính khuyến nghị, yêu cầu không đầy đủ, rõ ràng; yêu cầu bổ sung khi các quy định đã được bãi bỏ; yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc áp dụng sai quy định pháp luật...
Theo Thanh tra Chính phủ, hệ lụy này dẫn đến doanh nghiệp phải bổ sung, giải trình nhiều lần, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
“Kết quả thanh tra chọn mẫu 20 TTHC cho thấy tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực dược, YDCT, TTBYT rất cao, tồn đọng nhiều năm là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị; cùng với những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý hồ sơ, không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc FIFO trong giải quyết hồ sơ với một số TTHC,... là nguy cơ tạo cơ chế xin, cho, gây phiền hà, không đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch trong việc giải quyết TTHC, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và trong dư luận xã hội”, kết luận nêu rõ.
Trách nhiệm đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm thuộc về Lãnh đạo Bộ, Văn phòng và một số cục, vụ, đơn vị (Cục QLD, Cục QLKCB, Cục QLYDCT, Cục ATTP, Cục CSHT&TBYT, Vụ Pháp chế), tập thể, cá nhân thuộc Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Từ kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế có liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp.
Theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm đối với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, tập thể, cá nhân thuộc Bộ Y tế có liên quan.