Bạn đọc đã biết đến nh thơ, nh báo Lê Minh Quốc - hội viên Hội Nh văn Việt Nam, Hội Nh báo Việt Nam, đến nay anh đã c vi chục đầu sách đã xuất bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: các tập thơ Trong cõi chiêm bao, Thơ tình Lê Minh Quốc, Tôi vẽ mặt tôi, Nếu không còn cổ tích, Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung với Đoàn Tuấn), Tôi chạy theo thơ, Hành trình của con kiến (trường ca)…; các tập tùy bút như: Người Quảng Nam, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada, Ngày trong nếp ngày, Tình éo le mà lý oái oăm, Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn…và nhiều thể loại khác.
Năm 20, Tòa án nhân dân tối cao giao cho Báo Công lý tổ chức “Cuộc Vận động sáng tác Âm nhạc và văn học về Tòa án nhân dân” nhân kỷ niệm 70 năm Truyền thống Tòa án nhân dân. Nhà thơ Lê Minh Quốc đã tham dự bài thơ “Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý” và đoạt Giải B. Thành viên Ban Giám khảo - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Đặc biệt có bài thơ cũng không phải là dài, nhưng lại có chất sử thi, mang âm hưởng trường ca, dựng lại cả một chặng đường lịch sử 70 năm truyền thống Tòa án nhân dân. Đó là tác phẩm của Nhà thơ Lê Minh Quốc, đây là bài thơ mang tính chất sử thi có tầm khái quát cao…”.
Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân (2016), chúng tôi có cuộc trao đổi thân mật với Nhà thơ về cảm hứng sáng tác “Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý” được nhiều cán bộ, công chức, Thẩm phán TAND yêu thích.
Thưa anh, nhà thơ Xuân Diệu từng bảo: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Thế nhưng, nhờ đâu anh lại có thể viết được một đề tài rất khó, đó là về Tòa án nhân dân, vừa phải có hiểu biết sâu, vừa cần phải có kiến thức chuyên môn, chứ không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bạn nói đúng, ở lãnh vực Tòa án mọi việc đều phải có “chứng cứ”, “nhân chứng”, “vật chứng” cụ thể, khách quan, do đó, muốn viết về Tòa án cần tìm hiểu, như các bạn thường nói là “phải có chuyên môn, nghiệp vụ” chứ không thể phán xét theo sự suy diễn chủ quan. Khi nhận lời mời tham dự Cuộc vận động sáng tác về Tòa án nhân dân, một cuộc vận động rộng rãi, nhưng ở các tỉnh phía Nam, hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chúng tôi đều bảo rằng đề tài này rất khó viết. Thật là vậy, nhìn lại lãnh vực văn hóa nghệ thuật lâu nay, rõ ràng các tác phẩm viết về đề tài Tòa án nhân dân vẫn chưa có nhiều, nếu không muốn nói là vắng bóng trên văn đàn văn học nghệ thuật.
Tuy nhiên, được tham dự cuộc họp do Ban tổ chức “triệu tập”, tôi có phát biểu rằng: Cuộc vận động sáng tác lần này là cơ hội cho văn nghệ sỹ thể hiện tài năng, tâm huyết với một địa hạt mà chưa bao giờ ta đặt chân tới. Đề tài khó, lạ lẫm nhưng thành công mới có chuyện để nói. Và gì đi nữa, cũng phải đóng góp gì đó cho Tòa án nhân dân. Điều đó cần sự nhiệt huyết, “dấn thân” và tôi đã “dấn thân”. Tôi cũng hiểu, đây là Cuộc vận động có tính chất đột phá, đi tiên phong, nếu “gặt hái” được nhiều tác phẩm chất lượng tốt, chắc chắn hết sức thuận lợi cho các lần tổ chức sau. Mà nghĩ cho cùng, bất kỳ lãnh vực nào diễn ra trong đời sống xã hội cũng đều là đối tượng của người văn nghệ sĩ. Nếu có tài và tâm huyết thì vẫn có tác phẩm tốt. Tôi tin và tôi đã làm…
Nhà thơ nói đúng! Phải nói thật, các nhà văn, nhà thơ cũng như các nhạc sỹ ít có điều kiện tìm hiểu và am hiểu về công việc, chuyên môn, nghiệp vụ của Tòa án. Vậy anh đã thu thập các dữ kiện thế nào, ở đâu để có được tác phẩm “Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý”?
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Như trên đã nói, khi được mời tham dự viết, anh em nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ chúng tôi đã có cuộc họp với Ban Tổ chức do anh Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao chủ trì. Ngoài các tài liệu, văn bản chính thống được Ban Tổ chức cung cấp, ấn tượng nhất với tôi vẫn là những chia sẻ, tâm sự, bộc bạch chân tình của anh Hòa. Cuộc họp rất ngắn, nhưng anh đã kể lại những tâm tư, tình cảm những năm công tác của mình, từ cấp Tòa tỉnh đến Tòa án nhân dân tối cao, mà toàn chuyện trong nghề, nhất là những phút đắn đo, day dứt, cân nhắc đầy trách nhiệm của vị thẩm phán, chính là anh khi đặt bút ký bản án, nhất là bản án tử hình tước đi sinh mạng của bị cáo. Anh nói, dù gì họ cũng là con người. Họ phạm tội thì phải bị trừng trị, nhưng trái tim Thẩm phán đâu phải chai sạn mà không thấm thía nỗi đau. Anh còn kể, một hôm khi biết một bị cáo bị đưa đi thi hành án tử hình bản án mà anh là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên trước đó, anh day dứt, và đang họp ở Hà Nội, anh gọi về cho chị nhà “thắp mấy nén hương cho người ta”. Tôi chăm chú lắng nghe, và biết rằng nỗi lòng với trái tim của các vị Thẩm phán như anh là rất thật. Tôi cũng hiểu, nếu không là người trong cuộc, không thực sự trải qua ắt không thể có được cảm xúc rất thật mà cũng rất đời thường ấy.
Nói vậy tôi là người may mắn khi được dự cuộc họp rất nghiêm túc, nhưng lại được nghe anh Hòa trải lòng như thế. Đó là chất liệu quý giá cho tôi. Và như bạn biết, nếu thơ không đi vào lòng trắc ẩn, suy tư tình người, sự rung động sâu thẳm trong tâm hồn của đối tượng thì khó có thể thuyết phục được bạn đọc. Đó chính là yếu tố mà tôi lưu tâm nhất. Ngoài ra, vì cuộc vận động có tính chất đầu tiên, mở đầu như đã nói nên các anh trong Ban Tổ chức do Báo Công lý chủ trì đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác. Những cuộc gặp gỡ với nhân chứng, thẩm phán v.v… là các yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên cảm hứng sáng tác. Và một khi có đủ “chất liệu” về Tòa án nhân dân, tôi đã đặt bút viết.
Nhà thơ Lê Minh Quốc (thứ hai, bên trái ảnh) nhận giải B tác phẩm thơ “Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý”
Nhà thơ viết một lần là xong hay phải trăn trở, đắn đo để cho ra đời bài thơ đó?
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Nói thật tôi trăn trở, dụng công nhiều lắm. Vì chủ đề của bài thơ có tính khái quát, xuyên suốt chặng đường lịch sử 70 năm truyền thống Tòa án nhân dân, do đó, phải bố cục thế nào cho hợp lý nhất. Tôi đã đọc lại các tác phẩm hiện thực phê phán của các nhà văn trước năm 1945 để tìm hiểu: thời thuộc Pháp, Tòa án của đế quốc đã vận hành thế nào? Và khi đủ chất liệu, tôi viết phần 1: “Trước vành móng ngựa” - miêu tả sự uất hận của người cùng khổ “vô phúc đáo tụng đình”: “Đêm tối đen, chó cắn người váy đụp/ Biết bao giờ mới gặp nắng bình minh?/ Cân công lý lệch về nơi quyền thế/ Gào rách trời xanh, ai cứu lấy mình?”. Đến Phần 2: “Rũ bùn đứng dậy”, nhằm trả lời câu hỏi đó, tôi tập trung vào vai trò của các tổ chức, đoàn thể cách mạng: “Đây cờ búa liềm, nọ tờ truyền đơn đã rải khắp nơi/ Bão đã nổi/ Gió cuồng phong giật xô lô cốt/ Tòa án, nghị trường, máy chém, xà lim…/ Hừng hực người đi như sóng lướt dưới chân”.
Phần 3 “Quân pháp bất vị thân” là lúc lịch sử đất nước bước sang giai đoạn mới, một trang sử mới chói lòa ánh sáng “Ngẩng đầu lên rực sáng ngọn Sao Vàng”. Và cũng là giai đoạn: “Luật pháp nghiêm minh theo lẽ Công bằng/ Ngọn lửa thiêng sáng bừng theo năm tháng”. Để làm nổi bật tôn chỉ này, tôi tập trung khai thác lời dạy của Cụ Hồ về ngành Tòa án: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Và chính Cụ Hồ là một sự mẫu mực: “Ai thấu hiểu trong đêm dài tỉnh giấc/ Bác Hồ ta trằn trọc suy tư: “Giết con sâu để cứu cả rừng cây/ Việc làm ấy chính là lòng nhân đạo”/ Quân pháp bất vị thân/ Công lý nghiêm minh vì Dân vì Nước”.
Tiếp đến Phần 4 “Thấu tình đạt lý”, đối với tôi vẫn là khó nhất, vì đó là những câu thơ phải viết thế nào “cho ra” cảm xúc nội tâm của người Thẩm phán. Không phải người trong ngành, vậy “nhập vai” thế nào cho hiệu quả? Khi viết, tôi nhớ lại như in những cuộc trò chuyện với anh Hòa, Phó Chánh án. Anh hay nhắc đến cảm xúc nội tâm của Thẩm phán trước lúc đặt bút ký tuyên án. Anh bảo rằng khi xử án, chỉ một chi tiết, một tình tiết nếu mập mờ, không làm sáng tỏ rất dễ dẫn đến oan sai, có thể kết thúc oan uổng số phận một con người. Bên cạnh đó, dù bản án đã xử đúng người, đúng tội, cái ác phải đền tội nhưng kẻ xấu đó cũng là con người, cũng có vợ chồng con cái v.v… Vậy phải xử lý làm sao cho thấu tình đạt lý, và xử đúng pháp luật rồi thì trái tim Thẩm phán vẫn đập theo nhịp đập của Nhân dân, vẫn là tâm trạng buồn lo, day dứt.Nói cách khác tôi cảm nhận ra rằng, làm tròn nhiệm vụ, vai trò của một vị Thẩm phán công minh là một cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm giữa tình và lý. Với cảm xúc đó tôi đã viết: “Anh nghĩ đến tình tiết ấy liệu có gì giảm nhẹ?/ Anh hỏi Anh như bão xoáy trong lòng/ Con mất bố, vợ lìa chồng, biết thế/Cõi nhân gian đâu chỉ có đóa hồng”. Và hơn ai hết, các vị Thẩm phán tâm niệm: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”/ Anh tâm niệm trước lần đặt bút ký/ Tòa án Nhân dân phụng sự nhân dân/Lời Bác dạy chính là lời chân lý”.
Phần 5 “Muôn thuở huy hoàng”, tôi nghĩ vai trò của Tòa án luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử cụ thể, và 70 năm qua là chặng đường vinh quang Tòa án đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước. Hiện nay Tòa án đang đổi mới từng ngày và phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của cơ quan thực hiện quyền tư pháp vì nhân dân. Vì vậy tôi đã kết: “Tư pháp - Nhân dân cùng sánh bước nhịp nhàng/ Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý/ Xây dựng nước non muôn thuở huy hoàng”. Với cách bố cục như thế, nên nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận định bài thơ “Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý” mang tính chất sử thi có tầm khái quát.
Rất thú vị về sự chia sẻ từ một sáng tác vốn là đề tài mới lạ với các văn nghệ sỹ, nhân đây anh có gửi gắm gì khi Mùa xuân năm mới đã đến gần?
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Phải nói rằng tôi rất may đã có cơ hội đóng góp tác phẩm viết về Tòa án nhân dân. Tôi cảm ơn Tòa án nhân dân tối cao và Báo Công lý đã tổ chức cuộc vận động sáng tác vừa qua và trao cho tôi một cơ hội quý báu. Bài thơ của tôi là một dấu ấn cho riêng mình. Tôi mong rằng, cuộc vận động này sẽ trở thành sự kiện có tính chất lâu dài, chứ không là “phong trào” chỉ diễn ra một lần duy nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Truyền thống Tòa án nhân dân. Có như thế, chúng ta mới thu hút, kêu gọi nhiều hơn nữa sự hưởng ứng của văn nghệ sĩ tập trung sáng tác về một đề tài rất khó, nhưng vô cùng hấp dẫn. Đó là đề tài về Tòa án nhân dân nói chung, về Thẩm phán Tòa án nói riêng và như bạn biết, các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài này vẫn chưa xuất hiện nhiều trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu Cuộc vận động sáng tác về Tòa án nhân dân tiếp tục diễn ra, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục thử sức mình lần nữa.
Xin cảm ơn Nhà thơ và chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp văn chương trên chặng đường sắp tới!
Huân chương trao anh là thanh gươm công lý (Trích)
Tôi có biết những Thẩm phán đêm ngày thao thức
Ngọn đèn soi từng dấu phẩy, chấm câu…
Số phận xoay chiều theo cáo trạng
Cân nhắc từng dòng, ngẫm nghĩ trước sau
Anh nghĩ đến tiếng trẻ thơ nô đùa mỗi sáng
Những bữa cơm ấm áp nắng xanh non
Mái ấm yên lành tình yêu sum họp
Của con người trong thế giới mênh mông
Anh nghĩ đến tình tiết ấy liệu có gì giảm nhẹ?
Anh hỏi Anh như bão xoáy trong lòng
Con mất bố, vợ lìa chồng, biết thế
Cõi nhân gian đâu chỉ có đóa hồng
Tâm phải sáng mới “cầm cân nẩy mực”
Không nhập nhằng cỏ dại với bông hoa
Có những lúc tâm hồn Anh nặng trĩu
Dẫu xử nghiêm minh mọi lẽ chính - tà
Ðâu thể đồng tiền xoay chiều “phải - trái”
Ðánh lộn sòng vị nể thân quen
Ðánh lận con đen “không không - có có”
Vùi lương dân ngập xuống bùn đen
Vẫn biết trong mỗi con người không chỉ có hương sen
Anh có tĩnh tâm trước bùa mê cặm bẫy?
Tự dặn lòng dẫu chưa thể như sen
Anh tâm niệm hướng về Chân Thiện Mỹ
Ðọc cáo trạng thâm tâm Anh ngẫm nghĩ:
Hạnh phúc đớn đau oan khuất cuộc đời
Những số phận cựa mình trên trang giấy
Máu thịt con người đâu thể giỡn chơi
“Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”
Anh tâm niệm trước lần đặt bút ký
Tòa án Nhân dân phụng sự Nhân dân
Lời Bác dạy chính là lời chân lý
* * *
Từng trang sử trong phong ba sóng gió
Vẫn uy nguy ngọn cờ đỏ Sao Vàng
Ngọn lửa thiêng sáng bừng theo năm tháng
Luật pháp nghiêm minh theo lẽ Công bằng
“Ðoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”
Tư pháp - Nhân dân cùng sánh bước nhịp nhàng
Huân chương trao Anh là Thanh gươm Công lý
Xây dựng nước non muôn thuở huy hoàng.