Chúng tôi gặp Nhà thơ, Nhà báo Hồng Thanh Quang vào một buổi sáng cuối đông. Ở độ tuổi 62, khi đã qua hơn một nửa đời người nhưng ông vẫn sống với đúng những triết lý mình từng được học và những quy tắc tự mình đặt ra: “Người họa sĩ khi vẽ chân dung mình thì có những màu sắc, còn tôi, một nhà thơ, khi nghĩ về cuộc đời mình chỉ có những câu chữ”. Theo quan điểm của Thi sĩ sinh năm Nhâm Dần, cuộc đời cũng giống như leo núi, quan trọng không phải là leo lên đỉnh núi đạt được cái gì, có cái gì mà
Chúng tôi gặp Nhà thơ, Nhà báo Hồng Thanh Quang vào một buổi sáng cuối đông. Ở độ tuổi 62, khi đã qua hơn một nửa đời người nhưng ông vẫn sống với đúng những triết lý mình từng được học và những quy tắc tự mình đặt ra: “Người họa sĩ khi vẽ chân dung mình thì có những màu sắc, còn tôi, một nhà thơ, khi nghĩ về cuộc đời mình chỉ có những câu chữ”. Theo quan điểm của Thi sĩ sinh năm Nhâm Dần, cuộc đời cũng giống như leo núi, quan trọng không phải là leo lên đỉnh núi đạt được cái gì, có cái gì mà là khao khát đi trên đường, khao khát vươn tới một cái gì đó của chính mình".
PV: Quê hương Hưng Yên, nơi sinh Hà Nội và đất nước Liên Xô có ảnh hưởng thế nào với Nhà thơ, Nhà báo Hồng Thanh Quang?
Tôi sinh ra ở Hàng Đào nhưng gốc người Hưng Yên. Tôi vẫn giải thích cho người ta thế này, làng tôi La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Một phần tính cách của tôi, cả cái tốt lẫn cái xấu có gen của quê tôi, kiên định này, sức chịu đựng rất lớn này, ngang ngạnh, lỳ đòn, thích tự do và cái sự đào hoa... Thỉnh thoảng tôi mới về quê. Tôi có thiệt thòi rất lớn là ông bà nội mất vì nạn đói năm 1945 ở La Tiến nên không được gặp bao giờ. Ở quê giờ chỉ còn họ hàng.
Quê tôi đất rộng nhưng là vùng chiêm trũng nên còn nghèo. Phụ nữ quê tôi rất đảm đang tần tảo... Năm mới, rất mong Phố Hiến sớm phát triển xứng danh với tiềm năng vốn có, thành một trung tâm du lịch, một vệ tinh của Hà Nội khi người ta cần một địa chỉ du lịch để nghỉ ngơi, lắng đọng, với những di sản văn hóa, con người thân thiện, đường sá rộng rãi, đi lại thuận lợi…
Còn khi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi may mắn được thừa hưởng sự hiếu học và có điều kiện để học tập tốt hơn. Cùng với sự nhẹ nhàng, tinh hoa của người Hà Nội tôi đã học được rất nhiều trong cách ứng xử. Về kinh tế, Hà Nội lúc đó vẫn rất đói kém không chỉ có “tao nhân mặc khách” mà còn có những “Ba Giai – Tú Xuất”. Vẫn có những mảnh đời cơ cực, lam lũ, kiếm ăn từng bữa. Vẫn có những thành phần bất hảo nơi đường tàu, cuối chợ. Nên cũng từ sớm, tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc học và cố gắng học từ đó.
Đến khi 18 tuổi, được sang Liên Xô học lại là một cột mốc vô cùng quan trọng với cuộc đời tôi. Tôi được tiếp cận với một đất nước có nền văn minh phát triển. Tiếng Nga là một ngôn ngữ lớn, tập hợp nhiều tàng thư, sách vở của các ngôn ngữ khác.
Chính điều đó đã giúp tôi được tiếp cận với nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật của thế giới, và đã giúp tôi trưởng thành nhanh hơn, tạo cho mình một cốt cách văn hoá rất riêng biệt. Điều đó đã làm nên một hồn thơ tưởng như trải nghiệm nhiều như Hồng Thanh Quang. Nhưng thực chất, đó là những cảm xúc tôi đúc kết lại từ sách vở cũng khá nhiều.
Khi tốt nghiệp, tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện là các bạn cùng trang lứa người thì mang tủ lạnh, người mang tivi… còn riêng tôi thì một balo đầy sách. Sau này, khi ngẫm lại tôi mới thấy quyết định của mình là đúng đắn. Vì tủ lạnh, tivi sau thời gian dài sử dụng, giá trị không còn nhưng những kiến thức từ sách tôi mang về đã giúp ích rất nhiều trong sự nghiệp của mình. Thời điểm nhuận bút cao, tôi có thể viết ra nhiều cái tủ lạnh, nhiều cái nồi cơm và quan trọng những kiến thức đó đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm hơn, giúp tôi bản lĩnh hơn với cuộc sống hiện thực.
PV: Ông có nghĩ hình ảnh Nhà thơ Hồng Thanh Quang hiện lên rõ ràng nhất trong mắt người hâm mộ mình hơn là một Nhà báo, một lãnh đạo cơ quan báo chí?
Không! Tâm thế nhà thơ chính là lá bùa để bảo vệ nhân tính trong con người mình. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy những vị trí mình đã trải qua đều có rất nhiều cám dỗ, thậm chí rất nhiều cạm bẫy nhưng chính nhờ phẩm hạnh nhà thơ mà mình đã có thể thoát ra tất cả. Trong cuộc chạy đua với danh lợi xã hội, chúng ta thường có nguy cơ đánh mất những phẩm hạnh thiên phú rất tốt đẹp của chúng ta. Tôi cũng như mọi người thôi. Cũng có những khao khát, những lúc đúng, lúc sai nhưng nếu như không có phẩm hạnh nhà thơ để tạo ra những cái phanh vô hình thì chắc chắn mình cũng sẽ đua theo. Và, không thể nói mạnh được, cũng có thể mình sẽ bị lầm lạc chứ. Nhưng, bây giờ nhìn lại tôi thấy mình luôn dừng được ở bên mép vực nhờ phẩm hạnh nhà thơ. Mà phẩm hạnh ấy, lúc ấy mình không ý thức được. Tự nó trỗi dậy như một bản năng thôi.
Với cá nhân tôi, khi làm lãnh đạo một số cơ quan báo chí, chính chất thơ trong tôi đã giúp tôi không trở nên tàn nhẫn, tàn khốc và bị tha hóa bởi hoàn cảnh như một số người khác. Nhìn nhận như thế sẽ thấy tố chất nhà thơ không phải là điểm yếu khi tôi làm công tác quản lý, mà lại là một sự cộng vào. Tất nhiên, tôi cũng có những điểm yếu và với một số cá nhân cụ thể nào đó, trong từng cảnh huống cụ thể, mình cũng có những sự thất thố chứ. Nhưng, tôi nghĩ những sự cố ấy vẫn ở mức chấp nhận được.
PV: Một cột mốc quan trọng nữa với Nhà thơ, Nhà báo Hồng Thanh Quang có thể nói là vào năm 2019. Khi đã từng vượt qua cơn bạo bệnh, trải qua bao thăng trầm cuộc đời, ở tuổi này có phải cuộc sống của ông đang được trọn vẹn với nghiệp viết?
Những thử thách hay vận hạn đen đủi đã không giết được ta thì sẽ giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn. Và biết thương mình cũng như thương những người khác hơn. Tôi đã mắc một căn bệnh vô cùng nan y, gần như đã đặt một chân vào thế giới bên kia. May thay, tôi đã được những người thân thiết nhất, đặc biệt là gia đình, hết lòng tìm thầy tìm thuốc chạy chữa bằng mọi giá. Và có những người bạn luôn ở cạnh sẵn sàng hỗ trợ. Giờ tôi sẽ phải chú ý hơn đến việc bảo vệ sự sống cho mình, bớt chúi đầu vào những sự vụ không cần thiết nữa, như một cách để bày tỏ lòng biết ơn và trách nhiệm đối với những ân nhân của mình.
Thơ đã cứu rỗi tôi, giúp tôi có chỗ nương tựa. Có lúc, tôi nghĩ rằng tôi được nương thơ để những câu thơ tôi viết ra có thêm sức sống. Chân thành mà nói, tôi thấy rất thoải mái với nếp sống hiện nay. Vì nếp sống này rất tốt cho thực trạng sức khỏe và tâm trạng của tôi bây giờ. Ngẫm lại, tôi thấy mình gặp may vì không có gì phải nuối tiếc trong công việc vì hơn 40 năm làm việc trong bộ máy Nhà nước, tôi đã luôn cố gắng thực hiện các chức trách của mình một cách tận tụy nhất. Còn bây giờ, bệnh tật là chuyện do ông trời, muốn cũng chẳng tránh được. Mà tôi thực ra đã thoát khỏi căn bệnh oái oăm của mình một cách rất ngoạn mục. Không phải ai cũng được may mắn như thế.
Mỗi bài thơ thực ra là một mơ ước và phần nhiều tôi nghĩ là mơ ước của nhà thơ. Ngay cả bây giờ tôi vẫn luôn phải cố gắng, luôn phải tự sửa mình, trau dồi để sống làm sao được gần bằng những mơ ước, những con đường vạch ra thời trẻ trong những bài thơ hay nhất của mình. Điều đó không dễ tí nào cả!
Viết được một câu thơ hay đã không dễ rồi, nhưng sống xứng đáng, sống hài hòa, sống tương xứng với những câu thơ hay mà mình đã viết thì lại càng không bao giờ là dễ, là vô cùng khó khăn, luôn luôn khó khăn. Thành ra cuộc đời nhà thơ cứ không bao giờ ổn định là vì thế.
"Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc
Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Có điều chi em mải miết đi tìm?".
Tôi không quan tâm lắm đến chuyện nổi tiếng hay được cái gì, ngay cả trong lúc rất nghèo tôi cũng không quan tâm lắm đến tiền. Hạnh phúc của tôi là trong lúc làm việc. Nghĩ lại ở chỗ này chỗ kia mình hơi bị thiệt thòi nhưng bù lại mình được làm việc mình thích.
Từ hồi trẻ tôi viết nhiều lắm, không nhuận bút cũng viết vì mình thấy nhiều ý tưởng để viết. Chính hồi ấy rèn luyện như thế nên sau này những con chữ còn ở lại. Và thế này, ở trên đời người may mắn là người được làm việc theo đúng tình yêu của mình, nhìn góc độ ấy tôi nghĩ tôi là người rất may mắn. Tất nhiên để làm được việc mình thích là mình cũng phải có quyết tâm, phải lỳ đòn, lỳ lợm, kiên định… Tôi nghĩ rằng nhìn lại đời mình, nếu có thành công là nhờ sự say mê, xả thân.
PV: “Nếu đời ta chỉ của ta thôi nhỉ, Hẳn đêm ta sẽ sao băng, Chói khoảnh khắc rồi chìm vào quên lãng, Chỉ vô danh mới được vĩnh hằng…”. Phải chăng ông đã để lại những gì của quá khứ bên cánh cửa thời gian?
Tôi đã để lại rất nhiều trong quá khứ. Bởi không giống như những nhà văn, nhà thơ khi chuyện qua rồi mới viết. Tôi lại là người trưởng thành trong tư tưởng nhiều hơn đời thực. Vì sự ham đọc, thích đọc sách và thích tưởng tượng, cảm nhận những câu chuyện trong đó nên cuộc đời tôi lại bị ảnh hưởng bởi chúng khá nhiều. Từ những câu thơ đã nhắc nhở tôi về huyền bí của cuộc sống. Cuộc đời tôi cũng bị chi phối rất nhiều từ những bài thơ do mình sáng tác. Cảm giác sống trong lời “sấm truyền” của chính mình cũng cảm thấy rất thú vị.
Tôi luôn là người yêu của những người yêu tôi, và tôi cũng không bao giờ cần phải biết “giá vàng trên thị trường bao nhiêu”. Và nói thực, bây giờ thì tôi cũng không quan tâm tới việc “bao nhiêu thơ truyện đã ra đời”. Tôi chỉ cố gắng làm việc và sống sao cho tốt nhất, vì tôi biết qua những trải nghiệm chìm nổi. Chỉ có sự tử tế còn lại thôi. Tôi vẫn hay nói với các phóng viên làm việc dưới quyền tôi trước đây rằng, ở đời, làm bất cứ một công việc gì cũng như tung ra một cái boomerang, (dụng cụ săn bắn của thổ dân ở xứ chuột túi). Nếu ta làm việc tốt, thì hồi âm tốt đẹp sẽ vọng lại về ta. Nếu ta làm việc không tốt, hồi âm xấu cũng sẽ vọng về ta.
PV: Hiện nay trên trang facebook cá nhân của mình, ngoài đăng nhiều hình ảnh về “Hang ổ Nhâm Dần” và các bức ảnh cá nhân với cuộc sống sinh động ông vẫn làm rất nhiều thơ. Ông vẫn “say men” với cuộc sống?
Với tôi, thơ là định mệnh, là sự may mắn, cũng là sự đọa đày. Người làm thơ là giời chọn chứ không phải mình chọn thơ. Khi có chuyện gì, có cảm xúc gì mà mình không viết ra mình không thể chịu nổi. Tôi bị hiểu lầm rất nhiều vì thơ. Truyện Kiều nói là “Một lời là một vận vào”. Thực sự là có những chuyện chưa xảy ra nhưng có khi thơ xuất hiện trước. Lúc mình viết ra không hiểu tại sao có những câu như thế…
Tôi làm việc gì cũng với tình cảm, kể cả viết bình luận quốc tế cũng với cảm xúc của một nhà thơ. Hồi đầu những năm 90, khi còn ở Báo QĐND, tôi mới ngoài 30 tuổi, được phân công phụ trách mục những vấn đề quốc tế, có những bài bình luận đến bây giờ vẫn rất nhiều người nhắc. Bình luận quốc tế đâu phải chuyện nhà mình mà mình muốn nói thế nào cũng được, phải trên cơ sở quyền lợi của dân tộc và nhận thức của mình là làm thế nào tốt cho xã hội.
Hơn thế, cái gì cũng phải có góc nhìn riêng và hấp dẫn bằng sự chân thành. Ngay cả khi làm theo định hướng cũng có sự chân thành cá nhân… Cũng có những việc, mình duy lý hơn một tí, mình không cảm tính như vậy thì mình đỡ cực. Nhưng thực ra, giờ nhìn lại cũng chả sao cả, vì ngay cả những khó khăn ấy xảy ra cũng là một sự đào luyện đối với mình và mình cũng dễ thông cảm hơn.
Khi đã lên quản lý, chính những cảm xúc trong thơ ca đã giúp tôi hài hoà được giữa kỷ luật, làm nghề và tình người. Nó khiến tôi không quá hà khắc với công việc mà giải quyết tình hơn, nhưng vẫn sáng suốt, không xa rời thực tế.
PV: Cả đời gắn bó, cống hiến cho thơ, cho nghề báo, giờ nhìn lại nếu có một điều đáng tự hào, hài lòng về mình thì ông tự hào, hài lòng về điều gì?
Tôi chưa bao giờ tự hào về mình. Tôi luôn cảm thấy lẽ ra mình có thể làm việc tốt hơn, thấy những cái mình bỏ lỡ nhiều hơn những cái mình làm được.
Tôi hài lòng nhất là luôn sống đúng là mình, ở bất cứ môi trường nào. Dù tính cách hồn nhiên, tự do, ngang ngạnh cũng tạo cho tôi rất nhiều khó khăn, có khi bầm dập. Thực ra có đôi lúc thì tôi thấy xót cho một số người thân của mình vì phải chịu chìm nổi cùng. Nhưng ở đời muốn yêu hoa hồng thì phải chịu được gai. Chứ rất khó muốn “cừu no mà cỏ vẫn còn nguyên”.
Tôi làm việc trong quân đội năm, 11 năm trong ngành công an và 5 năm trong Mặt trận, trải qua rất nhiều thứ, rất may mắn là ở các môi trường ấy thì đại đa số đồng nghiệp và lãnh đạo họ đều chấp nhận tính cách của mình, họ nhìn thấy ở đấy có sự tích cực nhiều hơn tiêu cực nên mới tồn tại và phát triển đến hôm nay. Tôi là người may mắn luôn được sống trong những tập thể mà dù thế nào tôi cũng được bao dung và tha thứ rất nhiều.
PV: Trong khí của những ngày Tết cổ truyền sắp đến, ông có thể tặng cho Báo Công lý và mọi người một bài thơ?
Vuốt thẳng lẽ đời cho bớt cong,
Nhuộm cho xanh lá được thêm hồng...
Từng câu từng chữ luôn sáng ý,
Để CÓ mai này không mất không...
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.
Đồ họa: Tuấn Dũng.