Văn hóa - Du lịch

Nhạc cụ truyền thống: Gìn giữ bản sắc dân tộc bằng âm thanh

Tuyết Nhung /06/2023 - 14:26

Nhạc cụ truyền thống nói riêng và văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung là một nền văn hóa của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Với sức sống mạnh mẽ của văn hóa 54 dân tộc thì nhạc cụ truyền thống là những viên ngọc quý góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam. Nghệ sĩ là những người giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa đó thông qua âm thanh, giai điệu. Tuy nhiên để bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong thời đại ngày nay là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

danh-toc5.jpeg

Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện, một bản sắc riêng

Đặc trưng âm nhạc nước ta là phát triển theo vùng miền từ Bắc đến Nam. Có những nhạc cụ đơn thuần là sự sáng tạo của con người ở vùng đất đó; có loại được du nhập từ nước ngoài nhưng được dân tộc hóa, bản địa hóa để phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam.

Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng cũng đặc biệt; những hồn cốt đều nằm trong các nhạc cụ truyền thống đó. Trống lớn, trống nhỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc,... mỗi nhạc cụ đều có quá trình phát sinh, phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, thẩm mỹ và nghệ thuật đặc trưng của dân tộc mình.

dan-toc.jpg
Nhạc cụ truyền thống Việt Nam là một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử dân tộc.

Nhắc đến vùng núi Tây Bắc, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những lễ hội truyền thống ồn ào náo nhiệt, những thửa ruộng bậc thang uốn mình bên sườn núi, những cô sơn cước áo váy rực rỡ cùng những giai điệu của sáo mèo, kèn lính, đàn sến hay trống nậm.

Mỗi loại một kết cấu khác nhau nhưng mang đến âm thanh đặc trưng, phản ánh tính cách và tâm hồn của con người nơi đây. Đó là sự hào sảng của những người yêu tự do, yêu thiên nhiên. Là thứ âm thanh trong trẻo như bầu trời rộng lớn bao la, như cánh đồng bát ngát nhưng cũng có chất chứa những nỗi niềm riêng.

Điều kiện địa lý và dân cư của vùng đất Nam miền Trung đã tạo nên diện mạo văn hóa đa dân tộc, có những nét chung và nét riêng trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Di sản âm nhạc của các dân tộc miền biển và miền núi, cùng cộng cư, xen cư và cận cư trên vùng đất này đã kết thành một bức tranh toàn cảnh về một vùng văn hóa khá đặc trưng dọc theo duyên hải miền Trung, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng thêm diện mạo âm nhạc dân gian trên mảnh đất này từ bao đời nay.

Kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú ấy đã được khẳng định qua sự tồn tại và phát triển của những làn điệu dân ca, dân nhạc và các nhạc cụ cổ truyền. Qua các tư liệu điền dã, khảo sát, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có thể nói dân ca, dân nhạc của người Việt ở Nam Trung bộ khá phong phú với đầy đủ các thể loại: Hát ru, đồng dao, lý, hò, vè, hát bả trạo, hát sắc bùa, hò đưa linh, hô/hát bài chòi, hò khoan đối đáp, tuồng (hát bội) cùng với các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan…

Trong khi đó, nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ lại nổi tiếng với đàn nguyệt, sáo, đàn tranh, đàn nhị, đàn tam thập lục, đàn bầu, mõ, phách, trống, kèn loa. Những loại nhạc cụ nơi đây, có tính đơn giản và thân thiện, phù hợp với tâm hồn chất phác.

dan-toc2.jpg
Cụ Lữ Hữu Thi - nghệ nhân cuối cùng của đội Nhã nhạc triều Nguyễn.

Không chỉ đa dạng theo từng vùng địa lý mà nhạc cụ truyền thống còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và lịch sử của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Mỗi dân tộc lại có những loại nhạc cụ đặc trưng riêng, mang hình dáng, âm thanh, cách chơi và ý nghĩa sử dụng khác nhau.

Như dân tộc Tày nổi tiếng với trống bầu và đàn đáy. Hai loại đàn không thể thiếu trong mọi nghi lễ, sự kiện của họ. Trống bầu được làm bằng gỗ, có hình dáng giống một chiếc bầu nhỏ, và được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và trong các hoạt động văn hóa, như lễ hội, đám cưới, vv.... Đàn đáy được làm bằng gỗ, có hình dáng giống một chiếc cái đáy, và được sử dụng để trình diễn các bản nhạc truyền thống. Hay đơn giản là làm phách, nhịp để các cô gái đi xòe, các chàng trai nhảy lửa ở các lễ hội.

Còn dân tộc Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhưng đặc biệt nhất là kèn lượn và kèn đing. Kèn lượn là một loại kèn thổi, được làm bằng tre, có hình dáng giống một con rắn và được sử dụng trong các hoạt động văn hóa, như lễ hội, đám cưới. Kèn đing là một loại kèn thổi, được làm bằng gỗ, có hình dáng giống một chiếc sừng, và được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

Hay kèn môi, kèn sừng trâu của người dân tộc Mạ vv... Những loại nhạc cụ này không chỉ thể hiện sự đa dạng về nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc mà còn là những giá trị tinh thần và tâm linh của họ, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của đất nước Việt Nam. Là sự tôn trọng đối với tổ tiên, sự tôn nghiêm của con người đối với các vị thần hay sự tình cảm giữa con người và thiên nhiên.

Chính vì sự gắn kết, có mặt trong hầu hết các sinh hoạt hàng ngày của con người nên những nhạc cụ truyền thống được dùng để truyền tải thông điệp và cảm xúc: tình yêu, sự vui tươi, sự buồn bã hay sự khát khao của con người.

Người có vai trò quan trọng trong việc biểu diễn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống là các nghệ nhân, nghệ sĩ. Họ phải dùng khả năng đọc hiểu và phân tích các bản nhạc cổ truyền để chơi và biểu diễn. Từ đó mới có thể truyền tải được cảm xúc và tinh thần của bài hát, làn điệu đến khán giả.

dan-toc4.jpg
Nhạc cụ truyền thống cũng thể hiện những giá trị tinh thần và tâm linh của các dân tộc, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của đất nước.

Vị thế của nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy thời đại

Trong những năm qua, tâm lý ham muốn tiếp nhận, hưởng thụ những giá trị mới đã chiếm thế thượng phong trên cán cân thẩm mỹ văn hóa - nghệ thuật của xã hội Việt Nam. Từ trang phục, ngôn ngữ, lối sống... cho đến sân khấu, thơ ca và âm nhạc tất cả đều đã trở thành cách nghĩ, cách làm gần như là quen thuộc trong xã hội.

Nền kinh tế thị trường khiến người ta dần quên đi những nghệ thuật cổ của cha ông để lại mà thay vào đó là những âm nhạc thị trường, thịnh hành quan điểm "thẩm mỹ mới" của số đông. Nền văn hóa Việt Nam đang dần mất đi cân bằng trong sự bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống.

dan-toc3.jpg
Các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam mang trong mình những giá trị văn hóa và tâm linh đặc trưng của từng dân tộc.

Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng các thể loại cổ nhạc, nhạc cụ dân tộc là những tài sản vô giá của đất nước Việt Nam. Việc bảo tồn chúng là nhiệm vụ tất yếu của chúng ta. Vậy bảo tồn là gì và phải bảo tồn như thế nào? Phát triển là gì và phải phát triển như thế nào? Câu chuyện nghe tưởng chừng như đơn giản và cũ rích song trên thực tế lại khá phức tạp và nhiều phần tế nhị. Thậm chí có những lúc nó luôn là chuyện "đau đầu nhức óc" của các nhà hoạt động nghệ thuật.

Bàn đến vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này bởi trong phân nửa thế kỷ qua, trong khi chúng ta luôn và đã kêu gọi phải bảo tồn văn hóa - nghệ thuật dân tộc nhưng vẫn rất nhiều giá trị nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cổ truyền, nhạc cụ truyền thống ra đi không trở lại?

Đó là sự thay đổi văn hóa, quan niệm và thói quen của con người đang dần thay đổi cùng với sự phát triển của nhạc cụ hiện đại. Điều đó dẫn đến việc những nhạc cụ truyền thống trở nên ít phổ biến hơn và có nguy cơ bị lãng quên.

Cũng là do phong cách âm nhạc và thị hiếu của công chúng cũng đang dần đổi thay. Các bài hát pop, hip-hop và EDM đang dần thế chỗ loại nhạc cổ điển và truyền thống. Hậu quả là dẫn đến việc giảm thiểu về sự quan tâm đến những nhạc cụ truyền thống. Cũng từ đó sân khấu, nơi trình diễn cho các nhạc cụ truyền thống là không còn nhiều, thậm chí mất đi vĩnh viễn.

Ngoài ra, sự mất dần của nhạc cụ truyền thống còn liên quan đến vấn đề kế thừa và giáo dục. Trong nhiều trường hợp, truyền thống âm nhạc và nhạc cụ của một dân tộc chỉ được truyền lại qua miệng và trải qua quá trình truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay cả những người nghệ nhân, nghệ sĩ cũng rất khó để lưu truyền lại cách biểu diễn hay những tác phẩm do chính mình sáng tác.

Điển hình như nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Ngày xưa, để trình tấu một nhạc khúc, nhạc sĩ phải sử dụng “tài khéo” của mình để tô điểm cái sườn giai điệu của nó. Người có khả năng tô điểm phong phú đến chừng nào thì được đánh giá cao chừng ấy. Từ một cái sườn giản đơn, người ứng biến được “nhiều chữ” chứng tỏ kỹ thuật cao hơn người ứng biến được “ít chữ”.

Người có độ nhạy cảm mỹ học âm nhạc tốt và kiến thức âm nhạc sâu sắc có thể tạo được những “chữ đờn” hay, và ngược lại là những “chữ đờn” dở. Do đó, khi thưởng thức âm nhạc, thính giả không thể thưởng thức cái sườn của giai điệu mà chỉ thưởng thức tài ứng biến, tô điểm của nhạc sĩ.

Do những yếu tố đó, tổng số bài bản âm nhạc nghệ thuật cổ truyền Việt Nam chỉ có khoảng vài chục sườn giai điệu; mà trong đó, có nhiều sườn giai điệu vay mượn nét nhạc hay nhan đề từ Trung Quốc. Nguyên nhân là ngày xưa người Việt Nam chúng ta không có truyền thống sáng tác âm nhạc mới, cũng như không có ý niệm về khúc tác gia như người chuyên viết nhạc để cho người khác trình tấu.

dan-toc5.jpg
Sự đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống đã góp phần tạo lập nên bản sắc văn hóa bản địa Tây Nguyên.

Trong truyền thống này, nhạc sĩ chỉ xem mình là người có nhiệm vụ tái truyền đạt những tư tưởng sẵn có của người xưa cốt sao cho hay, chứ không nhằm đến mục đích sáng tạo. Vì thế, kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ có những sườn giai điệu của một số nhạc sĩ vô danh nào đó, từ ngàn xưa truyền lại.

Chính vì không nhắm đến việc sáng tác, nên người xưa không có nhu cầu tạo nên phương pháp ký âm hoàn chỉnh. Các sườn giai điệu rất đơn giản, nên người của thế hệ trước có thể học thuộc lòng bằng miệng và từ đó lại tiếp tục truyền khẩu cho thế hệ sau.

Khi không có phương pháp ký âm hoàn chỉnh, nhạc sĩ có thể ngẫu tấu một khúc nhạc nào đó trên cây đàn, nhưng không thể ghi lại được. Khi một bản ngẫu tấu chỉ xảy ra trong chốc lát và không để lại dấu tích, tác giả của nó không thể được xem như một tác giả. Nếu như tác giả ấy cố gắng nhớ lại, ký ức sẽ không thể mang tính chính xác và chi tiết.

Có chăng tác giả chỉ nhớ lại những ý nhạc chung chung. Và khi truyền đạt lại ý nhạc cho nhạc sinh, ý nhạc đó có thể chỉ còn là một sườn giai điệu thô sơ vì người nhạc sinh chưa chắc đã đủ kỹ thuật để bắt chước giống như thầy của mình.

Còn về nhạc học, trong suốt mấy ngàn năm văn hiến, chúng ta không xây dựng được một cơ sở lý thuyết nào, chỉ thấy lác đác trong “Vân Đài loại ngữ” của học giả Lê Quý Đôn và trong “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ những kiến thức âm nhạc hết sức sơ sài và lập lại của Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao nền âm nhạc nghệ thuật cổ truyền của chúng ta là một nền âm nhạc tự nó không có nền tảng vững chắc và thiếu khả năng tái sinh.

(Còn tiếp)

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc cụ truyền thống: Gìn giữ bản sắc dân tộc bằng âm thanh