Ngày 27/11, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhằm mục đích lắng nghe, tập hợp các luận cứ khoa học; góp ý của các đồng chí lãnh đạo về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ - giải pháp phát triển TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM nhắc lại nội dung Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi trong chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” vào ngày 25/11/20.
Theo PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát, trong những năm qua, sự phát triển của TP.HCM luôn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Nhiều phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn được nhân rộng trong phạm vi cả nước. Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Chính vì thế, ông Phát mong muốn Tọa đàm diễn ra theo đúng trọng tâm, kết luận được ý kiến cốt lõi về góc độ lý luận; nhận diện vai trò, sứ mệnh; có hiến kế, góp ý những định hướng, mục tiêu và bàn về các giải pháp để không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Tại buổi Toạ đàm, 11 đại biểu nêu quan điểm, ý kiến, bàn luận về những vấn đề, khó khăn, thách thức mà TP.HCM đã, đang và sẽ đối mặt trong thời gian sắp tới.
TS. Trần Du Lịch, Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu quan điểm cần xác lập vị trí, vai trò của TP.HCM trong 10 năm tới nhằm khẳng định được tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.
Theo ông Lịch, để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế TP.HCM phải cao hơn trung bình 1,2 – 1,5% so với cả nước. Bên cạnh đó, cần định vị chức năng của nhà nước trong quan hệ thị trường và quan hệ của công dân. Sự sắp xếp, phân chia phù hợp giúp công tác vận hành, phát triển TP.HCM trở nên toàn diện, bộc lộ rõ khả năng làm việc và quá trình vươn mình đạt được nhiều hiệu quả cao hơn.
Tiếp nối Toạ đàm, PGS. TS. Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu TP.HCM cần 3 yếu tố chính: Bản sắc và giá trị cốt lõi của Thành phố; Hình ảnh và danh tiếng của Thành phố và mang lại trải nghiệm, lợi ích tích cực cho người dân.
“Thương hiệu TP.HCM là tập hợp các giá trị đặc điểm cốt lõi và trải nghiệm độc đáo tạo nên bản sắc riêng. Vì vậy, muốn phát triển TP.HCM lớn mạnh, cần tăng cường sức hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần gắn kết nhân dân và hỗ trợ định hình chiến lược, là bàn đạp tạo nên sự thúc đẩy phát triển TP.HCM; đảm bảo có đủ 3 tính chất khoa học – linh hoạt – kiên trì”. ông Quân nói.
PGS. TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM, Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển mình, từ kỷ nguyên cũ sang thời đại mới cần nhiều sự thay đổi vượt bậc.
Theo bà Hiền, về kinh tế, TP.HCM phải trở lại vai trò trung tâm kinh tế, để dẫn dắt cả nền kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ. Về thể chế, phải tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cơ bản thông qua việc ban hành Luật tổ chức chính quyền đô thị, dựa trên nguyên tắc phân cấp quản lý, quyền hạn công khai, minh bạch, rõ ràng đối với chính quyền đô thị.
Phát biểu tiếp lời, PGS. TS. Đinh Phương Duy, Nguyên Phó Giám đốc phụ trách, Học viện Cán bộ TP.HCM cũng cho rằng, TP.HCM còn 3 điểm nghẽn cần tập trung cải tiến: điểm nghẽn thể chế, điểm nghẽn cán bộ và khơi dậy, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước.
Theo PGS. TS. Đinh Phương Duy, bên cạnh việc cải tiến những điểm nghẽn trên, cần chú trọng phát huy Khoa học sáng tạo, xem trọng việc nghiên cứu, phát minh những phương thức đặc biệt hay những lý luận mới, không cần đi theo quy cũ nếu phát minh mới có thể giúp ích cho Đảng bộ, Nhà nước và chính quyền nhân dân.