Sáng 1/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nh 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lãnh đạo Đảng, Nh nước cũng đã viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh v tưởng niệm các Anh h ng liệt sĩ.
Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 47 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là 47 năm thực hiện Di chúc của Người, sáng 1/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích, Tổng Bí thư chia sẻ, hàng năm mỗi lần vào thăm Khu di tích, thắp nén hương thơm tưởng niệm Bác Hồ, cũng là dịp để suy nghĩ, chiêm nghiệm và học Bác, tự kiểm điểm mình, rút kinh nghiệm trong công việc, đời sống. Ngay sau khi Bác mất cách đây 47 năm, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu rất bao quát: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Từ năm 1969, phong trào học tập, làm theo lời Bác đã rất rầm rộ, đó là xây dựng trường học làm theo lời Bác, Đồn Biên phòng làm theo lời Bác, thanh niên làm theo lời Bác... Sau này, việc học tập, làm theo tấm gương của Bác ngày càng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Mới nhất là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã cụ thể hóa, xác định đầy đủ, toàn diện hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một cách thường xuyên, liên tục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư chỉ rõ: Học Bác trước hết là học tư tưởng, tức là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bác nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” - đó là lý tưởng của Bác, là hệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã để lại một di sản tư tưởng quí báu, đó là định hướng con đường đi lên cho cách mạng nước ta. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng. Trong Di chúc Bác để lại cũng nói phải rèn luyện đạo đức cách mạng, trước hết là trong Đảng, trong thanh niên, phải bồi dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Tổng Bí thư nhắc lại nhiều câu chuyện xúc động trong đời sống hàng ngày của Bác, thể hiện sâu sắc phong cách Hồ Chí Minh, giản dị, gần gũi quần chúng, sâu sát, cụ thể, nói và làm việc gì cũng rất thiết thực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Không chỉ học mà phải làm theo, quan trọng là học để làm theo. Bác đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quí báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh. Nội dung mới của Chỉ thị 05-CT/TW là xác định việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thường xuyên, liên tục, không hình thức, có những việc không chỉ học mà phải làm ngay.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Bác càng đi xa, càng thấy Bác vĩ đại. Học và làm theo tấm gương của Bác phải thường xuyên, hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, mọi việc, không chờ nhắc nhở, kiểm tra, không hình thức. Tổng Bí thư mong rằng, anh chị em cán bộ, nhân viên Khu di tích không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết, nhận thức về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, thiết thực góp phần tuyên truyền giáo dục, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác lan tỏa mãi trong đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Hiểu về Bác phải hiểu toàn diện, học Bác không phải là học lý thuyết mà phải làm; không chỉ làm từng đợt, từng việc mà phải làm thường xuyên, liên tục. Tổng Bí thư mong rằng, mỗi lần đến thăm, anh chị em Khu di tích sẽ đạt được những kết quả mới trong việc học tập, làm theo gương Bác.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước đó, cũng trong sáng cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng…
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Sau khi vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đã tới đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ".
Đoàn Bộ Công an vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cùng ngày, đoàn đại biểu: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thành phố Hà Nội… đã đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong 71 năm qua, nhân dân Việt Nam đã kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách để giữ vững độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất Tổ quốc; nỗ lực thực hiện Đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước nghèo, kém phát triển, bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); chính trị - xã hội ổn định vững chắc; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn trong giai đoạn mới.