Tại cuộc họp mới diễn ra, Ph Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn tính đến tình huống c nhiều người bị nhiễm, c nhiều F1 m các khu cách ly tập trung khng đáp ứng đủ, để thí điểm quy m nhỏ l cho F1 cách ly tại nh, c kết hợp giám sát bằng cng cụ cng nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hng xm lân cận.
Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quyết tâm giữ các KCN không phải ngừng hoạt động
Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, đến nay sau khi đóng cửa 4 khu công nghiệp (KCN), giãn cách xã hội 4 huyện và TP. Bắc Giang, tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch (cả số cách ly tập trung và cách ly tại nhà).
Tỉnh đồng thời tập trung cao cho phòng, chống dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tại 2 nguồn lây trong cộng đồng ở Bắc Giang là từ KCN ra, và liên quan đến ổ dịch ở Thuận Thành (Bắc Ninh).
Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt 100.000 mẫu gộp/ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. Bắt đầu từ ngày mai sẽ không còn mẫu tồn, trả được kết quả xét nghiệm trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết.
Hiện Bắc Giang đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, có 1.280 giường. Ngày mai (21/5) tỉnh sẽ đưa thêm 1 bệnh viện dã chiến 300 giường vào hoạt động, chuẩn bị 1 bệnh viện 600 giường để thu dung, điều trị các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, dự kiến 2 ngày nữa sẽ đưa vào hoạt động.
Đến nay, khoảng 900.000 người dân trong vùng cách ly, giãn cách xã hội của Bắc Giang đã thực hiện khai báo y tế. Đội ngũ tình nguyện viên đã chủ động gọi điện cho người dân để rà soát, thẩm định lại nội dung, thậm chí hỗ trợ người dân khai báo y tế chính xác để phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Tỉnh Bắc Giang nhận định, số F0 trong một số ngày tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng tất cả đều trong khu cách ly, không lây lan rộng ra cộng đồng.
Tại Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, đến hôm nay địa phương đã có 371 ca mắc COVID-19, phủ hết 8 huyện thị, thành phố, ngoài cộng đồng vẫn còn nguồn lây; đáng chú ý đã xuất hiện 6 ca dương tính trong KCN (trong đó 5 ca của Samsung và Canon);…
Về xét nghiệm, Bắc Ninh đã tăng cường các loại xét nghiệm, triển khai xét nghiệm mẫu gộp 20 đơn, tuy nhiên, trên địa bàn có gần 500.000 công nhân trong KCN, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Bắc Ninh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, triển khai thêm các giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, tập trung xét nghiệm cho các nhóm có nguy cơ cao.
Sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các KCN không phải ngừng hoạt động.
Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh chuỗi đứt gãy sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của các cấp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, chia sẻ những khó khăn, vất vả của cấp uỷ, chính quyền các cấp và toàn thể người dân hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, đặc biệt là đội ngũ chống dịch, các lực lượng chi viện của Trung ương, một số địa phương, đã hết sức nỗ lực, cố gắng, tạo chuyển biến rõ rệt trong phòng, chống dịch bệnh.
Đối với tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng hàng đầu là tỉnh phải rà soát từng DN trong các KCN, những DN bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh thì được phép quay lại sản xuất, nhất là những DN thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung, từ đó ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế địa phương và cả nước.
Nhất mạnh thực tế chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các KCN lớn, hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng nêu rõ: Đây là lúc phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của ngành y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có sự giám sát của camera, các công cụ công nghệ thông tin do Bộ TT&TT đang hỗ trợ, để trong trường hợp có quá nhiều người bị nhiễm thì thu dung những trường hợp khoẻ mạnh, chưa có triệu chứng, để theo dõi, luôn sẵn sàng chuyển đến các khu điều trị nếu xuất hiện triệu chứng nặng.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn tính đến trong tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, thì nghiên cứu, khảo sát, trước hết ở những gia đình có điều kiện về nhà cửa, có khoảng cách với những nhà xung quanh… để thí điểm quy mô nhỏ là cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận.
“Chúng ta phải phát huy sáng tạo. Thủ tướng khen thưởng TP. Đà Nẵng do đã sáng tạo, dũng cảm thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 5 mẫu đơn, sau đó là gộp 10 mẫu đơn, 20 mẫu đơn. Tôi rất mong Bắc Ninh, Bắc Giang cùng phát huy tinh thần này”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bắc Ninh, bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm mẫu gộp, cần xem xét thí điểm việc hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu, có sự giám sát của cán bộ y tế, để thực hiện xét nghiệm nhanh.
Cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc
Về khai báo y tế, Phó Thủ tướng cho biết, những ngày qua, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Tổ phân tích dữ liệu của Ban Chỉ đạo đã rất tích cực triển khai hệ thống hỗ trợ khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ của các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm.
Phó Thủ tướng gợi mở: Hiện Bắc Ninh đã có 8/8 huyện thị, thành phố có ca nhiễm, những nơi thực hiện giãn cách xã hội cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc, nếu có thể thì thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Tương tự, Bắc Giang cần yêu cầu người dân tại các huyện, thành phố và những nơi có liên quan đến KCN thực hiện khai báo y tế, nếu có thể thì thực hiện khai báo trên phạm vi toàn tỉnh. Các tổng đài hỗ trợ của những DN viễn thông lớn như VNPT, Viettel, đội ngũ tình nguyện viên của Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên chủ động liên hệ với người dân để giúp khai báo y tế, thăm hỏi tình hình sức khoẻ, cũng như hỗ trợ công tác phòng bệnh, truy vết khi cần thiết.