Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Chiều 20/8, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã về đến sân bay Quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 3 ngày từ 18-20/8.
Là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp rất trọng thị, chu đáo theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ. Tại Quảng trường Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh, 21 phát đại bác được phía bạn bắn lên chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Đại lễ Đường Nhân dân để bắt đầu lễ đón chính thức, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Với 18 hoạt động trong hơn 2 ngày, đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm cấp cao, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác, hội kiến với 3 lãnh đạo chủ chốt phía bạn gồm Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh.
Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ lẫn nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc.
"Với tình cảm đặc biệt những người đồng chí anh em, chúng tôi luôn quan tâm theo dõi mỗi bước phát triển của Trung Quốc, hết sức vui mừng về những thành tựu to lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước của nhân dân Trung Quốc anh em đã đạt được dưới sự lãnh đạo hạt nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong 10 năm thời đại mới và nhất là từ sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thực hiện thành công đúng thời hạn mục tiêu 100 năm thứ nhất và toàn bộ 336 biện pháp cải cách đã được đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII cách đây 10 năm; chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 3 khóa XX thông qua quyết định phải tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên mới cho sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước Trung Quốc; vị thế quốc tế, vai trò định hình dẫn dắt của Trung Quốc không ngừng được nâng cao thể hiện qua các sáng kiến toàn cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chung của toàn nhân loại vì hòa bình, chính nghĩa và sự tiến bộ của nhân dân thế giới.
"Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tin tưởng chắc chắn dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân dân Trung Quốc sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát huy vai trò quan trọng đối với hòa bình hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam của đồng chí Tô Lâm có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cho rằng đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, qua chuyến thăm đã tạo điều kiện cho hai nước, hai Đảng có điều kiện thuận lợi cho giai đoạn phát triển mới. Đối với Việt Nam, củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi để thực hiện những mục tiêu phát triển của Đại hội XIII của Đảng đề ra cũng như mục tiêu phát triển lâu dài. Qua đó, hai nước tăng cường sự phối hợp để có thể đóng góp một cách tích cực vào hòa bình, ổn định khu vực. Đối với Trung Quốc là nước láng giềng, quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới và là một nước lớn, cho nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Kết quả nổi bật trong chuyến thăm cấp nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là tại các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng "6 hơn", trọng tâm là cụ thể hóa các nhận thức chung và Thỏa thuận giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, bám sát tinh thần của Tuyên bố chung và các nhận thức chung của cấp cao đạt được tại chuyến thăm lần này, thời gian tới, hai bên sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trên 5 phương diện chính. Trong đó, tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, củng cố nền tảng tin cậy chính trị, cùng định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; phát huy đầy đủ vai trò của kênh Đảng, các cơ chế Ủy ban hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, các cơ chế trao đổi quốc phòng, an ninh, ngoại giao.
"Trên cơ sở định hướng "6 hơn", tiếp tục triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết; đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới; tạo thuận lợi về thương mại, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường"; đẩy nhanh thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Trong chuyến thăm, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương hai bên đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực.
Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc lần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tiếp nối thành công chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022 và các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước hai bên đã mở ra một cơ hội lớn, đẩy mạnh thương mại nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc.
"Chuyến thăm lần này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã mở ra một cơ hội rất lớn để đẩy mạnh thương mại nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây là cơ hội mà chúng ta phải cùng nhau nắm bắt, cùng nhau chuyển hóa và cùng nhau tạo ra một thị trường bền vững. Trong nhiều năm qua, chúng ta cũng đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông sản để vươn ra một tầm cao mới, điển hình như trong chuyến thăm này Việt Nam đã ký với Trung Quốc 3 Nghị định thư về sầu riêng đã qua chế biến, dừa và cá sấu. Chúng ta sẽ tạo ra giá trị gia tăng lên rất nhiều lần và giải quyết được nhiều việc làm cho bà con thông qua những chuỗi ngành hàng. Đó là điều đáng mừng và giúp giảm rủi ro mùa vụ khi chúng ta chỉ xuất khẩu thô", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho rằng, đây là sự kiện đặc biệt đối với hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tại chuyến thăm các địa phương hai bên đã ký kết hợp tác là cơ hội nâng cấp các cửa khẩu song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông để thông thương hàng hóa và mở rộng quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, đối phó với các an ninh phi truyền thống. Hai bên tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước giữa các địa phương, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Trong lịch trình dày đặc tại Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng dành thời gian tới thăm và làm việc tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ từng đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng.
Phát biểu tại đây, sau khi chia sẻ về công việc trọng tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác trong giai đoạn mới giữa Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa ký kết và những thành quả hợp tác thời gian qua, để làm sâu sắc thêm nội hàm của tầm cao mới trong quan hệ hai Đảng, hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tô Lâm đề nghị, hai Trường thúc đẩy giao lưu, trao đổi; mời các lãnh đạo và các giáo sư, chuyên gia của Trường sang thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ công tác, thúc đẩy tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
"Phát huy ưu thế chính trị quan hệ kênh Đảng, tăng cường trao đổi lý luận về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, những vấn đề về ý thức hệ góp phần tham mưu cho Trung ương hai Đảng về những vấn đề quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa, phòng chống các âm mưu diễn biến hòa bình, mở rộng các hình thức trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu lý luận. Hai bên có thể đồng tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học, toạ đàm bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; tiếp tục trao đổi về triển khai các đề tài nghiên cứu lý luận chung về các vấn đề mới quan trọng mà hai bên cùng quan tâm. Việt Nam hiện nay rất có nhu cầu về việc nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, đề nghị trường Đảng Trung ương Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Việt Nam theo các hình thức linh hoạt", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết.
Tại Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta cũng đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn, thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển; nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại; đồng thời, luôn hướng về quê hương, đất nước, chủ động có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; là cầu nối cho quan hệ truyền thống hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến thăm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã có chuyến thăm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nghĩa Cố vấn quốc tế của Quốc tế Cộng sản đặt chân đến Quảng Châu, một mảnh đất cách mạng sôi nổi của Trung Quốc và khu vực. Nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Cũng trong thời gian từ năm 19 - 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng của Trung Quốc đã thiết lập nên mối tình hữu nghị hết sức thắm thiết mà sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc miêu tả là “Mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn công tác đã tới đặt hoa, dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong khuôn viên Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương và thăm Di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, chuyến thăm Quảng Đông lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp hai bên cùng nhau ôn lại quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, giúp tạo thêm nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ giữa hai bên.
"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, quan hệ hai dân tộc đã có truyền thống hàng nghìn năm, nhưng quan hệ cách mạng giữa 2 nước cũng có quá trình cả 100 năm. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và đoàn dừng chân đầu tiên ở Quảng Châu, đó là chặng đường của cả quá khứ giúp đỡ lẫn nhau, các bạn Trung Quốc, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng đánh giá điều đó. Lãnh đạo và nhân dân ta cũng khẳng định là chúng ta luôn trân trọng những sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với chúng ta trong hai cuộc kháng chiến và chúng ta cũng tham gia vào những hoạt động cách mạng của Trung Quốc, có rất nhiều câu chuyện, nhiều đóng góp cụ thể của những nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Trung Quốc. Và hiện tại, chúng ta thấy quan hệ 2 nước phát triển rất tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực", Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết.
Cũng tại Quảng Đông, hướng tới năm 2025 khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân đã tham dự cuộc gặp mặt thân tình và xúc động với đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân của gia đình các tướng lĩnh cách mạng, các chuyên gia, cố vấn từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, các cán bộ, nhân viên đã và đang tham gia công tác bảo tồn các di tích liên quan đến cách mạng Việt Nam, nhân sĩ trí thức tiêu biểu của Trung Quốc, các học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và thanh niên Trung Quốc.
Các đại biểu Trung Quốc xúc động chia sẻ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Trung Quốc; về những ngày tháng sát cánh cùng các thương binh, bệnh binh Việt Nam cùng nhau xoa dịu các vết thương, chia sẻ về những hoạt động bảo tồn, duy trì và quảng bá các di tích lịch sử cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc.
Các đại biểu khẳng định sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp nối “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, kiên trì lý tưởng, niềm tin chung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Ông Khương Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành thời gian tiếp đại diện hữu nghị nhân sỹ Trung Quốc trong chương trình thăm Trung Quốc bận rộn của mình, điều đó thể hiện sự coi trọng của hai bên đối với việc tiếp tục kế thừa tình cảm hữu nghị Trung – Việt. Sự phát triển liên tục trong quan hệ ở tất cả các lĩnh vực của hai nước thời gian qua đã cổ vũ sâu sắc nhân sỹ các giới 2 nước.
"Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền 1 dải, những năm gần đây dưới sự chỉ dẫn chiến lược và đích thân của các lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, quan hệ Trung – Việt tiếp tục mở rộng sâu sắc, tình hữu nghị truyền thống ngày càng bền vững như câu nói “Mối tình thắm thiết Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em", ông Khương Giang nói.
Bà Dư Thị Huệ, nguyên y tá viện trợ Việt Nam của Bệnh viện Nam Khuê Sơn, Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc chia sẻ, tháng 5 vừa qua, dưới sự tổ chức của Hội hữu nghị Trung- Việt, bà được mời sang Việt Nam tham dự lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và hôm nay được dự buổi gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm giúp bà cảm nhận sâu sắc Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ quên sự đóng góp của bệnh viện Nam Khuê Sơn trong mối tình hữu nghị Trung – Việt.
"Chúng ta nhất định phải tiếp tục phát huy tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em do lãnh đạo cấp cao hai nước dày công vun đắp, nhất định phải kế thừa qua nhiều thế hệ", bà Dư Thị Huệ cho biết.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công rất tốt đẹp, là hoạt động quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, trong đó có chính sách coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc.
Chúng ta tin tưởng rằng, những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.