Tiền bạc không phải là thứ toàn năng nhưng trong cuộc sống thực tế, có những kẻ đã để cho đồng tiền sai khiến, bất chấp kiếm lời bằng mọi giá, tiếp tay gieo rắc "cái chết trắng" cho xã hội cũng như chính bản thân mình.
Xác định đấu tranh với nạn buôn bán ma túy và tội phạm ma túy là việc cấp bách, khẩn trương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và không hề có bất cứ sự khoan nhượng nào đối với loại tội phạm này.
Tòa án cũng đã có những mức án nghiêm khắc để răn đe, cảnh báo, thức tỉnh chung. Tuy nhiên “cám dỗ” của đồng tiền đã khiến nhiều kẻ bán rẻ mình cho ma túy, sẵn sàng tiếp tay để hủy hoại đồng loại và chính cả bản thân mình.
Chắc hẳn rằng, những vụ án liên quan đến ma túy như con đâm chết cha trong “cơn ngáo đá”; hay kẻ giết người vì ảo giác bị ma quỷ đeo bám…những hình ảnh về các cô, cậu thanh niên trần truồng nhảy múa trên phố…không còn quá xa lạ với bất cứ ai, từ người miền xuôi, nông thôn đến thành thị. Nói vậy để hiểu rằng ma túy đang len lỏi vào giới trẻ, hủy hoại xã hội, hủy hoại hàng vạn gia đình.
Có những người biết mình sai, chấp nhận chuộc lỗi lầm để làm lại nhưng cũng có những kẻ thấy sai không biết tránh, làm sai không biết sửa, “đắm chìm” trong lợi nhuận mà sẵn sàng gieo rắc cái chết cho xã hội.
Chỉ trong tháng 6 này, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử 5 vụ án về ma túy, trong đó đã tuyên một án tử hình, một án chung thân, những hình phạt từ 20 đến 30 năm tù cho những bị cáo liên quan đến ma túy.
Những mức án nghiêm minh này, không chỉ dành riêng cho những bị cáo của các vụ án mà còn là mức án sẽ tuyên cho bất cứ ai nếu không thức tỉnh, muốn kiếm tiền bất chính từ ma túy.
Tại các phiên xử, các bị cáo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, có hoàn cảnh sống, tuổi tác khác nhau nhưng tất thảy đều “dính” đến ma túy vì hám lợi, muốn làm giàu nhanh chóng, hưởng thụ nhưng lại lười lao động.
Những đồng tiền mà các bị cáo sẽ nhận được khi “chuyến hàng trót lọt” là đồng tiền bất chính, bởi những đồng tiền đó chính là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng đau lòng, được đánh đổi bằng cả những sự hy sinh của các chiến sỹ.
Bị cáo Hoàng Thị Khánh Ly ( tuổi) và Phạm Quang Huy (20 tuổi) đều trú tỉnh Hà Nam bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Bị cáo Ly chưa có chồng nhưng có 3 người con, đứa lớn sinh năm 2017, đứa nhỏ nhất sinh tháng 7/2020. Ly nhận lời một người đàn ông ở Hà Nội vào Hà Tĩnh lấy ma túy để nhận 0 triệu đồng tiền công.
Từ “kinh nghiệm” có được hoặc học được, Ly không trực tiếp đi lấy “hàng” mà thuê lại Phạm Quang Huy với số tiền công 40 triệu đồng. Những đồng tiền sẽ có khi “hàng” trót lọt khiến cả hai u mê, để rồi phải cay đắng nhận ra sự rẻ rúm của đồng tiền bằng bản án nghiêm minh và tận cùng nỗi hổ thẹn mà gia đình, người thân các bị cáo phải mang lấy...
Vào khoảng 19h’ ngày 2/11/ 2022, tại Km60+800 Quốc lộ 8A (thuộc địa phận thôn Kim Cương 1, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), khi Phạm Quang Huy đang vận chuyển ma túy thì bị lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ.
Số ma túy mà lực lượng chức năng thu giữ là 5.390 gam Methamphetamine và 2.980 gam Ketamine.
Mặc dù không cùng Huy đi lấy “hàng” nhưng khi biết Huy đã bị bắt, Ly đã đi đầu thú về hành vi phạm tội của mình.
Kết thúc phiên sơ thẩm ngày 14/6 vừa qua, Huy lĩnh án tử hình còn Ly lĩnh án chung thân. Bản thân Ly trước đó còn bị TAND tỉnh Hòa Bình xử phạt 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại Bản án số 04/2023/HSST, ngày 20/02/2023.
Có thể sẽ có sự “đồng cảm”, “tiếc” cho các bị cáo khi đang còn ở độ tuổi đẹp đẽ nhất đời người lại phải vùi mình sau song sắt hay từ giã cuộc đời để trả giá cho lỗi lầm, nhưng chắc rằng sự “đồng cảm” và “tiếc” ấy chỉ thoáng qua trong giây lát, bởi sự nguy hại của ma túy nó quá khủng khiếp, không thể khoan nhượng và nếu “chuyến hàng” của các bị cáo không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ không biết có bao nhiêu sự việc đau lòng sẽ xảy ra.
Cũng giống như bị cáo Ly và Huy, bị cáo Hoàng Thị Thanh Xuân (48 tuổi, trú thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bị đồng tiền làm “mờ mắt”, phải nhận mức án 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy" tại phiên sơ thẩm ngày 20/6 vừa qua.
Điều đáng nói, bị cáo Xuân là đối tượng khuyết tật, không phải lần đầu lĩnh án về ma túy, trước đó (ngày 30/9/2011) đã bị TAND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại Bản án số 19/HSST, thi hành án tại Trại giam số 6, Cục C10, Bộ Công an đến ngày 25/01/2017 chấp hành xong hình phạt mới trở về địa phương.
Vì hám lợi, bị cáo đã quên đi những tháng ngày nỗ lực để được giảm án, vì đồng tiền mà bị cáo sẵn sàng “bán” đi năm tháng của mình thêm lần nữa.
Ai đó đã phải thốt lên trong xót xa rằng,“Nếu không thức tỉnh, liệu may mắn có còn đến với bị cáo lần nữa? Những đồng tiền kiếm được từ ma túy, từ sự phi pháp liệu có nuôi dưỡng được những mầm non hướng thiện? Và có ai dám kể với con cái của các bị cáo rằng ba mẹ chúng đã đi tù, kiếm tiền bằng việc tiếp tay gieo rắc cái chết cho người khác để nuôi dưỡng chúng?”
Từ hình ảnh các bị cáo, người viết bài lại nhớ đến sự hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy của các chiến sỹ Công an, bộ đội biên phòng... Hình ảnh về những người mẹ, người chị, người vợ ngất lên ngất xuống bên quan tài chồng, con, em mình và ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ khi chưa kịp biết vì sự bình yên của Tổ quốc mà các em sẽ không còn được gặp người cha của mình nữa…
Cuộc chiến với tội phạm ma túy dẫu có cam go đến mấy thì cũng sẽ không bao giờ có được sự khoan nhượng của pháp luật, những bản án nghiêm khắc sẽ còn tiếp tục tuyên cho những kẻ không chịu thức tỉnh lương tri, bán mình cho ma túy để nhận lấy những đồng tiền bất chính.