Giáo dục

Những người “lái đò” trong kỷ nguyên 4.0

Hải Long 19/11/20 - 09:59

Trong suốt dòng chảy của lịch sử, nghề giáo luôn được coi là một nghề cao quý. Nếu như trước đây, giáo viên được ví như người lái đò lặng lẽ, thì ngày nay trong thời đại số, chúng ta đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc trong cách dạy và học, cùng với đó là những thách thức và cơ hội mới dành cho nghề giáo.

Thay đổi phương thức tổ chức các hoạt động giáo dục

Hiện nay, không lĩnh vực nào không có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục thế giới là lĩnh vực đang đi rất nhanh trong ứng dụng AI. Việc sẵn sàng ứng dụng AI góp phần giải phóng sức lực cho người thầy bằng cách giảm thiểu những công việc lặp đi lặp lại và tốn nhiều thời gian. Người thầy thông qua việc ứng dụng AI hiệu quả sẽ có đủ không gian, thời gian cho sự sáng tạo, thấu hiểu và tình thương. Đó chính là tương lai của giáo dục trong kỷ nguyên số.

ung-dung-cong-nghe-vao-day-hoc(1).jpg
Trong kỷ nguyên 4.0, công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho việc dạy học.

Trong thời đại công nghệ số, thời đại xã hội có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, hình thức “Lớp học không tường” đã thay thế cho lớp học truyền thống. Trong bối cảnh này, giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà còn phải trở thành người hướng dẫn, đồng hành cùng học sinh trên con đường khám phá và tìm kiếm tri thức.

Với sự xuất hiện của các công cụ số như máy tính, máy chiếu, phần mềm học tập và các nền tảng giáo dục trực tuyến, giáo viên cần làm quen và sử dụng những công nghệ này để tạo ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Các công cụ như PowerPoint, video trực tuyến, thậm chí là các phần mềm mô phỏng giúp giáo viên không chỉ truyền đạt lý thuyết mà còn mang lại những trải nghiệm học tập thực tế cho học sinh, từ đó tạo ra môi trường học tập sinh động và dễ dàng tiếp cận.

Để đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên số, giáo viên cần trang bị cho mình một bộ kỹ năng số đầy đủ. Đó không chỉ là việc sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm và nền tảng học trực tuyến, mà còn là khả năng khai thác các nguồn tài nguyên, đánh giá và phản hồi học sinh qua các nền tảng, cũng như xây dựng và quản lý lớp học số một cách hiệu quả.

giaoduc.jpg
Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, việc dạy và học sẽ ngày càng khác biệt và hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa)

Kỷ nguyên số không chỉ thay đổi cách thức giảng dạy mà còn thay đổi cách thức giao tiếp và tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trong môi trường số, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với giáo viên thông qua nhắn tin, diễn đàn trực tuyến, hoặc các buổi học trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội cho giáo viên trong việc hỗ trợ học sinh kịp thời, giải đáp thắc mắc và cung cấp thêm tài liệu học tập phù hợp.

Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác giữa con người với nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò. Chỉ có những người thầy thực thụ mới hiểu được cảm xúc, động lực và những khó khăn để cùng đồng hành với học sinh. Bên cạnh gia đình và xã hội, môi trường sư phạm chính là nơi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người.

Người thầy giáo trong kỷ nguyên số là người giương cao ngọn lửa nhiệt huyết trên con đường tìm kiếm tri thức, nhưng trên chặng đường ấy, người thầy cũng như một “người thân” thể hiện ở sự yêu thương, quan tâm, dạy dỗ, thậm chí là gần gũi, làm bạn với học trò, điều mà không có công nghệ nào có thể thay thế được.

“Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”

Có thể thấy, trong bất kỳ giai đoạn nào, thời đại nào, kể cả thời đại 4.0, kiến thức và năng lực của giáo viên, phẩm chất và nhiệt huyết của người thầy sẽ luôn là yếu tố quyết định sự thành công, chất lượng của giáo dục. Sự tương tác và tình cảm giữa thầy và trò là những giá trị không thể đo lường được trong giáo dục, càng không thể thay thế bằng những robot.

giao-vien.jpeg
AI không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác giữa con người với nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò.

Bên cạnh đó, chỉ có giáo viên mới hiểu học sinh của mình, xác định được năng lực và nhu cầu học tập của người học, để giúp họ định hướng học tập cũng như các phương tiện, phương pháp học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực của từng người. Từ đó, giáo viên giúp học sinh khắc phục những lỗ hổng hay phát huy những thành tích của bản thân.

Giáo viên cũng là người tạo động lực để học sinh tiếp tục học tập, nâng cao tự học, khơi dậy cho các em tinh thần “học tập suốt đời”, giúp học sinh có động lực phát triển hoàn thiện bản thân.

Chính vì thế, mỗi người giáo viên phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi cả về đạo đức lẫn tri thức, có tinh thần trách nhiệm sự nghiệp dạy dỗ, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh “trồng người”.

Kỷ nguyên số đã mang đến một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục, buộc người thầy phải liên tục "chuyển mình" để tránh bị lạc hậu. Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự chủ động và tinh thần học hỏi không ngừng, giáo viên hoàn toàn có thể vượt qua và tận dụng được những cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại bởi “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “lái đ” trong kỷ nguyên 4.0