Từ tờ mờ sáng, người dân từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đổ về Thủ đô Hà Nội, nơi có một trái tim dành cả đời phục vụ Tổ quốc và Nhân dân vừa ngừng đập.
Rạng sáng 25/7, những con phố của Thủ đô Hà Nội dần trở nên đông người, khác hoàn toàn với hình ảnh vắng vẻ ngày thường. Trong số đó, có người đi theo một đoàn từ vài người đến hàng chục người, có người lặng lẽ đi một mình, có người là công dân của Thủ đô, nhưng cũng có người từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước về. Thế nhưng, tất cả đều có một điểm đến chung, đó là Nhà tang lễ Quốc gia ở số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Đây là nơi đang quàn linh cữu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nơi có một trái tim dành cả đời phụ vụ Tổ quốc và Nhân dân vừa ngừng đập.
Chia sẻ với nhóm PV Báo Công lý, ông Hoàng Vạn Phúc (ở Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho hay: Từ quê nhà Nghệ An, ông đã di chuyển từ chiều hôm qua (/7) để ra Hà Nội viếng Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Phúc là cựu chiến binh từng đóng quân tại Sơn Tây, Hà Nội, khi nghe tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông đã gác lại mọi công việc tại quê và một mình ra Hà Nội. Dù biết phải đăng ký theo đoàn đến phúng viếng, nhưng ông Phúc không kịp đăng ký nên đã một mình đi xe khách và mang theo căn cước công dân với hy vọng sẽ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
“Nếu tôi không được vào thắp hương cho Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia thì tôi sẽ tiếp tục di chuyển xuống Đông Anh. Vì không chỉ riêng tôi, mà tất cả người dân đều cảm động và biết ơn những công lao mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân”, ông Phúc nói.
Một trường hợp khác là đoàn viếng của gia đình và những người quen của bà Đặng Thị Phượng (71 tuổi, quê tại thôn Đông Dương, Thái Thuỵ, Thái Bình). Bà Phương cho biết, bà và gia đình luôn có tình yêu Tổ quốc nồng nàn. Bà luôn tâm niệm sẽ tới thắp một nén hương, tưởng nhớ, tri ân đối với những người Cộng sản, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo bà Phượng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và những vị lãnh đạo đi trước là những tấm gương, thể hiện niềm tin, nghị lực của bao lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam vào một cuộc sống ấm no, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo, dẫn đường của Đảng và Nhà nước.
“Một lòng tin tưởng vào đường lối của Đảng, của Nhà nước nên mới có hạnh phúc, cuộc sống như ngày hôm nay. Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng Người là một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Dù tuổi già, sức yếu nhưng đồng chí Tổng Bí thư đã làm việc tới hơi thở cuối cùng, tất cả đều là vì dân, vì nước. Cá nhân tôi nói riêng và người dân Việt Nam nói chung luôn biết ơn những hy sinh to lớn đó. Nên dù đã có tuổi, sức khoẻ không được như thanh niên, nhưng khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần, dù ở xa đến mấy thì tôi cũng đi, vất vả đến mấy tôi cũng không ngại để có thể đến thắp một nén hương cho đồng chí Tổng Bí thư”, bà Phượng chia sẻ.
Ghi nhận của nhóm PV báo Công lý, từ 3, 4h rạng sáng 25/7, những dòng người từ mọi nẻo đã đổ về nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Những người từ Nghệ An, Thái Bình, Yên Bái, Bắc Ninh… đã di chuyển cả đêm với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người dừng lại để hỏi lễ thăm viếng mấy giờ rồi vội vã di chuyển ra nơi khác để chờ. Dù dòng người đông là thế, nhưng ai cũng hạn chế việc gọi nhau to tiếng để không gây ra cảnh nhốn nháo, đảm bảo trật tự, tôn nghiêm trong ngày tổ chức Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt, trong ngày buồn của cả dân tộc, có một đoàn viếng đặc biệt đó là đoàn viếng của ông Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên là Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) - thầy giáo trực tiếp giảng dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông đang theo học lớp Ngữ văn khóa 8, khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (niên khóa 1963 - 1967). Đoàn viếng của thầy Sơn gồm thầy và những người bạn cùng lớp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ thuở hàn vi.
Báo Công lý xin gửi đến quý vị độc giả một số hình ảnh người dân đăng ký đến viếng Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: