Tổng TTCP Lê Minh Khái khẳng định nội dung trên khi trả lời chất vấn các ĐBQH về tình trạng nhiều cán bộ cng chức, viên chức gây nhũng nhiễu v giải pháp ngăn chặn.
Trong phiên Quốc hội chất vấn sáng nay 9/11, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà - Hà Nội chất vấn: Theo báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Vậy giải pháp là gì?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ trả lời chất vấn và làm rõ cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhiều nhất ở lĩnh vực nào? Ai chịu trách nhiệm và giải pháp nào của Tổng Thanh tra Chính phủ để ngăn chặn?
Chính phủ báo cáo tham nhũng ở nước ta đang kiềm chế từng bước và có những chiều hướng giảm, căn cứ nào để kết luận như trên?
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tình trạng gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức thiếu rèn luyện.
Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị để chống nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc từ tháng 4/2019. Sau một năm thực hiện, đến nay TTCP cũng đã có sơ kết về vấn đề này. Việc đánh giá tình hình tham nhũng “hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng”. Tuy nhiên, với tư cách cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ cố gắng bám sát vào những nội dung để làm căn cứ đánh giá.
Tổng TTCP cũng cho hay, căn cứ đánh giá tình trạng tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, là dựa trên ý kiến đánh giá, phản ánh người dân, chỉ số đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới, đánh giá của BCĐ TƯ phòng, chống tham nhũng…
Đánh giá tình hình tham nhũng rất khó. Trên cơ sở tình hình phòng, chống tham nhũng trên tất cả các mặt về công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa, xử lý, tuyên truyền đạt được kết quả như thế nên có tác động rất lớn đến tình hình hình tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu.
Với tư cách là một cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ cũng cố gắng bám sát vào những nội dung mà có thể căn cứ vào đó để đánh giá.
Cụ thế, TTCP bám sát ý kiến đánh giá của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của người dân cảm nhận về tình hình tham nhũng với đất nước; Chỉ số PI, chỉ số này theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ là hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng có tăng lên.
TTCP còn căn cứ vào đánh giá của quốc tế, qua chỉ số và cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới thì năm 2019 đánh giá Việt Nam tăng 21 bậc so với 2018, năm 2019 chúng ta từ nước đứng thứ 117 lên còn 96/198 nước.
Cuối cùng là căn cứ vào những đánh giá, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Hàng năm trong Báo cáo cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng có cân nhắc rất kỹ và có đánh giá về tình hình tham nhũng.
Ban hành văn bản sai nhiều hệ lụy
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời về việc các bộ ngành ban hành văn bản chưa phù hợp.
Theo Bộ trưởng, văn bản của các bộ, ngành (tập trung là thông tư) được ban hành mà chưa phù hợp là có gây ảnh hưởng, lãng phí.
Từ thực tiễn kiểm tra, số liệu của Bộ Tư pháp những năm qua cho thấy: năm 2016, trong số 1 văn bản mà Bộ Tư pháp kiểm tra phát hiện có sai sót về thẩm quyền và nội dung, các bộ, ngành có 36 văn bản. Năm 2019, văn bản sai của các bộ, ngành là 13/165 văn bản được phát hiện. Năm 2020 là 5/59 văn bản.
Như vậy, số lượng văn bản sai của các bộ, ngành đã có sự giảm dần. Nhưng thực tế thì phụ thuộc vào tổng số văn bản mà Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền (như năm 2020, mới kiểm tra đến tháng 10 để trình Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội).
Về nguyên nhân, cơ quan ban hành văn bản chưa làm kỹ, rà soát kỹ các công đoạn, chưa thật sự phát huy vai trò của tổ chức pháp chế tại cơ quan mình. Bên cạnh đó, có lý do về vấn đề chuyên môn, bản lĩnh và qua rà soát thì một số văn bản từ luật, nghị định đến thông tư có những cách biệt khó khăn, phức tạp trong xử lý mà khi đi vào cụ thể mới được phát hiện ra.
Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Long Lê Thành Long đề xuất các chủ thể ban hành văn bản tập trung thêm một số vấn đề sau: khi thiết kế, xây dựng các văn bản để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành nên hạn chế đến mức tối đa việc phải ban hành thông tư. Nếu đưa được từng nội dung cụ thể vào từng văn bản để Quốc hội, Chính phủ thông qua, tổ chức thi hành được ngay là tốt nhất. Hiện nay, việc ban hành, soạn thảo, xử lý thông tư như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành trên cơ sở thẩm định của tổ chức pháp chế tại cơ quan. Do đó, cần thường xuyên rà soát, lắng nghe kỹ các ý kiến góp ý.
Còn về phía Bộ Tư pháp, sẽ thực hiện kiểm tra và sẽ mạnh dạn, dứt khoát hơn nữa khi phát hiện ra các vụ việc cụ thể, Bộ trường cam kết.