Ký sự pháp đình

Nỗi đau không kết thúc...

Trang Trần 05/06/2023 - 09:52

Quá ngọ, nắng phả thẳng vào mặt bỏng rát nhưng Nguyễn Văn Hiệp điềm nhiên như không, ngả mặt lên trời, nhếch môi thả ra một điệu cười nhạt nhẽo. Không phải bây giờ, mà trước nay đã vậy, cảm xúc vui buồn của Hiệp vốn là điều khó lý giải nhất đối với những người thân bên cạnh anh ta.

Ai cũng nói, phiên tòa xét xử Nguyễn Bá Tuấn (SN 1968) và Nguyễn Văn Hiệp (SN 1976, cùng trú thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) về tội “Giết người” là phiên tòa… đặc biệt.

Vốn nói, cuộc sống yên ắng để cho người ta cảm giác rõ ràng thời gian đang trôi qua, còn bận rộn để khiến người ta quên thời gian biến mất. Vậy mà cả Tuấn và Hiệp, dù yên ắng hay bận rộn vẫn một biểu cảm, một sắc thái, đón nhận một cách bàng quan. Như hôm nay, ngay cả khi đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình về tội “Giết người” thì Tuấn và Hiệp vẫn trước sau như một, bình thản như không.

hiep-tuan-gietnguoi-kysu-3-.jpg
Từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa, Nguyễn Bá Tuấn vẫn luôn giữ im lặng và nhắm mắt.

Hỏi, cả hai bị cáo có đau khổ, có ăn năn hối hận với những gì mình đã làm hay không, quả rất khó để trả lời. Đối với Nguyễn Bá Tuấn, vụ án xảy ra cách đây hơn 5 năm thì gần ngần ấy năm Tuấn như bị điểm phải huyệt “cấm khẩu”.

Cụ thể, sau khi bị bắt và việc lấy lời khai điều tra hoàn tất, Nguyễn Bá Tuấn trở nên… “không lời”. Cán bộ trại tạm giam, bác sĩ, người thân cũng không thể làm gì để có thể “khai khẩu” cho Tuấn. Phiên tòa hôm nay cũng không ngoại lệ.

Quá trình di chuyển từ xe dẫn giải vào phòng xét xử, đứng lên, ngồi xuống, thậm chí là trả lời các câu hỏi của HĐXX, Tuấn đều phó mặc cho lực lượng Công an và người giám hộ. Từ đầu đến cuối phiên tòa, Tuấn không một lần mở mắt.

Trái ngược với Tuấn, Nguyễn Văn Hiệp với thân hình nhỏ thó, đứng bên cạnh Tuấn càng thấy rõ sự chênh lệch về ngoại hình. Cũng như Tuấn, Hiệp ra tòa cũng cần có người giám hộ.

Sự “bất ổn” lớn nhất của Hiệp chính là những câu trả lời. Khi thì Hiệp chỉ trả lời nhát gừng hoặc lắc đầu, ngay cả câu hỏi bị truy tố về tội gì Hiệp cũng nói không biết. Khi thì trả lời một cách rất hăng say, vị chủ tọa phải mất vài lần “cắt” ngang, Hiệp mới chịu dừng lại.

Đáng nói, lời khai về hành vi phạm tội nhưng Hiệp thể hiện với cảm xúc bình thản như không, đôi lúc còn tỏ ra đó là một chiến tích của bản thân.

Phiên tòa xét xử Tuấn và Hiệp kéo dài bởi thi thoảng lực lượng y tế phải tiến hành kiểm tra sức khỏe cho hai bị cáo vì cả hai đều bị hạn chế khả năng nhận thức. Không biết Tuấn và Hiệp có cảm nhận gì nhưng người thân và những người dự khán chứng kiến hai bị cáo tại tòa đều cảm thấy xót xa. Số phận sinh ra vốn đã không cho họ bằng người, cho nên đối với người thân mà nói đó chính là nỗi đau dai dẳng, nối dài.

Vụ án đau lòng khiến Tuấn và Hiệp đứng đây ngày hôm nay xảy ra vào tối 8/5/2018, sau chầu nhậu của ba con người “không bình thường”.

Cụ thể, Tuấn ngồi uống rượu với anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1972, trú cùng thôn) tại nhà Hiệp. Anh Hưng cũng là người bị hạn chế khả năng nhận thức như Tuấn và Hiệp. Trong cuộc nhậu, Hiệp nhớ lại hồi trước anh Hưng có hù dọa đánh mình nên khi Tuấn ngà say, Hiệp nói nhỏ vào tai Tuấn nhờ đánh ông Hưng giúp. Đánh được ông Hưng xong, Hiệp sẽ cho Tuấn tiền.

Lúc sau, Hiệp vào nấu cơm, Tuấn đi vào nhà hỏi "đồ mi để ở đâu", Hiệp chỉ vào chỗ để một cái búa đóng đinh bằng kim loại. Tuấn lấy búa xong, giả vờ kêu ông Hưng ra sau nhà giúp mình khiêng cục sắt. Khi ông Hưng ra đến nơi, từ phía sau Tuấn cầm búa đánh vào đầu làm nạn nhân ngã sấp xuống đất. Đánh xong, Tuấn đi vào nhà nói với Hiệp là đã đánh chết ông Hưng rồi. Nghe vậy, Hiệp đưa cho Tuấn số tiền 1,5 triệu đồng.

Khoảng 19 giờ 30 ngày 9/5/2018, Tuấn qua lại nhà Hiệp rủ nhau đi tìm xác anh Hưng chôn chứ không sẽ bị phát hiện. Hiệp cầm đèn pin còn Tuấn cầm cuốc, cả hai quay lại hiện trường đem xác Hưng bỏ xuống hố có sẵn gần đó lấp đất lại và đi về.

Đến khoảng 19 giờ ngày 11/5/2018 do sợ bị phát hiện, Tuấn quay lại nhà Hiệp rủ Hiệp đào xác anh Hưng lên đem đi chôn chỗ khác để không bị lộ.

Hiệp rọi đèn pin, Tuấn kéo xác anh Hưng ra khu vực cánh đồng lúa (đã thu hoạch) cách hiện trường khoảng 500 mét (thuộc thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), Tuấn để xác Hưng xuống rãnh mương dùng rơm đậy lên sau đó đi về nhà. Đến khoảng 22 giờ ngày 11/5/2018 Tuấn và Hiệp đã đến cơ quan Công an để đầu thú khai báo về hành vi phạm tội nêu trên.

Quá trình điều tra, nhận thấy cả Tuấn và Hiệp đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Tâm thần trung ương Biên Hòa. Đó cũng là lý do khiến vụ án đến nay mới được đưa ra xét xử.

hiep-tuan-gietnguoi-kysu-1-.jpg
Bệnh tật từ nhỏ, cuộc sống chồng chất khó khăn khiến Nguyễn Văn Hiệp lớn lên với thân hình nhỏ thó.

Nói về hoàn cảnh của Hiệp, ai cũng chạnh lòng. Hiệp bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, thiểu năng trí tuệ nên đến nay chỉ cao gần 1,4m, vì vậy Hiệp còn có tên gọi khác là “Ròm". Sau khi cha mẹ mất, anh chị lập gia đình ra ở riêng, Hiệp sống một mình chủ yếu dựa vào trợ cấp xã hội.

Bị hại Hưng với gia đình Hiệp vốn là chỗ hàng xóm thân tình. Hơn nữa, anh Hưng đối đãi với Hiệp bằng tình cảm của một người thân trong gia đình, thương yêu, thường xuyên khuyên nhủ. Khốn nỗi, Hiệp không đủ sáng suốt để hiểu được đâu là lời khuyên chân tình, đâu là một lời “hù dọa” đầy yêu thương trách nhiệm, cho nên mới có kết cục đau lòng như ngày hôm nay.

Theo lời trình bày của anh trai bị cáo với vai trò là người giám hộ, có lần Hiệp tự bán cặp trâu, bán đất do cha mẹ để lại lấy tiền mua mấy món đồ linh tinh để trong nhà. Thấy vậy, anh Hưng la rầy Hiệp "răng dại rứa", rồi hăm đòi đánh Hiệp. Không ai ngờ, lời hăm dọa đòi đánh ấy khiến Hiệp găm vào suy nghĩ, để bụng rồi lấy lý do để nhờ Tuấn ra tay.

Vậy là sau vài chén qua lại, rượu đã nuốt chửng mấy con người trên bàn nhậu. Tình anh em hàng xóm, bạn bè cũng vì men cay ấy mà bỗng chốc người chết, kẻ đi tù.

Phải thừa nhận một điều, vụ án này, phiên tòa này khiến nhiều người phải day dứt. Bị hại, bị cáo đều là “người đặc biệt”, hoàn cảnh bị cáo, bị hại đều khốn khó như nhau. Nếu như Hiệp và Tuấn ra tòa cần người giám hộ thì “người đại diện cho bị hại” ra tòa cũng có thêm người giám hộ. 

Chiếc bàn dành cho đại diện người bị hại, hai người ngồi, một trong số đó là em gái của anh Hưng - nạn nhân trong vụ án, còn lại là một người bà con. Em gái ông Hưng lộ rõ sự mệt mỏi, chán ghét khi phải gò bó trong sự nghiêm trang nơi pháp đình nên hết nhắm mắt lại trườn người năm bẹp xuống mặt bàn. Người em này cũng như bị hại, là người bị hạn chế khả năng nhận thức, cho nên sự ngây ngô lộ rõ cả ra bên ngoài.

hiep-tuan-gietnguoi-kysu-2-.jpg
Phiên tòa nhiều lần phải tạm dừng để lực lượng y tế kiểm tra sức khỏe cho Tuấn và Hiệp.

Luật sư tham gia cho hai bị cáo đều mong HĐXX tuyên các bị cáo hưởng mức án thấp. Trong đó, luật sư bảo vệ cho bị cáo Hiệp cho rằng truy tố bị cáo tội "Giết người" là chưa thỏa đáng. Tội của Hiệp là "Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người". Thực tế Hiệp chỉ muốn Tuấn đánh vài bạt tai, hù dọa để ông Hưng không đánh mình.

Ý thức chủ quan của Hiệp không phải là giết ông Hưng, không muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Bị cáo không học hành, không biết chữ nên không có khả năng suy nghĩ là thuê để giết người.

HĐXX nhận định, các bị cáo bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, không mất hoàn toàn nhận thức về hành vi. Bị cáo Tuấn có vai trò chính vì thực hiện hành vi dùng búa đánh vào vùng đầu là vùng trọng yếu trên cơ thể con người, sau đó mang thi thể nạn nhân đi chôn. Hiệp là đồng phạm, xúi giục, đưa búa cho Tuấn, sau khi Tuấn đánh chết người còn cho 1,5 triệu đồng và cùng đi chôn thi thể.

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Lẽ ra với hành vi tước đoạt mạng sống ông Hưng, nếu không bị hạn chế về năng lực hành vi thì cần loại bỏ vĩnh viễn các bị cáo ra khỏi xã hội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. HĐXX đã tuyên phạt Tuấn và Hiệp cùng mức án tù chung thân về tội “Giết người”.

Một vụ án chồng chất sự đau lòng, một phiên tòa với nhiều thứ “đặc biệt” khép lại nhưng sự day dứt lại nối dài. Có thể, Tuấn và Hiệp không thể hiện cảm xúc nhưng không hẳn là không biết đau lòng. Có thể, em gái bị hại không biết nói ra sự đau lòng, nhớ nhung người anh trai xấu số, không thể hiện sự tức giận với kẻ thủ ác nhưng không hẳn là không có tâm tư. Tất cả cũng sẽ vì một sự mất mát này mà xót xa, mà đau đớn không có điểm dừng.

(Tên bị hại đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau khng kết thúc...