Lý Văn Hòa hiểu rất rõ cha của mình là người đàn ông có thói quen đả kích người khác trong gia đình bằng những lời nói có thiên hướng châm biếm, đặc biệt là sau khi có men rượu thì ông chuyển hẳn qua chửi… để rồi dặn lòng, không chấp, cố nhịn để sống. Nhưng rồi, “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng", như giọt nước tràn ly đã đẩy Hòa từ người con hiểu chuyện thành đứa con bất hiếu.
Tin ông Lý Văn Hướng vì bị con trai là Lý Văn Hòa (SN 1992, trú tại xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) sát hại lan nhanh một cách chóng mặt chỉ sau ít phút sự việc xảy ra.
Ồn ào, chấn động bởi hung tin khiến chẳng mấy ai thực sự quan tâm đến lời giải thích của người trong cuộc. Còn Hòa, bản thân cũng tự thấy lời giải thích lúc này chỉ là sự che đậy đớn hèn mà thôi. Sau tất cả, Hòa đã chọn cách đối diện với sự thật, bản thân là đứa con “trời đánh”, đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của cha mình.
Vốn nói, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” không thể đem ra so sánh, nhưng hoàn cảnh của gia đình Hòa, mẹ anh (bà Mai Thị Hoa) luôn khiến người khác nhìn vào đầy thương cảm. Nếu như bà là người phụ nữ mạnh mẽ, đảm đang, chịu thương, chịu khó vì chồng vì con bao nhiêu thì chồng bà, ông Lý Văn Hướng lại “chướng” bấy nhiêu.
Người đàn ông này luôn coi mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, cho nên ông luôn luôn đúng, kể cả ông có chửi mắng thì đó cũng là… lời vàng ý ngọc, cần phải nghe. Bà Hoa cũng vì sự vô lý, gia trưởng của chồng mà không ít lần “bật” lại, tuy nhiên chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp, cho nên lâu dần bà trở nên cam chịu.
Nhà có hai đứa con trai, bà là người phụ nữ duy nhất trong gia đình nên việc nhà “thượng vàng hạ cám” gì cũng đến tay, nhưng bà lại không nhận được mấy yêu thương, chia sẻ từ chồng. Bà Hoa chính là kiểu người "cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình".
Cuộc sống của bà Hoa vốn ít ỏi niềm vui lại càng trở nên chật vật khi đứa con trai út để lại cho bà hai đứa cháu rồi đi đâu không rõ tung tích. Nụ cười của bà từ đó cũng tắt hẳn. Lý Văn Hòa vì để tiện chăm các cháu và phụ cha mẹ nên sống chung nhà. Hòa từng nói, cũng vì sống chung nên anh lại càng thương mẹ, giận cha.
Ông Hướng thường xuyên trong tình trạng “sáng say chiều xỉn”, rượu vào thì vô cớ chửi bới, đánh đập người thân trong gia đình nên giữa Hòa với cha mình thường xuyên có mâu thuẫn. Không nói thì thôi, đã nói thì những lời ông thốt ra phải khiến người thật đau, thật tủi ông mới vừa lòng.
Nếu thấy bản thân rơi vào cảnh “nói chỉ mình nghe” thì ông sẽ lập tức thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con, cháu chắt, thậm chí đến đồ đạc trong nhà cũng chung số phận.
Mỗi lần thấy cha chửi mẹ, trong lòng người làm con như Hòa lại như có kiến bò, dao đâm cho nên không ít lần cha con cãi nhau kịch liệt. Biết cãi cha, chửi cha… với con cái không được phép nhưng Hòa chẳng khác nào là “con giun xéo lắm cũng quằn”. Nhịn rồi, nhịn mãi rồi nhưng ông Hướng không biết điểm dừng, cứ được nước lấn tới.
Và rồi, cũng vì rượu, cũng vì chửi, cũng vì quên mất đạo làm con nên Lý Văn Hòa mới phải chịu cái kết đau lòng như ngày hôm nay.
Chuyện buồn của gia đình Lý Văn Hòa xảy ra vào sáng ngày /11/2022. Sáng sớm, ông Hướng đi uống rượu về và bắt đầu chửi vợ. Nghe cha chửi mẹ, Lý Văn Hòa cuộn chặt hai nắm tay, cố nhịn cho qua chuyện, cùng người thân đi ra đồng gặt lúa đến buổi trưa thì về nhà ăn cơm.
Trong bữa cơm gia đình, Hòa cùng với ông Hướng và một số người khác có uống chút rượu. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, ông Hướng tiếp tục đi uống rượu và về nhà lại tiếp tục chửi bà Hoa.
Hòa nghe thấy ông Hướng chửi mẹ thì tiến về phía cha mình để hỏi rõ lý do nhưng ông Hướng “líu lưỡi” không thừa nhận. Hòa vốn tưởng mình sẽ không phải to tiếng với người cha đã ngấm rượu nhưng rồi thấy gương mặt “tỏ thái độ” của ông khiến bản thân trở nên mất bình tĩnh. Bực tức từ chuyện lúc sáng, cơn giận của Hòa cứ như lửa thêm dầu, Hòa đã nhặt một khúc gỗ đánh hai phát trúng đầu của ông Hướng, khiến ông Hướng tử vong tại chỗ.
Sự việc diễn ra như một thước phim được tua nhanh, nhanh đến mức khi cha nằm vật xuống đất, tay Hòa cầm khúc gỗ nhưng không nhớ nổi diễn biến mọi việc như thế nào.
Dù giận, thậm chí có cả hận nhưng Hòa không ngờ rằng chính mình đã ra tay tước đi mạng sống của đấng sinh thành. Ý thức được sự sai trái không thể dung thứ của bản thân, nên ngay sau khi sự việc xảy ra Hòa đã đến Công an đầu thú.
Ngày TAND tỉnh Lạng Sơn đưa Lý Văn Hòa ra xét xử về tội “Giết người”, nỗi đau mất chồng và nỗi đau vì con mang tội giết người đè nặng lên bà Hoa. Bà giận chồng nhưng chưa bao giờ nghĩ tới có ngày ông rời xa bà và theo cái cách đau đớn nhiều đến vậy.
Nếu như Lý Văn Hòa day dứt với nỗi đau của đứa con bất hiếu thì nỗi đau của bà Hoa lại được chồng chất thêm lên bởi mức án 17 năm tù dành cho con trai bà. Nỗi đau mất chồng, nỗi đau con vào tù dường như đã vắt kiệt sức của bà, người vốn được cho là mạnh mẽ.
Vụ án khép lại, người sang thế giới bên kia, người vào tù, nhưng nỗi đau sẽ còn mãi với những người ở lại. Đối với Lý Văn Hòa, những gì của ngày hôm nay và cả đến 17 năm sau sẽ mãi là vết thương, chỉ cần nghĩ đến nó tự khắc lòng sẽ đau. Người ta nói, thời gian có thể lấp hết mọi khổ đau nhưng đối với một người con tận hiếu như Lý Văn Hòa thật chẳng dễ chút nào.
Rượu, bia là chất xúc tác khiến cuộc sống thêm phần thi vị nhưng nếu lạm dụng nó con người ta sẽ phải trả những cái giá đắt. Vụ án này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội, cho tất cả các gia đình trong việc nhận thức và ứng xử với những người thân thích, đặc biệt hãy luôn làm chủ “người uống rượu, đừng để rượu uống người”.
(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)