Cả nước đồng lng, chung tay ‘giải cứu’ vải thiều Bắc Giang vượt qua COVID-19 Những ngy qua, câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang ni riêng, nng sản tại các v ng dịch ni chung đang trở thnh vấn đề được nhiều người quan tâm.
Cả nước đồng lòng hỗ trợ Bắc Giang
Từ cuối tháng 4 vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, trong đó Bắc Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Với số lượng ước tính khoảng 180.000 tấn vải thiều đang trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng lớn, cùng thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến cho nông sản của người dân Bắc Giang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.
Trước tình hình khó khăn của bà con Bắc Giang, Tổng cục Quản lý thị trường đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về tình hình triển khai Chỉ thị 08/CT-BCT và danh sách các đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch của lực lượng triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT. Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các Cục QLTT các tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng... tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn; ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, xoài, hành tím...
Đáng chú ý, Tổng cục này đã phát động phong trào tiêu thụ, sử dụng nông sản an toàn tại các Cục để lan toả đến người dân sử dụng nông sản an toàn. Để việc tiêu thụ vải thiều được nhanh hơn, lực lượng QLTT cả nước đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) triển khai Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang.
Đầu tiên, các Bưu cục thuộc VNPost thuê kho bảo quản lạnh (container di động) tại 63 tỉnh và phối hợp với các Cục QLTT phân phối tới các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh... Đặc biệt, các Đội QLTT sẽ tổ chức cả các điểm bán hàng lưu động đến khu vực xa trung tâm đô thị hoặc gần khu vực đông dân cư, khu công nghiệp để bán trực tiếp. Các địa bàn trọng điểm sẽ được giao tiêu thụ số lượng lớn là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Hai là phương án hàng trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn của VNPost, vải thiều Bắc Giang cũng sẽ được bán online cho từng cá nhân đặt hàng. VNPost sẽ gửi tin nhắn đến 60 triệu thuê bao điện thoại di động trên cả nước để giới thiệu Chương trình này.
Bà Huỳnh Thị Cúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng (thuộc Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng) cho biết, với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với người dân Bắc Giang, Hội Doanh nhân trẻ đã khởi xướng chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải cho Bắc Giang. Vải được đóng theo thùng, mỗi thùng 16 kg và được bán với giá 350.000 đồng.
“Vải bán được rất nhanh. Chúng tôi rất vui vì người dân Đà Nẵng luôn sống nghĩa tình, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với mọi người. Trong đợt dịch hồi tháng 7/2020, các địa phương đã chung tay, giúp đỡ Đà Nẵng rất nhiều để vượt qua khó khăn. Đây chính là dịp để người dân Đà Nẵng đền đáp lại ân tình, tấm lòng của mọi người”, bà Cúc chia sẻ.
Các siêu thị, các chợ lớn và nhiều đơn vị doanh nghiệp khắp nơi cũng bày tỏ ủng hộ cũng như đưa ra cam kết cùng hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho người dân ở tâm dịch tại Bắc Giang.
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết: Siêu thị sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân Bắc Giang thông qua kết nối từ Cục QLTT thành phố. “Tuy nhiên, cần đảm bảo việc cung ứng hàng trong thời gian nhanh nhất. Tốt nhất là trong giờ sau khi đặt sẽ nhận được hàng”, ông Thống đề nghị.
Hay như Công ty Cổ phần V-Food Việt Nam đã thu mua 2 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần V-Food Việt Nam Lê Bích Ngọc cho biết, là doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng hoa quả nhập khẩu, nhưng trước việc người dân tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ vải thiều, đơn vị quyết định chung tay hỗ trợ bà con tỉnh Bắc Giang tiêu thụ mặt hàng này.
“Toàn bộ lượng vải thiều sẽ được Công ty bày bán tại 20 cửa hàng bán lẻ đặt tại 4 quận nội thành. Nhằm kích cầu tiêu dùng, toàn bộ lượng vải thiều sẽ được Công ty bán không tính lãi với giá 25.000 đồng/kg. Dự kiến từ nay đến hết vụ thu hoạch, đơn vị sẽ tiêu thụ từ 50 - 70 tấn” - bà Lê Bích Ngọc nêu rõ.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp thành công với 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu để đưa vải thiều Bắc Giang lên giao dịch, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ vải thiều, hạn chế tồn kho. Hoạt động này nhằm giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời kỳ công nghệ 4.0.
Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn, những nỗ lực chung tay “giải cứu” vải thiều Bắc Giang của Tổng cục QLTT đã có hiệu quả lớn. Tuy nhiên, cụm từ “giải cứu” chỉ là biện pháp ngắn hạn giúp đỡ bà con nông dân và cần có một mô hình hay giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề về lâu dài.
Doanh nghiệp và nông dân phải là “cặp đũa có đôi”
Chia sẻ về câu chuyện “giải cứu”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này liên quan đến vấn đề quy hoạch, nông dân không nắm được thông tin thị trường; DN thì chưa mặn mà với nông nghiệp bởi làm nông nghiệp nhiều rủi ro. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bổ sung thêm, hệ thống phân phối hàng hóa của ta chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Nói cách khác, nông dân và doanh nghiệp chưa phải là “cặp đũa có đôi”.
Thực tế, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. DN và người sản xuất vẫn chưa thể gặp nhau. Các DN hiện nay vẫn có “tư duy thương vụ”, trong khi người nông dân thì có “tư duy mùa vụ”.
Do đó, nhằm tiến tới hạn chế thấp nhất tình trạng phải “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải có thông tin hai chiều. Theo đó, mỗi sở NN&PTNT thuộc các tỉnh, TP phải chủ động thông tin về Bộ NN&PTNT và các hệ thống phân phối để có chỉ đạo điều hành và tham gia kịp thời.
“Không thể để tình trạng lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi mới đi “giải cứu”. Đó là nền nông nghiệp không ổn định” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, nếu không kết nối được thị trường, dù thị trường trong nước hay nước ngoài thì sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hướng đến chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh, TP nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động phương tiện vận chuyển, kho bãi, phương thức bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác. Sau đó, địa phương sẽ thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản đến hệ thống phân phối. Khi có đủ số liệu cung - cầu thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng phải “giải cứu”.
Để giải quyết triệt để tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp - thị trường tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất - phân phối bảo đảm cung ứng sản phẩm nông sản đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường. Theo đó, cần phải bám sát và triển khai hiệu quả 3 vấn đề chính, đó là quy hoạch, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tổ chức kênh tiêu thụ nông sản.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng đưa ra 3 yếu tố quan trọng để hạn chế câu chuyện phải “giải cứu nông sản”. Một là dự tính, dự báo về dịch COVID-19 cũng như thiên tai, địch họa phải kịp thời, sát với thực tế. Hai là, tăng năng lực của ngành công nghiệp bảo quản, chế biến. Ba là, cần có chương trình Quốc gia về sản xuất, tiêu dùng “xanh”, bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm là số 1. Trong các yếu tố trên, chuyên gia này nhấn mạnh yếu tố thị hiếu tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường phức tạp hiện nay. Những nông sản an toàn cho sức khỏe sẽ là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nông sản gắn với chế biến là giải pháp cần được chú trọng để hạn chế tối đa vấn đề “giải cứu” nông sản được nhận định là chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều.