Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế v thực tiễn xây dựng Nghị định về Ha giải thương mại tại Việt Nam do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa kỳ (USAID) tổ chức sáng 22/10, tại H Nội đã đặt ra những nội dung rất thiết thực.
Chỉ 1% tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài
Trọng tài thương mại đã xuất hiện ở Việt Nam nửa thế kỷ nay kể từ khi có Hội đồng Trọng tài Ngoại thương năm 1963, sau này sáp nhập với Hội đồng Trọng tài Hàng hải để thành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày nay. 50 năm của hoạt động trọng tài thương mại và 20 năm Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhưng phương thức xét xử tranh chấp thương mại bằng trọng tài cho đến giờ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: chỉ 1% trong tổng số các vụ tranh chấp thương mại. Vậy đâu là nguyên nhân khiến hình thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng, bí mật, được thế giới ưa chuộng... lại chưa hấp dẫn được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam? Và còn một câu hỏi quan trọng, là làm thế nào để nâng cao sức mạnh cho hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam...
Về vấn đề này, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: “Giải quyết các vụ việc tranh chấp qua Tòa án thì rất lâu và luật pháp của từng nước cũng khác nhau. Thế nhưng, hoạt động của trọng tài thương mại quốc tế có nội dung giống nhau, có quy chuẩn trong toàn cầu...”. Có thể chính vì những ưu điểm này mà sau hàng loạt những vụ kiện và bị kiện cả trong và ngoài nước, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đang tiến hành xây dựng mẫu hợp đồng kinh tế cho các thành viên Hiệp hội, trong đó điều khoản giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại đã được đưa vào như một điều khoản có tính bắt buộc.
Có thể nói, việc đưa điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào hợp đồng kinh tế là một bước đi thức thời và phù hợp với xu hướng quốc tế.
Luật sư Frederick R. Burke - Trọng tài viên VIAC, Công ty Luật Baker & Mac Kenzie nói: “Thực tế ở Mỹ, việc xét xử ở tòa sẽ mất thời gian và rất tốn kém. Thế nên, phương thức trọng tài ngày càng được lựa chọn nhiều hơn. Đáng nói là không chỉ trong các hợp đồng về thương mại mà ngay cả các hợp đồng tiêu dùng, ngày càng có nhiều cá nhân đưa điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào”.
Nhưng ở Việt Nam, “Trọng tài thương mại” vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các DN trong nước và nước ngoài khi có tranh chấp. Ngoài nguyên nhân chủ quan về trình độ trọng tài, chất lượng xét xử, có một nguyên nhân khách quan: Phán quyết của trọng tài thương mại có thể bị hủy bởi Tòa án.
Hội thảo về tranh chấp thương mại luôn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và doanh nghiệp
Theo ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trọng tài muốn hoạt động được suôn sẻ thì một điều rất quan trọng là phải có sự hỗ trợ của phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là của Tòa án và sau đó là sự hỗ trợ của các cơ quan thi hành án... Các bên có thể khiếu nại ra Tòa án để hủy quyết định của trọng tài. Đây chính là vấn đề bất lợi lớn đặt ra gần đây.
Khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có chủ trương “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, đồng thời, nhằm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO về dịch vụ hòa giải tranh chấp giữa các thương nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ chế giải quyết tranh chấp, qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thì việc xây dựng Nghị định về Hòa giải thương mại là rất cần thiết.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Bức tranh về trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải quyết khoảng 1% tổng số tranh chấp thương mại hàng năm. Bên cạnh đó, thói quen, tập quán của thương nhân Việt Nam tin tưởng Tòa án hơn Trọng tài và chi phí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại còn cao cũng là rào cản làm cho trọng tài thương mại chưa phát huy hết hiệu quả.
Về Tiêu chuẩn hòa giải viên, Dự thảo Nghị định: “Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học ít nhất 5 năm. Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan...”. Theo ông Nguyễn Bá Bình, Phó trưởng Khoa Pháp luật thương mại Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, quy định này còn mang tính chung chung vì không rõ như thế nào là “có kỹ năng hòa giải”. Thực tế cho thấy hòa giải nhiều khi là kỹ năng “trời cho”, vì thế không nên quy định bắt buộc “tốt nghiệp đại học” mà chỉ cần có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này là có thể chấp nhận được.
Về địa vị pháp lý của hòa giải viên, ông Nguyễn Bá Bình cũng tỏ ra ngạc nhiên khi Dự thảo Nghị định chỉ thấy quy định về nghĩa vụ mà không thấy quy định về quyền của hòa giải viên.
Từ thực tiễn hành nghề tại Úc, đại diện Văn phòng Luật sư Trinh Nguyễn và Cộng sự chia sẻ: Ở Úc có hệ thống riêng là cơ quan mang tính quốc gia đào tạo cho hòa giải viên chứ không phải do một Trung tâm trọng tài nào đó thực hiện.
Một số ý kiến cho rằng, hòa giải viên là một nghề đặc biệt, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thay cho Tòa án nên cần nghiên cứu cấp Chứng chỉ hành nghề hoặc Thẻ Hòa giải viên.
Hiệu lực thi hành của thỏa thuận hòa giải thành cũng là một trong những vấn đề quan trọng quyết định vai trò của hòa giải thương mại. Dự thảo Nghị định đưa ra phương án là thỏa thuận hòa giải thành có giá trị như hợp đồng mới và có hợp đồng ràng buộc đối với các bên. Trường hợp một bên không thực hiện hoặc có vi phạm thì bên kia có quyền khởi kiện như đối với một hợp đồng. Nhưng có đề xuất phải có thêm phương án thứ 2 là thỏa thuận hòa giải thành có giá trị thi hành bắt buộc như bản án hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại. Có điều theo phương án này sẽ phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự...
Các trung tâm trọng tài và trọng tài viên cho rằng, có rất nhiều lý do dẫn đến việc trọng tài ít được… nhớ đến trong các vụ tranh chấp thương mại. Trong đó có 3 lý do được nói đến nhiều nhất đó là hiệu lực thi hành của quyết định trọng tài thấp (61,4%), nhiều người chưa tin tưởng phương thức này (68,6%), và có rất nhiều người chưa biết đến phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua trọng tài (74,3%).