Doanh nghiệp - Doanh nhân

"Nút thắt" nào đang kìm hãm đà phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã?

Trang Nhi 14/05/2025 - 08:10

Dù có đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế đất nước nhưng rất nhiều Hợp tác xã (HTX) đang đứng trước không ít khó khăn trong quá trình phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hiện, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP trung bình đạt khoảng 4,8%, đóng góp gián tiếp khoảng 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Khu vực kinh tế tập thể cung ứng cho thị trường từ 18-32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.

htx.jpg
Nhiều nút thắt kìm hãm đà phát triển kinh tế tập thể, HTX

Có thể thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó là những thách thức không nhỏ, xuất phát từ cả yếu tố nội tại và những tác động từ bên ngoài.

Một trong những "nút thắt" theo các chuyên gia đó là sự thiếu đồng bộ và thống nhất trong quản lý. Sự phân tán trong chỉ đạo và hoạt động giữa Liên minh HTX tỉnh-thành và các cấp địa phương đã làm giảm sức mạnh tổng thể và hạn chế khả năng hỗ trợ, liên kết giữa các HTX.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về KTTT, HTX dù đã được xây dựng nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý dữ liệu hành chính, tuyên truyền cơ bản mà hầu như bỏ qua những khía cạnh quan trọng như quản lý pháp lý, vốn và tài chính... Sự thiếu hụt thông tin ở nhiều khía cạnh như vậy gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các HTX.

Không dừng lại ở đó, sự thiếu vắng các quy chuẩn chất lượng đặc thù của địa phương đang trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển của các sản phẩm mang thương hiệu của các tỉnh, thành phố.

Nhìn vào hệ thống pháp lý hiện nay có thể thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật năm 2006 quy định về nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, luật chung chung, chưa đi sâu vào các quy chuẩn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực chế biến nông sản.

Chính vì vậy ở góc độ đơn vị sản xuất chế biến nông sản, đặc biệt là những sản phẩm OCOP, nhiều HTX đang bị hạn chế khả năng nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho các sản phẩm này.

Anh Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông (Tiền Giang), cho biết nhiều loại nông sản đặc trưng của các vùng miền chưa có quy chuẩn chế biến riêng, dẫn đến việc các cơ sở chế biến hoạt động dựa trên kinh nghiệm hoặc các tiêu chuẩn tự đặt ra, khó đảm bảo chất lượng đồng đều và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi OCOP được đánh giá là một chủ trương đúng đắn để khẳng định các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhưng hiện nay có quy định mỗi HTX phải có ít nhất một sản phẩm OCOP và phải tăng số lượng theo từng năm đang tạo ra một áp lực không nhỏ cho chính các HTX.

Và chỉ tính riêng số lượng HTX nông nghiệp hiện tại trên cả nước là khoảng 22.000 mô hình. Nếu mỗi HTX đều cố gắng đạt và tăng số lượng sản phẩm OCOP thì sẽ xảy ra tình trạng thị trường có thể bị bão hòa và mất đi tính đặc trưng của sản phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều HTX phải cố gắng "chạy theo" OCOP mà có thể bị động trong hoàn thiện chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm.

Có thể thấy, rất nhiều HTX đang đứng trước không ít khó khăn trong quá trình phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngay như việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, mặc dù có tài sản, nhưng quy trình định giá và góp tài sản vào HTX còn nhiều rườm rà, khiến nhiều người đứng đầu HTX phải tìm đến các giải pháp khác như sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh quy định về số lượng sản phẩm OCOP của mỗi HTX theo hướng chú trọng chất lượng và tính đặc trưng, tránh tình trạng chạy theo số lượng gây loãng thị trường cần được chú trọng. Thay vào đó, cần hỗ trợ các HTX tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ. Đi liền với đó là hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh.

Có như vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX mới vượt qua những thách thức hiện tại, phát huy tiềm năng và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nút thắt" nào đang kìm hãm đ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã?