Doanh nghiệp - Doanh nhân

OCOP – Đòn bẩy nâng tầm sản phẩm đặc trưng Hưng Yên

Hoàng Hà 16/07/2025 - 18:45

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp Hưng Yên phát huy lợi thế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng và xây dựng thương hiệu địa phương một cách bài bản, bền vững.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất để tham gia chương trình OCOP.

Tiêu biểu là Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh (xã Nam Cường) – đơn vị tiên phong kết hợp sản xuất truyền thống với yêu cầu hiện đại. Mỗi năm, công ty thu mua, chế biến và tiêu thụ hơn 1.800 tấn hải sản.

Từ năm 2022, đơn vị xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2025, sản phẩm ruốc bề bề được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao – dấu mốc khẳng định chất lượng và sự đầu tư nghiêm túc.

Sản phẩm ruốc bề bề của công ty chinh phục người tiêu dùng nhờ quy trình chế biến sạch, không phụ gia, đóng gói hiện đại, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Hiện sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên...

Không chỉ mở rộng thị trường, sản phẩm còn giúp doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 16 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao giá trị sản vật địa phương trên thị trường.

Cùng với thủy sản, nhiều sản phẩm truyền thống khác của Hưng Yên cũng đang được “hồi sinh” nhờ chương trình OCOP.

hungyen.jpg
Sản phẩm kẹo lạc của cơ sở bánh cáy Đình Mạnh đạt OCOP 4 sao.

Tại xã Đông Hưng, bánh cáy làng Nguyễn – món quà quê đặc trưng đã trở thành sản phẩm 4 sao từ năm 2022.

Ông Nguyễn Đình Mạnh, chủ cơ sở tiêu biểu trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị bánh cáy truyền thống cho biết: Nhờ có chương trình OCOP, thương hiệu của cơ sở ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Doanh thu tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, riêng bánh cáy, kẹo lạc và kẹo vừng là 3 sản phẩm chủ lực, tăng trên 30%.

Hiện mỗi ngày xưởng sản xuất khoảng 2,5 tấn bánh kẹo, dịp cao điểm đạt tới 6-8 tấn/ngày, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống nhờ chương trình OCOP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa làng nghề.

Để chương trình OCOP phát huy hiệu quả, chính quyền các cấp tại Hưng Yên đã chủ động hỗ trợ các chủ thể rà soát tiềm năng sản phẩm, hoàn thiện thủ tục, kết nối tư vấn, tập huấn kỹ năng marketing, chuyển đổi số… Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao như ruốc bề bề, bánh cáy, nhãn lồng, trà thảo dược… từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

OCOP không chỉ dừng lại ở việc phân hạng sao, mà đang tạo cơ hội để các sản phẩm truyền thống vươn lên, tiếp cận thị trường rộng lớn một cách bài bản, chuyên nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực.

Tỉnh Hưng Yên xác định, đây sẽ là giải pháp trọng tâm để phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm đặc trưng quê hương sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP – Đn bẩy nâng tầm sản phẩm đặc trưng Hưng Yên