Vấn đề quan tâm

Phân định thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại

Nguyễn Cúc 23/05/2025 16:35

Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị định quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền hai cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Dự thảo Nghị định do Bộ Công thương xây dựng đang được Bộ Tư pháp thẩm định, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa cấp tỉnh, huyện và xã trong tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp.

Các nguyên tắc được xây dựng trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân định rõ ràng trách nhiệm, tránh chồng chéo và tăng tính chủ động cho địa phương.

congnghiep(1).jpg
Ảnh minh họa

Dự thảo thể hiện bước tiến trong cải cách hành chính khi đề xuất phân định lại 42 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 34 nhiệm vụ được chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã, bao gồm các lĩnh vực:

Hóa chất, kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp: 1 nhiệm vụ (theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung).

Điện lực: 9 nhiệm vụ (theo Nghị định 62/2025/NĐ-CP).

Công nghiệp tiêu dùng: 2 nhiệm vụ (theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi).

Cụm công nghiệp: 12 nhiệm vụ (theo Nghị định 32/20/NĐ-CP).

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: 1 nhiệm vụ (theo Luật năm 2023).

Kinh doanh rượu: 7 nhiệm vụ (theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP và các văn bản liên quan).

Kinh doanh khí: 2 nhiệm vụ (theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP).

8 nhiệm vụ được chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh, bao gồm: 1 nhiệm vụ về điện lực; 6 nhiệm vụ về cụm công nghiệp; 1 nhiệm vụ về kinh doanh rượu.

Việc phân định cụ thể góp phần giảm tải cho cấp huyện, tăng tính chủ động cho cấp xã – nơi gần dân, sát thực tiễn và có khả năng phản ứng linh hoạt với các nhu cầu quản lý trực tiếp tại cơ sở.

Dự thảo quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức thực hiện:

Bộ Công Thương:

Chủ trì phối hợp các bộ, ngành triển khai phân định thẩm quyền; Hướng dẫn UBND cấp tỉnh trong thực hiện thủ tục hành chính; Công bố các thủ tục hành chính có thay đổi do việc phân định lại; Báo cáo Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện trước ngày /12 hằng năm.

Các bộ, cơ quan liên quan:

Có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn rõ về phí, lệ phí để bảo đảm năng lực thực hiện của cấp xã.

UBND các cấp:

Cấp tỉnh: Hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã, công bố thủ tục hành chính tại địa phương; Cấp xã: Tổ chức thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Dự thảo quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 13 nhằm tránh gián đoạn hoạt động của chính quyền các cấp. Theo đó, các biểu mẫu, mẫu đơn trong các thủ tục hành chính sẽ được điều chỉnh trong quá trình sử dụng bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới được phân định tại Nghị định. Cách làm này giúp tránh tình trạng phải sửa đổi đồng loạt các biểu mẫu, đảm bảo tính linh hoạt, giảm thủ tục hành chính rườm rà.

Mặc dù Dự thảo không quy định cụ thể trình tự, thủ tục hành chính theo từng nhiệm vụ, nhưng giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, với thẩm quyền được Chính phủ ủy quyền, ban hành hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 80/2025/NĐ-CP về tổ chức thi hành pháp luật.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh Hiến pháp và các luật như Luật Chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được sửa đổi để hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền ba cấp, hai cấp. Do đó, nội dung Dự thảo cũng bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 66-NQ/TW và Kết luận 119-KL/TW, nhấn mạnh vai trò của việc hướng dẫn áp dụng pháp luật để tăng "sức sống" của văn bản quy phạm pháp luật thay vì phải thường xuyên sửa đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân định thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã trong lĩnh vực cng nghiệp v thương mại