Ngy 10/1, phiên ta xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đ Nẵng v đồng phạm về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng ti sản nh nước gây thất thoát, lãng phí" v "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục diễn ra ở phần tranh luận.
Theo đó, trước HĐXX, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan cho biết, những tài sản liên quan đối với bà bây giờ không có ý nghĩa gì khi chứng kiến chồng và em ruột đều là bị cáo trong phiên tòa. Em ruột của bà Hiền là bị cáo Nguyễn Quang Thành, cựu Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Theo bà Hiền, tất cả những tài sản của bị cáo Vũ đang bị cơ quan tố tụng kê biên đều có sự đóng góp công sức chung của bà, chứ không chỉ riêng của bị cáo Vũ. Do đó bà Hiền đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc đến những tài sản mà cơ quan tố tụng đã kê biên, xem xét đến quyền lợi của cá nhân bà.
Cụ thể, bà Hiền cho rằng, mảnh đất ở số 22 Cô Giang (Đà Nẵng) là tài sản của cá nhân bà. Bà Hiền lý giải về nguồn tiền sử dụng để mua mảnh đất này là do tích góp và vay ngân hàng nên mong HĐXX xem xét phần tài sản đang bị kê biên này. Ngoài mảnh đất số 22 Cô Giang, bà Hiền đề cập tới một số tài sản khác mà cơ quan tố tụng đã kê biên có liên quan đến quyền lợi của bà như: ngôi nhà số 17 Lê Duẩn, ngôi nhà số 90, số 92, số 76 Trần Quốc Toản và nhiều lô đất khác nhưng bà không biết nguồn gốc các tài sản này từ đâu.
Bà Hiền khẳng định: “Tôi là người đại diện cho bị cáo Vũ kê biên những tài sản trên, nhưng tôi không sử dụng, không biết nguồn gốc những tài sản này”. Theo trình bày của bà Hiền, hơn 500 người lao động đang làm việc trên tài sản, giá trị đất của bà và bị cáo Vũ đã xây dựng đầu tư và họ đang cần việc làm. Vì thế mong HĐXX xem xét những đóng góp của vợ chồng bà cho thành phố.
Trong quá trình giải quyết vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã kê biên 42 tài sản và bất động sản để đảm bảo thi hành án, trong đó có 10 tài sản, bất động sản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương xác định, tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản trên có giá trị hơn 3.519 tỷ đồng.
Ngoài ra còn nhiều tài sản, bất động sản khác đứng tên Phan Văn Anh Vũ và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng được cơ quan tố tụng kê biên.
Trước đó, khi trả lời thẩm vấn HĐXX về hành vi thâu tóm 22 nhà đất và 7 dự án bất động sản tại TP Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.047 tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ cho biết, bị cáo là là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.
Ngoài ra, bị cáo còn nắm cổ phần tại Công ty TNHH I.V.C; Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc. Đây là các doanh nghiệp có tính gia đình, việc mua bán nhà đất tại TP Đà Nẵng do bị cáo quyết định. Bị cáo Vũ cho rằng, cáo trạng truy tố mình không chính xác.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa xét xử
Lý do bị cáo Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội vì, để mua các dự án, bị cáo là người ký đơn hoặc các công ty bị cáo có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin ý kiến, còn giải quyết hay không là thẩm quyền của UBND thành phố và điều này được thể hiện qua đường văn thư.
Theo cáo trạng, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo TP Đà Nẵng, lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký để thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố nhằm trục lợi cá nhân.
Vũ liên hệ và đề nghị bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Văn Hữu Chiến (khi cả hai đương chức) chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng giao, chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản trái quy định, không qua đấu giá cho các công ty do Vũ góp vốn. Hành vi của Vũ và các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc giao trái quy định dự án 29 ha gây thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2002-2010, Vũ thành lập 5 công ty và sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó Vũ đã trục lợi /22 nhà, đất công sản và 4 dự án bất động sản ở thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên tòa tranh luận chiều qua, bào chữa cho nhóm bị cáo là cấp dưới của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, nhiều luật sư cho rằng thân chủ của mình chỉ là người thừa hành nhiệm vụ, còn người chịu trách nhiệm là lãnh đạo UBND thành phố khi đó.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Sang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, luật sư Đỗ Pháp cho rằng, bị cáo Sang không phải là người tham mưu, đề xuất, đồng thời cũng không phải là đồng phạm, giúp sức cho các bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bởi tất cả các chủ trương đều đã được Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân thông qua. Người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Đây là quy trình khép kín của TP Đà Nẵng trong cải cách hành chính.
Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Dẫn chứng về nhà đất 22 Cô Giang, luật sư Đỗ Pháp nêu quan điểm, khi ký vào văn bản đề xuất giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất, bị cáo Sang đã căn cứ vào công văn của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng gửi Sở Tài chính nhằm đề nghị Sở Tài chính kiểm tra số liệu và xác nhận trên bảng tính toán để Công ty Quản lý nhà trình UBND TP Đà Nẵng. Công văn này đã nêu rõ căn cứ vào chủ trương của TP Đà Nẵng về việc định giá, về giá đất trên địa bàn thành phố, về bồi thường tái định cư, về hệ số sinh lợi mà Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng đã tính toán.
Như vậy, theo luật sư Đỗ Pháp, bất kỳ văn bản nào khi ban hành cũng căn cứ vào các văn bản pháp lý của các cơ quan liên quan và việc bị cáo Sang ký là làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Luật sư Dương Văn Nghị cho rằng, việc bị cáo Tuấn ký một số văn bản, tờ trình tuy có sai sót nhưng ở mức độ nhất định, gây thất thoát tài sản nhà nước ở mức độ nhất định.
Việc ký những văn bản này không phải bị cáo Tuấn giúp sức cho 2 bị cáo Minh và Chiến, mà bị cáo Tuấn chỉ ký theo chức trách nhiệm vụ, đúng quy trình và chỉ là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo Tuấn không biết 2 bị cáo Minh và Chiến đúng hay sai, nên đã thực hiện. Nếu biết chỉ đạo này là sai, chắc chắn bị cáo Tuấn sẽ không làm vì ảnh hưởng đến trách nhiệm về sau.
Dẫn chứng Dự án tại Dự án Khu du lịch biển Non Nước (Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) có diện tích 3,77 ha, luật sư Nghị nhận định, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn ký ban hành Quyết định số 5762/QĐ-UBND ngày 19/7/2012 phê duyệt giá thu tiền giao quyền sử dụng đất và mục đích sử dụng đất là đã căn cứ vào các văn bản kết luận cuộc họp giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá…
Theo đó, luật sư Nghị đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Tuấn vì bị cáo không được hưởng lợi gì trong việc chuyển nhượng các dự án này.
Cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, trong quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy hành vi của bị cáo Tuấn cùng với các bị cáo khác là người thực hiện công vụ ở các vị trí khác nhau, thực hiện nhiệm vụ của mình ở từng thời điểm khác nhau. Do đó, không có tài liệu chứng tỏ các bị cáo đã bàn bạc thống nhất ý chí để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội…
Luật sư Nguyễn Văn Chiến tiếp tục phân tích, hành vi của bị cáo Tuấn đã thực hiện từ trước đó hơn 10 năm, do đó, tình hình đã chuyển biến. Bị cáo Tuấn ở cương vị cấp phó thực hiện công vụ, không được tham gia bàn bạc, tài sản đã được thu hồi… Do đó, luật sư Chiến mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn và các bị cáo khác.