Môi trường

Phát hiện nhiều loài cầy, động vật quý hiếm tại Khu BTTN Xuân Liên

Thanh Phương 16/03/2023 16:01

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các loài trong họ cầy (Viverridae) tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Thanh Hóa) cơ quan chức năng đã đặt bẫy ảnh phát hiện nhiều loài cầy, động vật quý hiếm.

Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTTN Xuân Liên Phạm Anh Tám cho biết: Dự án đã tiến hành phỏng vấn và đánh giá thông tin về các loài cầy và các kiểu rừng ở Khu BTTN Xuân Liên.

Trong thời gian thực hiện đã tiến hành 8 đợt điều tra thực địa với 8 đợt đặt bẫy ảnh được thiết lập trong khu vực nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của Dự án đã khẳng định, ở KBTTN Xuân Liên có phân bố 4 loài cầy: Cầy vằn bắc, Cầy vòi mốc, Cầy vòi hương và Cầy móc cua. Thông tin về các loài hiện đang tiếp tục cập nhật qua các đợt bẫy ảnh trong năm 2023.

Quá trình đặt bẫy ảnh điều tra dự án đã ghi nhận một số loài động vật quý hiếm phân bố trong khu bảo tồn như Mang Chồn họng vàng, mèo rừng.

Các kiểm lâm viên sẽ xác định các yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường sống và nguy cơ suy giảm quần thể của các loài trong họ cầy tại các tiểu khu rừng thuộc 4 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân thuộc huyện miền núi Thường Xuân. Đồng thời, đơn vị xây dựng 30 tuyến điều tra trên thực địa, sinh cảnh sống của các loài trong họ cầy, qua đó các kiểm lâm viên sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu bản đồ về quần thể, phân bố và sinh cảnh của các loài trong họ cầy.

a2xuanlien-loai-cay-van-bac-duoc-phat-hien-tai-xuan-lien.jpg
Loài cầy Vằn Bắc được phát hiện tại Xuân Liên

Lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 11 thôn vùng đệm Khu Bảo tồn về bảo tồn các loài cầy, xây dựng trang thông tin về loài được thể hiện bằng tranh ảnh. Đơn vị thành lập đội tuần tra và tổ chức hai đợt tuần tra, kiểm tra rừng vào giữa năm và trong dịp Tết, đây là thời điểm có nguy cơ cao rừng bị xâm hại. Dự án phấn đấu khi kết thúc sẽ xây dựng được một khu cứu hộ có diện tích khoảng 100 m2 để phục vụ cứu hộ, chăm sóc và tái thả các loài cầy ngoài tự nhiên.

Trên thế giới, họ cầy có khoảng 33 loài trong 23 giống, thuộc 4 phân họ và có tới gần 350 phân loài khác nhau. Loài cầy Vằn bắc (Chorotogale owstoni) có bộ lông vàng nhạt hoặc xám bạc và có nhiều đốm đen ở sườn và đùi, thức ăn gồm giun đất, quả cây, chuột, ếch, nhái, trứng chim.

Đây là loài đã có tên trong sách đỏ Việt Nam, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cầy vằn bắc xuất hiện tại các tiểu khu rừng 494 và 500. Loài cầy Vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) nặng từ 3-5 kg, chiều dài thân 48-70 cm, bộ lông nền màu xám, thức ăn chủ yếu là trái cây rừng, côn trùng.

Cầy Vòi hương sinh sản quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10, 11, 12, mỗi con lứa đẻ từ 2 đến 4 con. Tại Khu Bảo tồn Xuân Liên, loài này xuất hiện tại các tiểu khu 497, 498, 489,494 và 520…

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên có diện tích 23.816,23 ha, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 65 km, là khu vực chuyển tiếp giữa 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đặc trưng nổi bật của KBT Xuân Liên là ba kiểu rừng chính là: Rừng nhiệt đới núi thấp trên 800 m chiếm 11,61% với đặc trưng các loài cây trong họ Mộc lan, họ Dẻ và có một số loài hạt trần; Rừng nhiệt đới thấp trên núi đất dưới 800 m chiếm 85,12% và rừng nhiệt đới trên núi đá vôi chiếm 3,28%; Xuân Liên cũng có nhiều hệ suối lớn, nhỏ, đặc biệt là Sông Chu và hồ Cửa Đạt. Đây là sinh cảnh phù hợp cho nhiều loài rùa.

a3xuanliencay-voi-moc-kiem-an-vao-ban-dem-tai-xuan-lien.jpg
Cầy Vòi Mốc kiếm ăn vào ban đêm tại Xuân Liên

Khu BTTN Xuân Liên nổi tiếng với khu hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam. Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Ngoài những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi được ghi vào sách đỏ, rừng nguyên sinh Xuân Liên còn có nhiều loài phong lan rực rỡ và hàng trăm loại cây dược liệu quý khác.

Hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 1.142 loài, 620 chi và 180 họ. Trong đó ngành mộc lan đa dạng nhất, chiếm 87,3% tổng số loài của khu vực nghiên cứu. Trong kết quả nghiên cứu hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 3 loài mới cho khu hệ thực vật Việt Nam.

Khu BTTN Xuân Liên ghi nhận 80 loài thú thuộc 26 họ, 9 bộ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê cho thấy, Khu BTTN Xuân Liên có 192 loài chim thuộc 41 họ, bộ. Tại đây có 41 loài bò sát thuộc 11 họ, 2 bộ. Đáng chú ý, có 12 loài là ghi nhận mới cho Khu BTTN và tỉnh Thanh Hóa... Về các loài lưỡng cư, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê ở Khu BTTN Xuân Liên có 36 loài thuộc 7 họ, 2 bộ. Trong đó có 9 loài ghi nhận mới cho tỉnh Thanh Hoá…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều loi cầy, động vật quý hiếm tại Khu BTTN Xuân Liên