Tiêu điểm

Phát huy vai trò bảo vệ quyền con người của Tòa án nhân dân

Thanh Hải (Thực hiện) 01/05/2023 10:00

Với sứ mệnh được hiến pháp quy định, Tòa án nhân dân (TAND) sẽ nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết, quyết định trực tiếp tới sinh mệnh của con người cụ thể. Do đó, TAND đóng vai trò vô cùng quan trọng và trực tiếp trong việc bảo đảm các quyền con người không bị xâm phạm.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Văn Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để tìm hiểu về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

z4293979873111_af4cabc438136e375d074c8ef7ed61de.jpg
PGS.TS Lê Văn Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Bảo đảm quyền con người là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo ông, hiện nay quá trình đó đang thực hiện ở nước ta như thế nào?

PGS.TS Lê Văn Trung: Có thể nói Nhà nước pháp quyền và quyền con người là “cặp bài trùng”, luôn song hành với nhau. Nhà nước pháp quyền góp phần bảo đảm, thúc đẩy quyền con người và bảo đảm quyền con người là tiêu chí cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Có thể thấy những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới như sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Theo đánh giá của Đảng ta, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình đó, quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế.

Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân.

Việc Ban Chấp hành Trung ương quyết định ban hành Nghị quyết này khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, thiết thực góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, bởi bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là mục tiêu tối thượng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã thống nhất về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, đó là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.

Ban Chấp hành Trung ương cũng xác định cần tập trung sức thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án; phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

PV: Trong tiến trình cải cách tư pháp, quyền con người được hệ thống pháp luật Việt Nam hết sức coi trọng và đề cao. Theo ông, Tòa án có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ quyền con người?

PGS.TS Lê Văn Trung: Bảo vệ quyền con người là nghĩa vụ của Nhà nước, vì thế hoạt động bảo vệ quyền con người phụ thuộc vào năng lực bảo vệ quyền con người của các hệ thống cơ quan Nhà nước mà trước hết là Tòa án. Tòa án là hệ thống cơ quan Nhà nước được pháp luật trao quyền nhân danh Nhà nước để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, trừng trị hành vi xâm hại quyền con người, do vậy, đã trở thành hệ thống cơ quan giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo năng lực bảo vệ quyền con người của Nhà nước.

Tòa án bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung thông qua hoạt động xét xử, rõ nét nhất là trong vụ án hình sự. Và trong những năm qua, Tòa án các cấp đã làm rất tốt nhiệm vụ đó. Trong xét xử các vụ án hình sự, Tòa án cần đảm bảo các nguyên tắc: Không làm oan người không có tội phải đi liền với không để lọt tội phạm; nhiệm vụ phát hiện xử lý tội phạm phải đi liền với việc bảo đảm quyền con người. Hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện trên cơ sở coi trọng các yếu tố đó; bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác nói trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt được mục đích tố tụng.

Ngoài ra, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của Tòa án thể hiện ở một nguyên tắc hết sức quan trọng: Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tòa án có một vai trò, vị trí quan trọng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án bảo vệ công lý và bảo đảm công bằng xã hội thông qua chức năng xét xử. Chính vì vậy, vị trí, vai trò của Tòa án được Đảng và Nhà nước luôn coi trọng.

Cải cách Tòa án trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quá trình đổi mới nhằm mục tiêu làm cho tổ chức và hoạt động của Tòa án ngày càng thể hiện đầy đủ, đúng đắn bản chất dân chủ, hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn yêu cầu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và Nhà nước ta trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

PV: Theo ông, cần có giải pháp nào để nâng cao vai trò của Tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp, nhằm thực hiện yêu cầu mới đặt ra?

PGS.TS Lê Văn Trung: Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, để nâng cao vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, gắn với việc bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trong đó, cần tập trung xây dựng các cơ chế, quy định chặt chẽ bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án, của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; có cơ chế phòng ngừa hữu hiệu, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp. Và xét ở góc độ rộng hơn, để làm tiền đề tốt cho hoạt động xét xử của Tòa án thì cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng được một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò, vị thế của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước. Theo đó, cần mở rộng hơn nữa quyền năng của quyền tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án thực hiện đúng đắn, đầy đủ quyền tư pháp theo nội dung hiến định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ví dụ như mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; nghiên cứu làm rõ thẩm quyền hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử…

Về tổ chức Tòa án, cần khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về hoạt động của Tòa án, cần tiếp tục xác định xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, nghiên cứu để áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức tố tụng tư pháp với các phương thức phi tố tụng tư pháp; đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án (chẳng hạn có thể ban hành một đạo luật riêng về Hội thẩm nhân dân; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân; về lâu dài có thể nghiên cứu áp dụng mô hình hội thẩm đoàn…).

Thứ tư, cải cách Tòa án trong mối quan hệ với cơ chế thực thi quyền lực Nhà nước, với yêu cầu xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước. Nói cách khác, cần đổi mới, cải cách tư pháp một cách tổng thể, đồng bộ, liên thông với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai tr bảo vệ quyền con người của Ta án nhân dân