Văn hóa - Du lịch

Phát triển công nghiệp văn hóa: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức

Minh Anh 23/12/2023 - 07:08

Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật kết hợp cùng quá trình tạo thành sản phẩm để hình thành ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Trong những năm qua, văn hoá Việt Nam đã có những bước tiến để hòa nhập khá nhanh vào dòng chảy công nghiệp văn hoá thế giới. Tuy nhiên, để bứt phá mạnh mẽ thì cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Công nghiệp văn hóa - theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT - là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật, song quá trình tạo thành sản phẩm công nghiệp văn hóa không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, mà bắt đầu từ sáng tạo để một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.

nhacdantoc.jpg
Công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo.

Trong thời gian qua, công nghiệp văn hoá Việt Nam đang từng ngày đổi mới và có những dấu ấn riêng. Nằm trong dòng chảy của những làn sóng công nghiệp văn hóa mạnh nhất thế giới, công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng được định hình.

Bức chân dung dần hình thành với những thương hiệu "quốc dân" như phim giờ vàng của VTV, Rap Việt, phim điện ảnh của Trấn Thành, câu chuyện âm nhạc của Hà Anh Tuấn, nhạc kịch Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, À ố show, thực cảnh Ký ức Hội An…

Tất cả giúp cho nền công nghiệp văn hóa non trẻ của ta tập hợp được một đội ngũ những người tiên phong khai mở thị trường. Như vậy, đánh giá một cách khách quan, Việt Nam cũng có những thuận lợi, tiềm năng vô cùng lớn để phát triển công nghệ văn hoá.

Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo được biểu hiện qua văn hóa truyền thống (di sản, di tích, lễ hội, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ thuật truyền thống...) và những giá trị văn hóa đương đại (bảo tàng, trung tâm trình diễn nghệ thuật đương đại, các loại hình nghệ thuật mới...). Thị trường khu vực châu Á đang mở rộng cũng là một cơ hội lớn mở ra cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Việt Nam có dân số trẻ, trình độ dân trí ngày càng cao, sức sáng tạo dồi dào, trình độ công nghệ, kĩ thuật tốt, năng động trong tiếp cận với thị trường văn hóa.

Thị trường nội địa lớn bảo đảm tiềm năng tiêu thụ sản phẩm của các tiểu ngành trong ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, thị trường khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng cũng là một cơ hội lớn mở ra cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo ra các cơ hội thuận lợi để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sáng tạo, sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa, mở rộng khả năng hợp tác thương mại văn hóa ra thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật, nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hoá đúng nghĩa.

Nguyên nhân có thể do các ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở nước ta hiện nay mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. Các chủ thể tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn chưa nhanh nhạy cả trong nhận thức cũng như trong thực tiễn.

Khối các doanh nghiệp nhà nước còn trì trệ, trông chờ vào sự bao bọc, che chở từ Nhà nước, thiếu năng động. Khối các doanh nghiệp ngoài nhà nước thiếu cơ chế, nguồn lực để phát triển.

1e7f346a3cc480c1121a28cdb2ea01_l.jpg
Nằm trong dòng chảy của những làn sóng công nghiệp văn hóa mạnh nhất thế giới, công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng được định hình.

Cơ bản, hiện quá trình sản xuất - phân phối và phổ biến các sản phẩm văn hóa vẫn chủ yếu do các đơn vị nhà nước đảm nhiệm, các đơn vị tư nhân chủ yếu tham gia nhiều ở khâu lưu thông trên thị trường, song tất cả vẫn đang manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp.

Nếu so với nền công nghiệp văn hóa các nước phát triển, thì các hoạt động đang diễn ra trong lĩnh vực này ở nước ta còn một khoảng cách khá xa. Nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, các trò chơi trực tuyến... đang rất manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp và có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý của Nhà nước.

Đó là sự hợp tác giữa khu vực công và các doanh nghiệp văn hóa chưa cao. Khu vực công có thể là một thị trường lớn cho ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, Nhà nước hiếm khi thu mua từ nguồn bên ngoài khu vực này. Trên thị trường các sản phẩm công nghiệp văn hóa đang tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền với phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa, như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi trực tuyến, thời trang, thiết kế,...

Vi phạm bản quyền khiến người sáng tạo, các nhà sản xuất sản phẩm và dịch vụ ít cơ hội thu được lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm, phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp ở nhiều ngành (ví dụ như âm nhạc, thiết kế, thời trang,...).

Sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về các quy định pháp lý của các doanh nghiệp khiến họ thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp. Việc vi phạm bản quyền được coi là nguy cơ nhìn thấy được về sự thất bại của thị trường công nghiệp văn hóa ở nước ta, nếu chúng ta không đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.

Một chiến dịch nâng cao nhận thức và đào tạo về tác quyền trong ngành công nghiệp văn hóa sẽ là hết sức cần thiết trong thời gian tới nhằm cải thiện thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở nước ta.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: "Các ngành công nghiệp văn hóa là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Như vậy, việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng, các ngành này đã đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa."

Hiện nay, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa còn có các độ chênh khác nhau về chủ thể định hướng và đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Có nước xếp lĩnh vực này vào thành một bộ phận của kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.

hoahau-the-gioi.jpg

Ở nước ta, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý đa phần các lĩnh vực liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa.

Cần phải nhận diện rõ vai trò và vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước, chủ thể của công nghiệp văn hóa, sự phân định giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế khác trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cng nghiệp văn ha: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức