Trong những năm gần đây, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với sự đầu tư mạnh mẽ và nỗ lực đa dạng hóa các loại hình du lịch như sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng và khám phá, Măng Đen không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn ghi điểm trong lòng du khách quốc tế. Nơi đây hứa hẹn mang đến cho mọi người những trải nghiệm tuyệt vời khi khám phá thiên nhiên hoang dã, văn hóa bản địa độc đáo và tìm kiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Xác định phát triển du lịch là một trong những lợi thế lớn của huyện, ngày 19/4/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU “Về đẩy mạnh phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2025”.
Bám sát mục tiêu này, Huyện ủy Kon Plông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đa dạng các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế vùng Măng Đen dựa trên điều kiện tự nhiên và văn hóa sẵn có. Trước hết là phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa để tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng, mở ra khả năng kết nối sản phẩm du lịch trong cả nước.
Huyện đã kêu gọi đầu tư các dự án về du lịch có quy mô và chất lượng, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Cùng với đó là hình thành hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch.
Với nhiều giải pháp hiệu quả, các chỉ tiêu phát triển du lịch tại Măng Đen đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, khu vực này đã đón gần 3,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 35.000 lượt khách quốc tế. Nguồn thu từ du lịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu đạt 180 tỷ đồng năm 2022, 110 tỷ đồng năm 2023, và dự kiến sẽ đạt 0 tỷ đồng trong năm 20. Những con số ấn tượng này phản ánh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Măng Đen trong lòng du khách.
Hiện toàn huyện có 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ. Trong đó có hơn 1.200 phòng nghỉ đảm bảo phục vụ cho khoảng 5.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Công suất sử dụng phòng đạt 65-70%, các kỳ nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng thường ở mức 100%. Doanh thu từ du lịch giai đoạn 2016-2023 đạt khoảng 574 tỷ đồng.
Để chủ động nguồn nhân lực làm du lịch, huyện đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hướng nghiệp nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch. Các trường học mở 41 lớp truyền dạy cồng chiêng, không chỉ nhằm bảo tồn không gian văn hóa đặc sắc mà còn phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời, huyện cũng tích cực thu hút sinh viên mới ra trường, đặc biệt là những người có trình độ từ các thành phố du lịch phát triển như Đà Nẵng và Nha Trang, về làm việc tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Ông Bùi Viết Hà – Chủ tịch Hội du lịch Măng Đen cho biết, ngoài các khách sạn, cơ sở lưu trú, huyện Kon Plông còn có các làng du lịch cộng đồng, các homestay của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu lưu trú, trải nghiệm của du khách.
Các loại hình du lịch được phát triển theo hướng đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh và cùng với đó là nhiều hoạt động thể thao, dã ngoại. Ngoài ra, còn có các loại hình du lịch thương mại như tham quan, trải nghiệm các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, các cửa hàng bày bán sản phẩm đặc trưng của địa phương và các điểm trồng dược liệu dưới tán rừng, …
“Việc phát triển đa dạng hóa loại hình du lịch đã giúp Măng Đen thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Đồng thời các nhà đầu tư cũng có nhiều cơ hội để đầu tư. Du khách khi đến với Măng Đen sẽ trải nghiệm được nhiều loại hình du lịch, không bị nhàm chán giống với các nơi khác, mang lại trải nghiệm thú vị, khó quên”, ông Hà nhận định.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, trong những năm qua UBND huyện đã chỉ đạo cải tạo các hồ, thác gắn với truyền thuyết 7 hồ 3 thác và các điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận để phục vụ khách du lịch đến tham quan. Các điểm du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 07 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Trong thời gian tới, tiếp tục hướng dẫn làm hồ sơ công nhận thêm các điểm du lịch mới như: Khu Đức Mẹ Măng Đen, Điểm du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen, điểm du lịch hồ Toong Rpoong (Hồ Đăk Ke) và các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện...
”Ngoài ra, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức hội thảo, gặp gỡ những người cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng để hoàn chỉnh công tác sưu tầm tư liệu liên quan đến các lễ hội truyền thống, các nét văn hóa độc đáo, các truyền thuyết về khu đất Măng Đen... trên địa bàn. Trong đó, truyền thuyết có tính chất cốt lõi, được coi như linh hồn của khu du lịch sinh thái Măng Đen chính là Truyền thuyết "bảy hồ, ba thác" của dân tộc Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) đã được biên tập, chỉnh lý hoàn thiện, phổ biến rộng rãi. Những trầm tích văn hóa quý giá được khơi dậy và phát huy đã làm tăng thêm sức hút đối với du khách gần xa đến du lịch trên địa bàn”, ông Thắng chia sẻ.
Có thể nói, sau 8 năm ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU “Về đẩy mạnh phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2025”, các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được cải thiện. Hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch được xây dựng đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở lưu trú tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng, đã hình thành cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao. Cùng với đó, nhiều dự án phát triển du lịch đã được đầu tư và đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách du lịch đến Măng Đen.
Đặc biệt trong những năm gần đây, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và người dân cùng chính quyền trong việc phát triển du lịch mang tính bền vững, thân thiện được thể hiện rõ nét trong từng nội dung, công việc cụ thể. Điều này thể hiện sự đồng thuận của các cấp, các ngành và Nhân dân cùng chính quyền cho du lịch Măng Đen phát triển lên một tầm cao mới.
Thực hiện: Văn Hà