Giao thông

Phía sau những bản án vi phạm an toàn giao thông

Đ. Việt 07/12/2023 20:02

Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại mỗi phiên tòa luôn được HĐXX giải thích, phân tích thấu đáo. Việc này không chỉ giúp bị cáo nhận thức pháp luật về hành vi của mình mà qua đó ngăn ngừa và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần giảm các vụ việc vi phạm an toàn giao thông và các nguy cơ tai nạn giao thông.

Gia tăng tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, tuyên truyền về an toàn giao thông cho lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng luôn được các cấp, ngành, đoàn thể và nhà trường triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Thông qua công tác tuyên truyền, sự nhận thức về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh chưa chấp hành tốt Luật Giao thông dẫn đến không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.

xet-xu-luu-dong.jpg
TAND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên tòa xét xử lưu động về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả đến các em học sinh.

Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 563 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh làm 329 em tử vong, 528 em khác bị thương. So với năm 2022, con số vụ tai nạn và tử vong liên quan đến học sinh có xu hướng gia tăng. Trong đó, một số lỗi vi phạm luật giao thông liên quan đến thanh thiếu niên thường mắc phải có thể kể đến như không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường hay lạng lách đánh võng…

Mới đây, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào chiều ngày 20/9/2023 tại xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An khiến 2 học sinh tử vong, 3 học sinh khác bị thương nặng.

Hai học sinh đi trên một xe máy, lưu thông trên Quốc lộ 48E, khi đến địa bàn xã Quỳnh Liên, va chạm với xe máy khác (trên xe có 3 học sinh, gồm 2 nam và 1 nữ) đang lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ va chạm rất mạnh khiến 2 xe máy bị văng ra xa và hư hỏng. Cả 5 học sinh đi trên 2 xe bị thương nặng, trong đó có 2 nạn nhân tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Một vụ tai nạn giao thông khác xảy ra vào tối 25/10, tại đường liên xã Ia Lâu đi xã Ia Ga (đoạn qua thôn Pác Bó, Ia Lâu) huyện Chư Prông, Gia Lai giữa 2 xe máy đi ngược chiều khiến 4 thanh thiếu niên tử vong.

Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ nạn giao thông cho thấy phần lớn do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không quan sát, chở quá số người quy định… Hậu quả từ các vụ tai nạn giao thông rất nặng nề, không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nạn nhân mà còn tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội, người thân và gia đình.

Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Các cá nhân gây ra tai nạn hoặc vi phạm các quy định về an toàn giao thông đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Theo thống kê của TANDTC, tính từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/09/2021, hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử 10.508 vụ án liên quan đến tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông với 10.880 bị cáo.

Theo Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Thời gian qua, hệ thống TAND các cấp đã chủ động tổ chức xét xử hàng nghìn vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thu hút sự quan tâm rộng rãi của đông đảo người dân; qua đó, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cộng đồng, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

pho-chanh-an-nguyen-tri-tue.jpg
Theo Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và quan trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo Tòa án các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai thực hiện; lồng ghép mục tiêu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các đề án, kế hoạch hoạt động hàng năm của từng đơn vị; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tổ chức xét xử, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người dân.

Nhấn mạnh, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và quan trọng, Phó Chánh án thường trực TANDTC cho rằng, mỗi phiên tòa cũng giống như một bài báo, một kênh thông tin để người dân hiểu được hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm minh, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và phòng tránh cho mình. Thông qua xét xử của Thẩm phán, mọi người thấy rằng bất cứ hành vi phạm pháp luật nào đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định.

Theo Phó Chánh án thường trực Nguyễn Trí Tuệ, đối với mỗi bản án vi phạm các quy định an toàn giao thông, nếu không bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án sẽ thực hiện công bố các bản án trên Cổng thông tin điện tử. Việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử, không chỉ góp phần cung cấp thông tin kịp thời đến với người dân để nhân dân đánh giá, các cơ quan giám sát, mà còn giúp các Thẩm phán cẩn thận, chu đáo hơn trong quá trình viết bản án cũng như nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, dữ liệu các bản án về giao thông còn là nguồn để các cơ quan báo chí tuyên truyền đến người dân. Thông qua phản ánh của báo chí, người dân hiểu hơn các quy định của pháp luật để phòng tránh tốt hơn. Những bản án vi phạm về trật tự an toàn giao thông dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ có tính răn đe rất cao nếu được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc một người vi phạm giao thông phải chịu một mức án cụ thể sẽ có tính giáo dục hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Vào ngày 9/12/2023 tại Hội trường B2 Trụ sở TANDTC, số 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sẽ diễn ra Chương trình “Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định”, với sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế.

Theo đó, từ hồ sơ vụ án, chương trình xây dựng các video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử.

Chương trình sẽ có sự tương tác giữa người dẫn chương trình, Cảnh sát giao thông, Thẩm phán và các học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn TP. Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau những bản án vi phạm an ton giao thng