Sáng 12/7, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2017 v dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 v dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Rà soát việc thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội
Cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội với 3 kỳ họp trong năm; đặc biệt là bộ máy nhân sự của Quốc hội có sự thay đổi và chuyển giao nhiệm vụ, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, trong đó có nhiệm vụ về lĩnh vực giám sát. Cho đến thời điểm hiện nay, qua theo dõi, tổng hợp cho thấy, chương trình giám sát đã được thực hiện theo đúng kế hoạch; chương trình giám sát đề ra cho năm 2016 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, mong đợi của cử tri, bám sát tình hình thực tế. Các chuyên đề được lựa chọn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đã và đang được các cơ quan của Quốc hội triển khai tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã xem xét, cho ý kiến bước đầu, làm cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát thường xuyên như giám sát văn bản quy phạm pháp luật, xem xét các báo cáo, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch, đóng góp vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất các tiêu chí lựa chọn giám sát. Theo đó việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề phải là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật; không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 đến 5 năm tính đến thời điểm đề xuất; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Về số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong năm 2017, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban bên cạnh việc thực hiện giám sát chuyên đề của mình còn phải giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tối cao nên theo Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban lựa chọn các chuyên đề phù hợp, báo cáo để Tổng thư ký Quốc hội thực hiện điều phối hợp lý, tránh chồng chéo. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thành phần đoàn giám sát phải gọn nhẹ, thiết thực, tránh việc địa phương 2 đoàn giám sát đến làm việc...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá giám sát chuyên đề về ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những giám sát hiệu quả thấp nhất của Quốc hội vì thực tế nhiều văn bản ban hành nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cần tập trung cao cho nội dung này, uốn nắn đúng "đường ray" đó là hướng dẫn thi hành pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm trong khóa XIII và các khóa trước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã giám sát rất nhiều nội dung, ra nhiều nghị quyết giám sát, đến nay các nghị quyết đó vẫn còn giá trị. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị các các cơ quan chuyên môn cần rà lại tất cả các nghị quyết giám sát để báo cáo Quốc hội những nội dung nào đã được thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện, lý do vì sao chưa thực hiện để Quốc hội biết, qua đó theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện các nội dung nghị quyết giám sát đã ban hành. Quan điểm này của đại biểu Lê Thị Nga nhận được nhiều sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Q.H)
Chủ trì thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ các cơ quan hữu quan của Quốc hội cần rà soát tổng thể các nghị quyết giám sát đã được ban hành được thực hiện đến đâu, trình Quốc hội. Trên cơ sở phân tích sự cần thiết dựa trên các tiêu chí lựa chọn đã được thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dự kiến nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 trình Quốc hội xem xét gồm: Hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 sẽ do Quốc hội giám sát tối cao. Hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát.
Ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Tờ trình dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đánh giá: Tổng số các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII là 8 dự án, gồm dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, 136 dự án luật, bộ luật, 03 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh và 03 dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 01 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 09 pháp lệnh và 03 nghị quyết; hầu hết các dự án còn lại đã được đưa vào Chương trình năm 2016 và được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2017.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, cụ thể là: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; số lượng các dự án còn nhiều, không tương xứng với năng lực, tổ chức, bộ máy; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, vẫn mang tính nguyên tắc chung, nên hiệu quả điều chỉnh, tính khả thi chưa cao; việc triển khai thực hiện luật còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình...
Về việc áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh tán thành với các nội dung phân tích trong Tờ trình. Để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV (tháng 07/2016), việc lập dự kiến Chương trình, bao gồm cả việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị và việc phân tích, đánh giá chính sách... đã được các chủ thể đề nghị, kiến nghị thực hiện từ trước ngày 01/7/2016 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Vì vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ, chất lượng trong công tác hoạch định chính sách để xây dựng, chuẩn bị dự án luật trình Quốc hội, đề nghị đối với những dự án được Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 thì việc soạn thảo, thẩm định sẽ tiếp tục áp dụng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Chủ trì thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: về các dự án điều chỉnh của năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ sẽ thông qua tại 2 kỳ họp. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ cho ý kiến, và thông qua tại kỳ họp thứ hai. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ Bộ Khoa học và Công nghệ muốn giải quyết vướng mắc, bất cập và bổ sung một số điều mới để khắc phục tình trạng không đưa những công nghệ cũ vào, nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ mới, hiện đại, giải quyết những yêu cầu thực tế đặt ra. Để đảm bảo chất lượng của luật, đề nghị sẽ xem xét tại 2 kỳ họp, nhưng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, Quốc hội thấy rằng chất lượng bảo dảm rồi, cần thông qua ngay thì Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này tại kỳ họp - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ mong muốn tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, tạo ra khuôn khổ pháp lý. Đây là luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan tới đầu tư kinh doanh. Hiện hồ sơ chưa đủ để các cơ quan chức năng thẩm tra, nên đề nghị Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị kỹ dự án Luật, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV. Trong thời gian đó các ủy ban của Quốc hội sẽ thẩm tra các dự án luật, nếu thấy đủ điều kiện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đồng ý cho sửa đổi bổ sung luật này và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật hành chính công sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; chưa bổ sung dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...
Về dự án Luật Biểu tình, Tờ trình nêu rõ: dự án này đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình.
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 50.