Chị Tuyết luôn luôn cố gắng tự học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để tìm được những phương pháp vận dụng đầy đủ, chính xác quy định của pháp luật vào công tác chuyên môn.
Nữ Thư ký Tòa án mẫu mực và nhiệt huyết
Nhiệt huyết, tận tụy với công việc, mạnh dạn sáng tạo và có nhiều giải pháp, sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận, đánh giá cao; được triển khai áp dụng vào thực tiễn tại đơn vị và trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Hà Nam, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Thị Tuyết là một tấm gương điển hình tiên tiến thuộc TAND tỉnh Hà Nam trong học tập và làm theo Bác.
Chị Tuyết chia sẻ: “Bản thân tôi luôn cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực… Người từng nói, tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Ðảng dìu dắt".
Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác đối với Tòa án là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, cùng với truyền thống vẻ vang của hệ thống TAND; trong những năm qua, chị luôn nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện bản thân với phương châm “Gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân”, để góp phần nhỏ bé xây dựng Tòa án hai cấp tỉnh Hà Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Mới đây, chị Tuyết được được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích từ năm 2019 đến năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian đó, chị đã được tặng nhiều Bằng khen của Chánh án TANDTC, danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND; hàng loạt sáng kiến của chị được áp dụng trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Hà Nam.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình trong một gia đình tri thức, ngay từ nhỏ chị Nguyễn Thị Tuyết đã chăm chỉ, nỗ lực không ngừng trong học tập. Tháng 5/1998, chị được tuyển dụng vào công tác tại TAND huyện Kim Bảng, đến tháng 5/2005 chị được điều động về công tác tại TAND tỉnh Hà Nam, với chức danh tư pháp là Thư ký Tòa án.
Hơn 25 năm gắn bó với TAND, chị đã tự trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Từ năm 2019 đến nay, với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Bộ phận hành chính tư pháp, chị được lãnh đạo giao trọng trách và công việc nhiều hơn; đảm nhiệm, điều hành toàn bộ các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận hành chính tư pháp.
Trong 5 năm (từ năm 2019 đến 2023), đơn vị Văn phòng đều đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; đã có 85 lượt cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; lượt cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 01 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua TAND”; 08 lượt cá nhân được tặng “Bằng khen” của Chánh án TAND và Chủ tịch UBND tỉnh; 28 lượt cá nhân được tặng “Giấy khen” của Chánh án TAND tỉnh do có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.
Chị cho biết, Văn phòng là bộ phận quan trọng trong bộ máy giúp việc của TAND tỉnh: Thực hiện công tác văn thư lưu trữ, quản lý con dấu, hành chính quản trị, kế toán tài chính… giúp việc cho Chánh án TAND tỉnh quản lý công sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động của TAND hai cấp trong tỉnh theo thẩm quyền; có nhiệm vụ quản lý mọi công việc của bộ phận hành chính tư pháp và phục vụ công tác xét xử của TAND tỉnh… Vì vậy, khối lượng công việc rất nhiều.
Xác định công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh xã hội trên địa bàn, chị đã chỉ đạo Bộ phận hành chính tư pháp tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng pháp luật, không để đơn thư tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Trung bình mỗi năm, chị cùng với Bộ phận hành chính tư pháp tiếp khoảng trên 2.000 lượt công dân. Trong mắt người dân cũng như đồng nghiệp, chị là người có thái độ cởi mở, hòa nhã, tỉ mỉ và nhiệt tình. Những ý kiến của công dân chị đều ghi chép đầy đủ, phản ánh kịp thời đến lãnh đạo Tòa án để giải quyết đúng thời hạn, không để xảy ra bức xúc nhằm hạn chế các vụ việc khiếu nại.
Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực
Chị Tuyết đã cùng đồng chí Bí thư triển khai, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến toàn thể đảng viên, công chức trong Văn phòng; lựa chọn nội dung xây dựng mô hình “Cải cách thủ tục hành chính tư pháp” để đăng ký với Đảng ủy Tòa án tỉnh và Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh về học tập làm theo Bác.
Với nỗ lực và quyết tâm cao, mô hình “Cải cách thủ tục hành chính tư pháp” của Chi bộ Văn phòng đã được Đảng ủy TAND tỉnh lựa chọn là mô hình điểm. Bởi đây là mô hình mới, có hiệu quả để triển khai thực hiện và nhân rộng, bảo đảm phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng như các hoạt động của Tòa án hai cấp trong tỉnh.
Năm 2019, 2020, 2021 mô hình “Cải cách thủ tục hành chính tư pháp” tiếp tục được triển khai, nhân rộng đến 6/6 Tòa án cấp huyện trong tỉnh.
Mô hình “Cải cách thủ tục hành chính tư pháp” hay còn gọi “Hành chính tư pháp một cửa” được TANDTC đánh giá cao và các đơn vị Tòa án trong Cụm thi đua đến tham quan học tập, rút kinh nghiệm; được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh lựa chọn là mô hình tiêu biểu và tặng “Giấy khen”.
Ngoài ra, chị còn giúp việc cho các Thẩm phán tham gia, giải quyết xét xử các loại vụ án; làm Thư ký Hội nghị Ủy ban Thẩm phán, Hội nghị trao đổi nghiệp vụ, Hội nghị giao ban tháng và các Hội nghị đột xuất khi được lãnh đạo phân công. Mặc dù khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy, nhưng chị luôn cố gắng đảm bảo công việc đúng tiến độ, không để xảy ra sai sót.
Bản thân chị Tuyết luôn cố gắng tự học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn; tích cực nghiên cứu các Bộ luật, luật mới và các văn bản, tài liệu nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm để từ đó tìm ra các giải pháp, phương pháp vận dụng đầy đủ, chính xác quy định của pháp luật vào công tác chuyên môn ngày một tốt hơn. Dù ở vị trí tham mưu hay trong công tác trực tiếp, chị đều hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.
Trong công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị Tuyết đã cùng Ban Chi ủy, Bí thư Chi bộ kịp thời quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước đến đảng viên, công chức trong đơn vị. Bản thân luôn cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực.
Trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày, bản thân chị luôn giữ gìn nếp sống giản dị, gương mẫu, làm tốt nhiệm vụ của người công dân, người đảng viên; chấp hành tốt và giáo dục vận động các thành viên trong gia đình cùng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của TAND và tỉnh phát động.
Ngoài ra, chị Tuyết còn tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện do chính quyền, đoàn thể phát động bằng việc đóng góp nhiều ngày lương ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai, quỹ nghĩa tình TAND. Tích cực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một thành viên trong các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, nữ công, Hội Luật gia.
Trước mỗi nhiệm vụ được giao, ý thức trách nhiệm của chị luôn được phát huy ở mức cao nhất với tinh thần vì tập thể. Chị luôn đặt ra những mục tiêu mang tính đột phá, luôn không ngừng tiến về phía trước, vượt qua chính mình để đạt tới những kết quả cao nhất. Nỗ lực của chị không dừng lại ở việc đạt được thành tích tốt, mà cao hơn là để khẳng định vai trò của công tác văn phòng trong hệ thống Tòa án.
Chị Tuyết đã có nhiều giải pháp, sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận, đánh giá cao; được triển khai áp dụng vào thực tiễn tại đơn vị và trong hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp, cụ thể: “Nâng cao văn hóa công sở là động lực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện” (Quyết định công nhận sáng kiến số 289/QĐ-TA-TĐKT, ngày 02/10/2019 của Chánh án TAND tỉnh); “Áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào thực tiễn trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của Tòa án và góp phần xây dựng Tòa án thân thiện” (Quyết định công nhận sáng kiến số 793/QĐ-SKHCN, ngày 07/12/2020 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam); “Nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND tỉnh Hà Nam hướng tới xây dựng Tòa án điện tử” (Quyết định công nhận sáng kiến số 880/QĐ-SKHCN, ngày 29/11/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam); “Nâng cao chất lượng phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội” (Quyết định công nhận sáng kiến số 967/QĐ-TA-TĐKT, ngày 19/10/2022 của Chánh án TAND tỉnh); “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện Tòa án điện tử hướng tới xây dựng Tòa án thông minh” (Quyết định công nhận sáng kiến số 911/QĐ-TA-TĐKT, ngày 06/10/2023 của Chánh án TAND tỉnh).