Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) phối hợp với Cục Chính trị và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tổ chức chương trình Truyền thông hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động phòng, chống mua bán người” năm 20.
Chương trình diễn ra vào sáng ngày 26/6, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban PNQĐ chủ trì chương trình.
Tham dự chương trình có Thiếu tướng Trần Duy Hòa, Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới/Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng Cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng Cơ quan chính trị các cơ quan, đơn vị; Thủ trưởng Cục Chính trị, Thủ trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng); lãnh đạo, chỉ huy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa; đại biểu các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa và phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Liên Hợp quốc đã xác định đây là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay và được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.
Tại Việt Nam, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đa số thuộc các dân tộc thiểu số, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Hành động mua bán người đã xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống mua bán người hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của tất cả mọi người dân trong xã hội.
Những năm qua, Quân đội nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Ban Phụ nữ Quân đội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong chương trình “Tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phụ nữ Quân đội và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở”, “Phụ nữ Quân đội đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện đời sống cho phụ nữ, trẻ em các xã vùng biên giới.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh với các hành vi mua bán người, vẫn rất cần có sự vào cuộc, sự quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng chung tay góp sức để giảm thiểu tối đa tình trạng mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ và trẻ em.
Tại chương trình truyền thông, các thông điệp về phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, hành động vì trẻ em được chuyển tải đến các đại biểu thông qua phóng sự, tiểu phẩm và chuyên đề như: phóng sự “Quân đội chung tay phòng, chống mua bán người” do Điện ảnh Biên phòng thực hiện; tiểu phẩm “Thức tỉnh” do các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát Kịch nói Quân đội thể hiện; chuyên đề “Phương thức, thủ đoạn lôi kéo nạn nhân mua bán người và biện pháp phòng, tránh; công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu của Bộ đội Biên phòng” với sự giới thiệu của Đại tá Nguyễn Trung Việt, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng...
Đây là lần đầu tiên, hoạt động truyền thông của Phụ nữ Quân đội hướng tới Tháng hành động phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7. Bởi vậy, cùng với mục đích thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phụ nữ quân đội còn hướng tới sự chung tay vào cuộc, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ và trẻ em; từ đó có hành động cụ thể, thiết thực trong phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi mua bán người, chăm lo xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Phụ nữ Quân đội đã trao 10 suất quà, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng tặng các cán bộ, nhân viên Bộ đội Biên phòng có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người. Phối hợp với các đơn vị: Tổng cục Hậu cần, Binh chủng Đặc công, Binh đoàn 18, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban Phụ nữ Quân đội đã tặng quà động viên các cháu học sinh tiêu biểu, học sinh vượt khó học giỏi là con của cán bộ, nhân viên thuộc Quân khu 4, Bộ đội Biên phòng, Kho K895/Cục Quân khí/Tổng cục Kỹ thuật và Nhà máy Z111/Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa. Tổng trị giá quà tặng của chương trình là 70 triệu đồng.
Tin tưởng rằng, từ kết quả ban đầu của của chương trình truyền thông, với sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, hoạt động hưởng ứng Tháng hành động sẽ đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mua bán người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình Việt Nam.