40 năm ngy báo chí đấu tranh ở Si Gn v miền Nam “Ký giả xuống đường đi ăn my”
Chính trị - Ngày đăng : 10:, 21/06/2014
Cuộc biểu tình, chống lại các chế độ mới thi hành đầy hà khắc của Mỹ - Ngụy áp dụng lên đội ngũ báo chí tại Sài Gòn và miền Nam.
Báo chí yêu nước miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, ngoài những cơ quan chủ lực của lực lượng báo chí vũ trang, còn có lực lượng báo chí rộng rãi, công khai ở ngay Sài Gòn. Đó là các báo: Chính luận (do Đặng Văn Sung là chủ bút); Chánh đạo (do Thượng tọa Thích Hộ Giác là chủ bút); Dân chủ, Dân chúng (Trần Nguyên Anh chủ bút); Sài Gòn mới (do bà Bút Trà chủ bút); Tia sáng (Nguyễn Trung Thành là chủ bút); Thời sự miền Nam (do Tô Danh Út là chủ bút); Thần chung (do ký giả nổi tiếng Nam Đình làm chủ bút)… Đây là những tờ báo phát hành công khai tại Sài Gòn và miền Nam, đã có xu hướng tiến bộ, hướng về cách mạng tại đô thành Sài Gòn, nhất là báo Thần chung. Ngày nay, chúng ta vào Cục lưu trữ Văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh xem thì thấy tờ báo có ngôn ngữ đặc sắc Nam Bộ, thường xuyên có các bài về các nhân vật anh hùng, các sự kiện lịch sử của đất nước, cũng như những vấn đề về Nam bộ, các biến cố lịch sử Nam Bộ… được công chúng Sài Gòn đón đọc và đánh giá rất cao.
Những “ký giả xuống đường đi ăn mày” - đấu tranh trong ngày 10/10/1974
(Ảnh tư liệu)
Tại nội thành Sài Gòn, sự kiện “Ký giả xuống đường đi ăn mày” đã lan rộng trong dư luận thế giới, trở thành một sự kiện lớn của báo chí trước năm 1975 tại miền Nam. Trong những năm cầm quyền, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng nhiều hình thức đàn áp báo giới và các giới trí thức, sinh viên, học sinh Sài Gòn. Năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007 của Chính quyền Sài Gòn, với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký quỹ, đành đóng cửa (thực chất là chính quyền cấm cản các báo chí theo xu hướng cách mạng). Theo Sắc luật 007, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn đã dùng “bàn tay sắt” đối với giới báo chí. Sau khi Sắc luật này ra đời, nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị đi tù. Khi thực hiện Sắc luật này, tại Sài Gòn có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp đấu tranh, ổn định lại tình hình báo chí ở Sài Gòn - trung tâm báo chí của miền Nam.
Nhà thơ, nhà báo Kiên Giang - Hà Huy Hà, một trong những người chủ chốt của phong trào đó kể cho chúng tôi nghe: Hình thức đấu tranh “Ký giả xuống đường đi ăn mày” đã được Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt thống nhất cao về quan điểm. Và, ngay sau đó, Nghiệp đoàn đã cử ra các đại diện của Ban Tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (Chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu Tổng Thư ký tòa soạn Báo Buổi sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam; Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng dội miền Nam và là người khởi xướng Giải thưởng cải lương Thanh Tâm), nhà thơ - nhà báo - soạn giả Kiên Giang (tức Hà Huy Hà); nhà báo Tô Nguyệt Đình (tức Nguyễn Bảo Hóa)... đã kết gắn nhau, vì mục đích chung đấu tranh cho công luận, bảo vệ quyền lợi cho những người làm báo.
Ban Tổ chức ngày báo chí xuống đường đi ăn mày đã quyết định chọn ngày 10/10/1974 làm ngày lực lượng xuống đường biểu tình. Các vật dụng được giới báo chí đã chuẩn bị kỹ, đó là: Nón lá, bị, gậy (các vật dụng của kẻ đi ăn mày). Các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ “10/10/1974, ngày ký giả đi ăn mày”. Các lực lượng nhà báo cũng được bố trí vòng trong, vòng ngoài, để sẵn sàng đối phó với việc bị khủng bố từ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Về phía Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, tuy dưới sự kìm kẹp của chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn, nhưng đã báo cho chính quyền Sài Gòn, chính thức thông báo ngày giờ sẽ diễn ra cuộc biểu tình.
Suốt trong ngày 9/10/1974, rất nhiều thành phần trong giới báo chí, quần chúng cảm tình với báo chí, nghị sĩ, dân biểu... đã đến Câu lạc bộ báo chí (lúc đó là số Lê Lợi, quận Nhất) để bày tỏ cảm tình, tiếp tế bánh mỳ, thuốc lá, cà phê, các loại nước giải khát… và các vật dụng cần thiết cho anh em báo giới chuẩn bị đứng lên đấu tranh với chính quyền Mỹ - Thiệu ngay tại Sài Gòn.
Một điều đáng chú ý là dù kẻ địch đàn áp, truy bức khắc nghiệt báo giới nhưng tất cả những tờ báo yêu nước lúc đó, dù có tòa soạn ở ngay trung tâm Sài Gòn hay tại vùng chiến khu, các cơ sở in ấn, giấy in báo… của Nhà in Giải Phóng do Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo đều được các cơ sở mật của ta lấy và đưa ra từ ngay nội đô Sài Gòn. Sự liên hệ tin tức, công tác tiếp liệu in ấn báo giữa báo chí nội đô Sài Gòn và trong vùng chiến khu đều rất chặt chẽ, bí mật, an toàn và đầy hiệu quả.
Nhìn về thời cuộc lúc đó, cuộc chiến tranh “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đang có nguy cơ đi từ thất bại này đến thất bại khác… Hành động đứng lên đấu tranh công khai, phá chính quyền Sài Gòn - khi năm 1974, chế độ Ngụy quyền Sài Gòn dám thủ tiêu những nhà báo, người yêu nước, thì sự hiên ngang của các nhà báo tại Sài Gòn và Nam Bộ là những hành động quả cảm. Đây chính là một thành công lớn của các nhà báo yêu nước, mà sau này trở thành những trang sử sáng ngời của lực lượng báo chí cách mạng miền Nam, góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến đi tới ngày toàn thắng của dân tộc ta.