Nhiều bị cáo tiếp tục ni lời hối hận trong vụ án xảy ra tại Đồng Tâm
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 21:45, 09/09/2020
Các luật sư ghi nhận, đánh giá cao
Theo đó, sau khi nghe đại diện VKSND TP Hà Nội trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, trong đó có việc thay đổi quan điểm truy tố, chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đều đồng thuận và đánh giá cao quyết định chuyển tội danh của VKS đối với 19 bị cáo.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử
Các luật sư bày tỏ, tính khách quan trong hành vi phạm tội của các bị cáo đã được đại diện VKS lắng nghe và ghi nhận. Điều này thể hiện tinh thần dân chủ, tiếp thu và quan tâm của cơ quan công tố trong quá trình xét hỏi các bị cáo.
Cùng với sự ghi nhận, đánh giá cao về quyết định chuyển tội danh của VKS, nhiều luật sư đã đưa ra các luận cứ, tình tiết giảm nhẹ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.
Theo đó, trong phần bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Bùi Đình Ứng, người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Tiến cảm ơn đại diện VKS đã thay đổi quan điểm truy tố đối với bị cáo và đề nghị HĐXX xem xét, chấp nhận quan điểm của đại diện VKS. Vị luật sư này cho rằng, bị cáo Tiến đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng.
Ngoài ra, bị cáo Tiến không có tiền án tiền sự, chưa học hết tiểu học nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế, lại đang mắc bệnh.
Từ quan điểm nêu trên, luật sư Ứng đã đề nghị HĐXX xem xét để quyết định mức án dưới mức án mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị.
Tiếp tục trong phần tranh luận, luật sư Trương Chí Công, người bào chữa cho bị cáo Đào Thị Kim cho rằng, bị cáo Kim không phạm tội “Chống người thi hành công vụ” khi không tham gia “Tổ đồng thuận” hay tổ chức nào liên quan đến Lê Đình Kình. Bị cáo Kim không tham gia các hoạt động tranh chấp đất đai, cũng không được hứa hẹn chia lợi ích đất đai, không trực tiếp góp tiền, hay hiện vật cho “Tổ đồng thuận” nhằm mục đích chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo luật sư, khi cho chồng là bị cáo Nguyễn Quốc Tiến vay tiền, bị cáo Kim cũng không biết mục đích vay tiền của chồng là để đi mua lựu đạn. Tuy nhiên trong phần thẩm vấn chiều ngày 8/9, khai tại tòa, bị cáo Kim đã thừa nhận có tham gia mua dây điện, mua xăng, làm “bom” xăng, làm bùi nhùi và xin lỗi gia đình 3 bị hại. Do đó, luật sư Công đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Kim được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà
Tiếp đến, luật sư Bùi Hải Quảng bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Đục nêu quan điểm, bị cáo Đục đã tham gia chuẩn bị chai xăng, bê gạch đá lên nhà Lê Đình Kình và ném một que bùi nhùi xuống đường nhằm mục đích ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng khi thấy khói bốc lên nhiều thì bị cáo Đục sợ và bỏ chạy.
Luật sư cho rằng, như vậy có thể thấy hành vi của bị cáo Đục đã bỏ giữa chừng. Tuy nhiên trả lời thẩm vấn vào sáng 8/9, bị cáo Đục đã khai nhận có tham gia các công đoạn làm “bom” xăng, làm bùi nhùi, vận chuyển gạch, đá lên trên mái nhà Lê Đình Kình vào đêm 8/1.
Theo đó, luật sư Quảng cho rằng, bị cáo Đục có học thức thấp, nhận thức pháp luật kém nên mới hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Từ phân tích của mình, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Đục được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để bị cáo sớm có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lụa, luật sư cho rằng, bị cáo Lụa có tham gia làm “bom” xăng vì muốn chia sẻ công việc với hàng xóm, nhưng không biết làm “bom” xăng với mục đích gì.
Theo luật sự, bị cáo Lụa có mặt tại nhà Lê Đình Kình vào tối 8/1 là để chơi với vợ của Lê Đình Kình và không tham gia chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Quá trình xét hỏi, bị cáo Lụa cũng khai nhận đã tham gia các công đoạn làm “bom” xăng, vận chuyển gạch, đá để chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo đó, luật sư cho rằng, do bị cáo Lụa có học thức thấp, nhận thức pháp luật kém nên mới tiếp tay cho tội phạm. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt dưới mức đề nghị của đại diện VKS đối với bị cáo Lụa.
Toàn cảnh phiên toà xét xử các bị cáo ngày 9/9
Bị cáo thành tâm sám hối
Cũng tại phiên toà chiều nay, khi tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến thừa nhận do thường xuyên xem video về việc ông Lê Đình Kình và các thành viên "Tổ đồng thuận" kêu gọi bảo vệ đất đồng Sênh nên bị kích động. Khoảng tháng 11/2019, nhận lời đề nghị của bị cáo Lê Đình Công (con ông Kình), Tiến lên mạng đặt mua 10 quả lựu đạn từ người lạ mặt với giá 30 triệu đồng và làm "bom xăng" để ở nhà. Tiến thừa nhận hành vi này của mình là thiếu hiểu biết pháp luật.
Tiến khai tối 8/1 ra nhà ông Kình uống bia cùng mọi người, sau đó say và ngủ lại chứ không có kế hoạch tập trung từ trước. Rạng sáng 9/1, Tiến nghe nhiều tiếng nổ nên tỉnh dậy đốt một quả pháo sáng hưởng ứng.
Bị cáo Tiến phủ nhận là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội. "Tuy tôi không tham gia vận chuyển hung khí, bom xăng, không trực tiếp giết người nhưng vẫn thấy mình đã sai khi có mặt ở hiện trường. Tôi thành tâm sám hối và cảm thấy tội lỗi", bị cáo Tiến nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Tiến cũng cho biết thêm, bị cáo có bố từng 10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bản thân từng tham gia bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến xin HĐXX coi đây là tình tiết giảm nhẹ tội.
Cũng trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển thừa nhận đã sai khi nghe theo "Tổ đồng thuận" thực hiện các hành vi trái pháp luật. Rạng sáng 9/1, Tuyển có mặt ở hiện trường song không ném bom xăng, hung khí về phía cảnh sát. Bị cáo Tuyển nói: "Vì tai nạn nên hiện bị cáo mù hai mắt, cụt tay phải, tay trái cũng bị dị tật. Bị cáo rất ăn năn hối cải, mong HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng".
Giơ tay xin tự bào chữa, bị cáo Lê Đình Công cho rằng "khiếu kiện đất đai là mấu chốt dẫn đến vụ án". Bị cáo thừa nhận đã sai khi nhờ Tiến mua 10 quả lựu đạn và học chế tạo bom xăng để dạy lại cho mọi người. Công phủ nhận là chủ mưu và xin HĐXX cho hưởng khoan hồng.
Sáng mai (10/9), phiên tòa tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận.
Các bị cáo nghe VSK luận tội
19 bị cáo được VKSND TP .Hà Nội quyết định thay đổi tội danh truy tố gồm: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung từ tội “Giết người”, theo quy định tại Điều 123 – BLHS năm 20 sang tội “Chống người thi hành công vụ”, theo quy định tại Điều 330 – BLHS năm 20. |