B Hồ Thị Thủy, Ph Trưởng đon ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cần c cơ chế đảm bảo để Thẩm phán độc lập, khách quan trong hoạt động xét xử
Chính trị - Ngày đăng : 22:44, /07/2014
Đồng thời đã thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án...
Tuy nhiên, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp, bà Hồ Thị Thủy, Ủy viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần sửa đổi, bổ sung những nội dung nhằm xác định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo bà Thủy, Tòa án thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Đây là quyền hiến định, quyền riêng có của Tòa án.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thủy
Tòa án là cơ quan bảo vệ công lý, cho nên những vấn đề liên quan đến quyền con người như quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, quyết định xử lý các vi phạm hành chính nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền nhân thân và tài sản của cá nhân, tổ chức phải do Tòa án quyết định.
Do đó, các nhiệm vụ, quyền hạn này cũng cần được thể hiện rõ hơn trong nội hàm quyền tư pháp. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó cần tiếp tục mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính. Để thực hiện tốt quyền tư pháp cần có những thiết chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo khi xét xử, Tòa án không bị giới hạn bởi tội danh và khung hình phạt theo cáo trạng của Viện kiểm sát để công tác xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, chống oan sai, bà Thủy nhấn mạnh.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND, bà Thủy cho rằng, xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử, đảm bảo các quyết định xét xử không bị ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào không liên quan đến vụ án. Chỉ có như vậy, tinh thần thượng tôn pháp luật mới được đảm bảo, việc xét xử mới khách quan, công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Để thực hiện nguyên tắc này, bà Thủy nhất trí với Ban soạn thảo quy định theo hướng tổ chức TAND không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Theo đó, tại khoản 4, Điều 3 là các TAND sơ thẩm khu vực; khoản 1, Điều 5 quy định rõ TAND được tổ chức, hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
Cũng theo bà Thủy, cần quy định các ngạch Thẩm phán bởi theo Kết luận số 79 ngày 28/10/2010 của Bộ Chính trị, Thẩm phán TANDTC phải là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và uy tín cao trong xã hội. Đối với Thẩm phán các Tòa án khác, xét về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền bổ nhiệm cũng như giá trị pháp lý của các bản án đã có hiệu lực pháp luật, Thẩm phán các TAND bình đẳng về địa vị pháp lý. Do đó, bà đề nghị chỉ nên quy định hai ngạch Thẩm phán theo phương án của Điều 5, gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán để tránh sự phân biệt, thiếu bình đẳng giữa các ngạch Thẩm phán. Mặt khác, nếu quy định ngạch Thẩm phán như phương án 2 của Điều 5 dễ tạo ra cho xã hội tâm lý thiếu tin tưởng vào trình độ của Thẩm phán ngạch thấp như Thẩm phán sơ cấp và Thẩm phán trung cấp. Theo đó, luật cũng cần quy định tiêu chuẩn của Thẩm phán chặt chẽ hơn, bà Thủy đề nghị.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử của Tòa án, theo bà Thủy thì Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần quy định cụ thể nhiệm vụ ban hành và phát triển án lệ của TANDTC. Vấn đề này đã được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội, việc ban hành và phát triển án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu từng bước thực hiện công khai hóa các bản án (trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục). Việc làm đó, một mặt đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử, mặt khác, việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ góp phần tích cực vào bảo vệ công bằng, công lý cũng như việc tăng cường sự giám sát đối với hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án, bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Thủy cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng, án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể, có nội dung lập luận làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau. Trên cơ sở đó chỉ ra việc áp dụng thống nhất và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể. Vì thế, án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.
Nói về chế độ chính sách đối với Thẩm phán, bà Thủy cho rằng, hoạt động của Thẩm phán là hoạt động đặc thù, phải đối diện với rất nhiều áp lực, nhiều khi còn là mối đe dọa, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của bản thân Thẩm phán cũng như người thân của họ. Do đó, rất cần có chế độ, chính sách phù hợp, tương xứng với tính chất nghề nghiệp. Vì vậy, bà Thủy đề nghị bổ sung các quy định thể hiện rõ cơ chế bảo vệ Thẩm phán, người thân của họ trước mọi sự đe dọa và cần có cơ chế đảm bảo để Thẩm phán độc lập, khách quan trong hoạt động xét xử.
Tống Toàn (ghi)