Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc
Chính trị - Ngày đăng : 12:01, 14/10/2020
Tới dự có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm UBKT T.Ư; Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành T.Ư, các địa phương lân cận; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 348 đại biểu ưu tú đại diện gần 70.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Quang cảnh đại hội.
Để thực hiện tốt trọng trách trước Đảng bộ và nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của các cấp ủy Đảng và gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ, thực hiện tốt nội dung, chương trình đề ra.
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trình bày Báo cáo chính trị (báo cáo tóm tắt) của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội. Báo cáo nêu rõ:
Nhiệm kỳ 20-2020, kinh tế của Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển, tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,1%/năm; Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 20; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,68 triệu đồng/người. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (5,8%/năm); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng khá, nhất là linh kiện điện tử trở thành sản phẩm chủ lực mới, có mức tăng cao nhất.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra, là tỉnh nằm trong nhóm có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương và đứng trong nhóm đầu cả nước về thu nội địa. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt cao.
Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đến năm 2019 toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đứng thứ 5 cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện; cơ sở vật chất trường học được tăng cường đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên.
Các đại biểu dự Đại hội quyên góp, chia sẻ với những khó khăn đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ.
Công tác quân sự quốc phòng được củng cố và tăng cường. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên. Trong đó tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.
Về phát triển văn hóa – xã hội, tập trung phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; phát huy sức sáng tạo, ý chí, hun đúc khát vọng phát triển của mỗi người dân. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển hệ thống y tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.