Họp báo về Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội kha XIV
Chính trị - Ngày đăng : 17:26, 19/10/2020
Kỳ họp chia làm hai đợt
Báo cáo về chương trình kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào sáng 20/10/2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày và tiến hành theo 02 đợt. Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ từ tòa nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 02/11 đến ngày 17/11/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11/2020.
Quốc hội sẽ dành 07 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 07 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 04 dự án luật khác, cụ thể như sau:
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo
Theo đó, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng);
Các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/20/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An; Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Xem xét vấn đề nhân sự, bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự như: phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Thẩm phán TANDTC; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời báo chí về việc tại kỳ họp này Quốc hội có tiến hành phê chuẩn, bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thay ông Lê Minh Hưng hay không? Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đợt họp tập trung (sau đợt họp trực tuyến 7 ngày), Quốc hội có tiến hành công tác nhân sự. Cụ thể Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn miễn nhiệm với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với ông Chu Ngọc Anh.
Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương đã nhận nhiệm vụ mới là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Người được giới thiệu để phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM.
Trường hợp thứ hai là miễn nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng. Ông Hưng sẽ nhận công tác mới làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Sau khi miễn nhiệm thành viên Chính phủ, Chính phủ sẽ có văn bản sang Quốc hội xem xét để phê chuẩn, bổ nhiệm người thay thế. Nhưng hiện nay chưa nhận được văn bản đề nghị của Thủ tướng về việc phê chuẩn, bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với việc phê chuẩn, bổ nhiệm thành viên Chính phủ thì Thủ tướng phải có văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội để tiến hành thủ tục”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung bị bão lụt, chia sẻ với gia đình các chiến sỹ đã hy sinh. Trong phiên trù bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, ngày 12/10, ngay khi nghe tin các công nhân Thuỷ điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) gặp nạn do lũ lụt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã cùng đoàn công tác lên đường vào địa bàn xảy ra tai nạn. Đoàn công tác đã băng rừng, đi bộ hơn 10 km, gần đến điểm xảy ra tai nạn thì trời tối. Thiếu tướng cùng đoàn công tác nghỉ chân trong trạm kiểm lâm 67. Giữa đêm, tai hoạ ập xuống vùi lấp 13 người trong đoàn công tác, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.