Kỳ họp thứ 10, Quốc hội kha XIV: Cử tri gửi 3.365 ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 14:41, 20/10/2020

Sáng nay 20/10, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt NamTrần Thanh Mẫn trình by Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri v nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội kha XIV.

Một số ý kiến, kiến nghị cần lưu ý

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đến nay, cơ quan này đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến.

Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch COVID -19, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân. Trong bối cảnh dịch COVID -19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Cử tri gửi 3.365 ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Quốc hội

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới, củng cố hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt nhiều kết quả; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn và tạo cơ chế, chính sách để phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID -19 còn bất cập. Nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Dịch COVID -19 đã làm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể, nhiều người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm. Chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp. Cử tri và Nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.

Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều gây ra nhiều phản ứng trong Nhân dân; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết thêm, cử tri và Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID -19. Tuy nhiên, vẫn bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm "trục lợi". Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân.

Cử tri cũng kiến nghị về tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn còn khó khăn; an ninh nguồn nước cần được quan tâm hơn. Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn xảy ra ở một số nơi. Đồng thời, rất lo lắng về an toàn hồ, đập, đê chắn sóng; lũ lụt gây thiêt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân ở một số địa phương.

Đánh giá cao những kết quả trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, sự quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật của ngành Công an, chính quyền một số địa phương và cơ quan tư pháp các cấp. Nhưng cử tri cũng lo lắng về tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, giết người, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.  

Về công tác xây dựng Đảng và Nhà nước, cử tri và Nhân dân rất quan tâm theo dõi quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hiện nay công cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, song vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản, bỏ trốn; tham nhũng vặt, nhũng nhiễu vẫn tồn tại; việc tiết kiệm trong chi tiêu công chưa đạt hiệu quả tích cực. Về trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, cử tri phản ánh vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, để tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.

Cử tri kiến nghị tới Quốc hội 05 nhóm vấn đề

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. Tại kỳ họp thứ 10, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề:

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Cử tri gửi 3.365 ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID - 19 và các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do vi rút, bệnh bạch hầu. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, về triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi sát sao việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID - 19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài; ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, các hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc và tội phạm công nghệ cao, vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên.

Thứ năm, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc tiếp thu, thực hiện cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.             

Quốc Huy