Xuất hiện loại tội phạm bảo kê máy gặt lúa của nng dân thu lợi bất chính
Chính trị - Ngày đăng : :27, 26/10/2020
Theo ĐB Dung, hành vi này xuất hiện giống như một loại tội phạm gây thiệt hại, bức xúc cho bà con nông dân.
Xuất hiện tình trạng “bảo kê” máy gặt lúa
ĐB Trần Thị Dung nêu, tình trạng giành giật miếng cơm của người dân do chính thành quả nhọc nhằn trên chính mảnh đất của mình đang diễn ra. Vào mùa gặt với mục đích thầu toàn bộ cánh đồng một số đối tượng đã ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng nhận bảo kê với giá cao. Nếu không đồng ý chúng không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch.
Đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn muốn hoạt động thì phải nộp cho các đối tượng này từ 20 đến 30 nghìn đồng/1sào và phải ký vào hợp đồng đã soạn sẵn thì chúng mới cho gặt thuê. Dù rất là bức xúc trước hành vi ngang ngược của chúng nhưng sợ ảnh hưởng đến việc thu hoạch nên người dân nhẫn nhịn làm theo.
Đáng chú ý, thủ đoạn của chúng là theo dõi, canh chừng cánh đồng lúa thấy có cái máy gặt mới nào, lạ mặt là chúng lập tức đến hỏi thăm. Nếu không hợp tác là đuổi, đe dọa, phá máy, hành hung.
Nhiều chủ máy gặt muốn yên ổn làm ăn thì phải nộp một khoản tiền 2 triệu đồng một máy gặt, hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lợi nhuận thu được trên một vụ mùa tương đối cao. Việc đó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian là 3 tuần và chủ máy gặt cũng thu một khoản tiền trên 10 triệu đồng nên cũng phải nhắm mắt nộp 2-3 triệu để được gặt thuê.
Theo bà Dung, ở một số nơi để xảy ra tình trạng như trên là do chính quyền địa phương chưa quan tâm, giải quyết một cách triệt để. Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh, tiêu cực ở nông thôn mà còn kéo theo chủ máy gặt thổi giá lên cao để lấy thu bù chi.
Vậy nên ĐB Dung cho rằng cần phải tính đây là hành động “bảo kê” của một loại tội phạm cần phải xử lý dứt điểm. Bởi vì nạn nhân chính là người nông dân lao động. Bình quân một sào gặt ở ruộng có công từ 120 đến 140 nghìn đồng; khi bảo kê bắt đóng các phần tiền này thì nâng lên khoảng 20 đến 30 nghìn/1 đồng sào.
Tuy nhiên, tại báo cáo 482 của Chính phủ về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn tại mục 4 - Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở khu vực nông thôn chưa được thành lập ở phạm vi này.
Đây là loại tội phạm với hành vi mới nhưng thực chất là cưỡng đoạt tài sản của người dân. Trong điều kiện chúng không thực hiện được sẽ dẫn đến cố ý gây thương tích hoặc giết người.
Theo báo cáo của Chính phủ thì đến nay Bộ Công an đã bố trí 100% công an chính quy tại cơ sở. Do đó, cần tăng cường quyết liệt, nắm địa bàn và ngăn chặn ngay từ gốc, xử lý nghiêm các hành vi bảo kê để đảm bảo an ninh trật tự tại vùng nông thôn. Bảo vệ thành quả của người nông dân để khi mùa về người nông dân không phải lo về tình trạng bảo kê máy gặt, ĐB Dung đề nghị.
Cần giải quyết triệt để tin tố giác tội phạm
Thảo luận về công tác giải quyết tin tố giác tội phạm, ĐB Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh nhận định: Ngoài những mặt đạt được đã được nêu trong báo cáo, trong quá trình giám sát và tiếp công dân của mình, ông nhận có một số vướng mắc, cụ thể:
Ủy ban Tư pháp đã nêu tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố là 86,8%, chưa đạt yêu cầu Nghị quyết 96 của Quốc hội. Cơ quan điều tra một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa đúng quy định. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi vì cử tri tố giác, họ rất mong cơ quan có thẩm quyền xem xét yêu cầu của họ một cách thấu đáo.
Có cử tri đã phản ánh họ đã tố giác đến cơ quan điều tra nhưng sau khi xem xét, cán bộ chức danh đã từ chối nhận đơn của họ. Khi chuyển đơn cho Kiểm sát thì họ lại được hướng dẫn chuyển sang cơ quan Công an, mặc dù VKS có trách nhiệm và thẩm quyền, ĐB nêu.
Còn theo ĐB Nguyễn Bá Sơn – Đà Nẵng: Qua báo cáo cho thấy, Cơ quan điều tra ở một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố còn chưa đúng quy định, 471 tin báo tố giác tội phạm kiến nghị quá thời hạn giải quyết chiếm 0,33%. VKS các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố là 791 vụ án, tăng 63%, trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 22 vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra hủy quyết định khởi tố vụ án là 30, có 72 quyết định không khởi tố vụ án, hủy 62 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời kiến nghị của VKS yêu cầu các cơ quan khắc phục các vi phạm tăng 4,7% trong năm.
Đề cập đến việc xử lý thông tin vụ làm hàng giả của Công ty Thuận Phong, ĐB cho biết, đã nhiều lần nêu vấn đề này, nhưng cho đến nay chưa được trả lời, trong báo cáo cũng không có thông tin, vì vậy đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý.
ĐB Hà Thị Lan- Bắc Giang cũng nêu thực trạng hiện nay có việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, phát tin giả gây nhiễu loạn xã hội cũng làm mất trật tự an ninh. Nhiều vụ chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc vẫn diễn ra hằng ngày mặc dù đã được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp…
Theo ĐB, một số loại tội phạm diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua gây nhức nhối cho xã hội nhưng kết quả xử lý cũng còn nhiều hạn chế. Có thể kể ra một số tội danh như đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, tội phạm liên quan đến hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại,.. chủ yếu là xử lý hành chính. Tỷ lệ xử lý hình sự còn rất thấp.
Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể và hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đồng thời có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.