Chánh án TANDTC Nguyễn Ha Bình: Động viên Thẩm phán lm cả ngy nghỉ để giải quyết đơn giám đốc thẩm
Chính trị - Ngày đăng : 17:, 09/11/2020
ĐB Nguyễn Văn Chiến- Hà Nội chất vấn: Theo báo cáo của TANDTC, hiện chưa hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội về giải quyết các đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Vậy giải pháp đặt ra như thế nào? Vừa qua, Viện trưởng VKSNDTC có đề cập đến khó khăn trong rút hồ sơ từ Tòa án và đề nghị Chánh án giải thích rõ vấn đề này?
5 giải pháp giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các giải pháp giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm TANDTC đã nêu trong báo cáo toàn văn gửi đến các ĐBQH. Theo đó, nội dung chủ yếu tập trung các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, TANDTC đã chỉ đạo tập trung lực lượng để giải quyết nhanh số lượng đơn giám đốc thẩm tái thẩm;
Thứ 2 là động viên cán bộ, công chức tích cực, làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật để giải quyết đơn;
Thứ 3 là tiến hành phân loại đơn để giải quyết và ưu tiên giải quyết những đơn sắp hết hạn và đơn những đã được nhiều cấp trả lời;
Thứ tư là tập huấn để nâng cao chất lượng, kỹ năng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên; Và cuối cùng là tổng kết thực tiễn giải quyết đơn, qua đó đề ra những quy trình giải quyết đơn hợp lý, và có những đề xuất kiến nghị.
Với những giải pháp này, năm 2020 TANDTC nhận được 16.200 đơn và đã giải quyết được 9.188 đơn, so với yêu cầu của Quốc hội đề ra là không đạt được tỷ lệ 60%, nhưng so với những năm trước đây tỷ lệ giả I quyết đã đã cao hơn nhiều.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, những năm tới, theo xu thế này số đơn sẽ tăng lên trung bình 10%, nên khối lượng công việc dự báo sẽ rất căng thẳng và áp lực. Vì theo quy định của Hiến pháp, chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử, nhưng với tình hình đơn thư nhiều như hiện nay có nguy cơ trở thành nhiều cấp xét xử. Vậy nên vấn đề không chỉ động viên, huy động cán bộ, mà phải tổng kết để đề ra giải pháp căn cơ hơn thực hiện.
Về chuyển hồ sơ theo yêu cầu của VKSNDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin: "Năm 2020 TANDTC nhận được 435 đơn yêu cầu chuyển hồ sơ của VKSNDTC và phần lớn trong số yêu cầu này đã chuyển, một số không chuyển được lý do xin đề cập sau. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu Tòa án chuyển hết hơn 435 hồ sơ đơn theo yêu cầu thì tình hình có thay đổi hay không? Với 435 đơn so với con số 16.200 đơn đề nghị giám thẩm cũng không thay đổi được thực tế đang quá tải hiện nay nên việc không chuyển được hồ sơ cho VKSNDTC thì không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng đơn giám đốc thẩm chậm giải quyết".
Nói về lý do số hồ sơ còn lại chưa chuyển kịp, Chánh án cho biết: "Theo quy định hiện hành, việc giải quyết đơn phải trên cơ sở hồ sơ gốc, không được dùng hồ sơ phô tô. Mỗi bản án chỉ có một bộ hồ sơ, nhưng lại có tới 8 cơ quan giải quyết. Như vậy nếu như hồ sơ mà VKSTC yêu cầu và đang được VKS cấp cao thụ lý thì phải chờ VKS cấp cao thụ lý xong mới có thể chuyển sang cho VKSNDTC được".
Chánh án cũng cho biết, sẽ kiểm tra cụ thể việc trên thực tế có một số trường hợp chưa chuyển kịp hồ sơ.
Lượng án dân sự nhiều nên tỷ lệ đơn giám đốc thẩm nhiều
Trả lời câu hỏi của ĐB về việc vì sao việc giải quyết án dân sự kéo dài hơn hình sự; Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm án dân sự nhiều hơn án hình sự, có phải do năng lực giải quyết án dân sự của Thẩm phán chưa tốt bằng hình sự hay không? Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay: Giải quyết án dân sự khác với hình sự, án hình sự việc thu thập chứng cứ thuộc trách nhiệm của CQĐT; các quy định của tố tụng hình sự cũng quy định rất chặt về thời hạn điều tra, truy tố xét xử. Còn án dân sự, nguyên lý là “việc dân sự cốt ở đôi bên”, việc thu thập chứng cứ tài liệu thuộc về các bên, khi nào đương sự cung cấp đầy đủ hồ sơ thì Tòa án thụ lý, giải quyết.
Trong giải quyết án dân sự còn có thực trạng nữa là hai bên đương sự kiện nhau, một bên cảm thấy bị thua sẽ tìm cách trì hoãn, bởi vậy cũng góp phần khiến việc giải quyết vụ án kéo dài.
Theo Chánh án: Trung bình mỗi năm, Tòa án các cấp giải quyết trên 600. 000 vụ việc, trong đó hơn 80.000 án hình sự, còn lại là dân sự, kinh doanh thương mại,… Chính vì con số tuyệt đối của án dân sự cao như vậy, nên số lượng đơn giám đốc thẩm cao hơn là bình thường.
Việc đánh giá chất lượng giải quyết vụ án không thể chỉ căn cứ vào tỷ lệ đơn giám đốc thẩm mà căn cứ vào tất cả các chỉ tiêu về đánh giá chất lượng khác, các tiêu chí mà Quốc hội đề ra… Tất cả những chỉ số này Chánh án TANDTC đã có báo cáo gửi đến Quốc hội, nên không thể nói vì số lượng đơn giám đốc thẩm nhiều mà đánh giá chất lượng xét xử hay nền tư pháp.
Còn về bồi thường, cả dân sự và hình sự, nếu làm sai ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân đều phải bồi thường.
Về tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp, kháng nghị nhiều, Chủ tịch UBND không tham gia… là những tồn tại kéo dài trong nhiều năm mà Quốc hội cũng đã bàn đến.
Có thực tế Tòa muốn xử nhưng UBND không tham gia nên không xét xử được, rất nhiều địa phương đã kiến nghị và mong muốn Quốc hội lắng nghe và có giải pháp. Các tỉnh TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lượng án lớn nhưng lượng công việc hành chính cũng nhiều, nếu như bắt buộc Chủ tịch UBND phải đến Tòa thì sẽ không đủ thời gian để làm việc.
Còn cũng có tình trạng một số địa phương lãnh đạo không chịu đến Tòa nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng tỷ lệ giải quyết án thấp.