Triển khai Nghị quyết của Ban Cán sự đảng v Dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:29, 21/12/2020
Đồng chí Lê Hồng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết, nghị quyết gồm 10 nhiệm vụ, giải pháp. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu công tác cơ bản theo Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp; xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý của nghị quyết đặt ra, là: Tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác tư pháp. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác Tòa án; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp.
Các Tòa án căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 được đề ra tại Nghị quyết này; quán triệt và thực hiện quyết liệt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình đề ra những giải pháp để khắc phục các hạn chế, thiếu sót của năm trước, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm mà thực tiễn đang đặt ra đối với Tòa án.
Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trước hết là quan hệ song phương với các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực theo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chánh án TANDTC trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Chánh án các nước ASEAN nhiệm kỳ 2020-2021; tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế năm 2021 theo các nội dung đã được xác định tại Đề án công tác đối ngoại của Tòa án nhân dân giai đoạn 2017- 2021; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Nghiên cứu và đề xuất phương án đào tạo cán bộ để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế, thiết chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập.
Chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng. Qua công tác xét xử, làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những bất cập của cơ chế, chính sách hay chồng chéo của pháp luật để chủ động đề xuất cho Ðảng, Quốc hội hoặc kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các loại vụ án theo Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc…
Về Dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các Tòa án, theo trình bày của đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, dự thảo chỉ thị có 10 đầu mục nhiệm vụ.
Trong đó, yêu cầu Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của Tòa án nhân dân. Cụ thể: Bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định (kể cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án).
Bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.
Bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.
Để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, Chánh án TANDTC yêu cầu Toà án các cấp căn cứ vào tình hình thực tế đề ra kế hoạch và các giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc; bảo đảm giải quyết các vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.
Chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ việc….