UBTVQH phê chuẩn Phng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC
Chính trị - Ngày đăng : 21:32, 12/01/2021
Trong phiên họp sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC.
Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, căn cứ vào Khoản 4, Khoản 5, Điều 12, Luật Giám định tư pháp năm 2020 thì Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là tổ chức giám định tư pháp công lập có tài khoản và con dấu riêng; thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thực hiện giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật; hàng năm, tổng kết, báo cáo Viện trưởng VKSNDTC về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử để báo cáo Quốc hội, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Công an theo quy định của pháp luật. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng VKSNDTC giao theo quy định của pháp luật.
Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là đơn vị cấp phòng thuộc Văn phòng VKSNDTC. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của Phòng giám định độc lập với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng VKSNDTC; chịu sự quản lý về mặt hành chính của Văn phòng VKSNDTC.
Cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, các Giám định viên và công chức khác. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định của Viện trưởng VKSND TC.
VKSNDTC dự kiến Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC có từ 7 - 9 biên chế trên cơ sở điều chỉnh, sắp xếp trong tổng số biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao (không làm tăng biên chế); kinh phí hoạt động được thực hiện trong nguồn kinh phí VKSNDTC được ngân sách nhà nước cấp.