3 chính sách lớn, 7 vấn đề mới của Luật Xử lý vi phạm hnh chính mới ban hnh
Chính trị - Ngày đăng : 17:00, 25/02/2021
Đây là đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, cần sự chuẩn bị chu đáo để luật phát huy tác dụng khi đi vào cuộc sống.
Có thể nói răng đây là đạo luật lớn, tác động đến nhiều mặt của lên các mặt của đời sống xã hội nên được hầu hết người dân và ngành chức năng quan tâm.
3 chính sách lớn bao trùm
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thi hành trong thực tiễn, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đặt ra.
Bên cạnh đó, một số Bộ luật, luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 20 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Chứng khoán năm 2019… đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Luật XLVPHC hiện hành để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều của Luật XLVPHC hiện hành, có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó tập trung vào 3 chính sách lớn. Đó là, hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính; hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Luật có một số điểm mới cơ bản cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo đó tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in ấn; an toàn thông tin mạng; Kiểm toán Nhà nước, cản trở hoạt động tố tụng, đồng thời cũng sửa đổi tên của một số lĩnh vực khác…
Thứ hai, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được Luật đã sửa đổi, bổ sung tên gọi/bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành do trong thời qua có một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy. Ví dụ, một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường…
Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc các lực lượng, cơ quan như: Kiểm ngư; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Kiểm toán Nhà nước...
Đáng chú ý Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bổ sung 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Quy định như vậy nhằm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đồng thời bảo đảm quyền lực được giới hạn và kiểm soát, tương xứng với nhiệm vụ được giao, bà Oanh cho biết.
Thứ ba, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, khả thi như quy định về lập biên bản vi phạm hành chính; quy định về các trường hợp, thời hạn và thủ tục giải trình; quy định về phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, các trường hợp được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để bảo đảm phù hợp với thực tế.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc.
Thứ bảy, bên cạnh những vấn đề nêu trên, Luật số 67/2020/QH14 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định chung về XLVPHC, như: khái niệm tái phạm; nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo; bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính…
Khâu chuẩn bị triển khai rất quan trọng
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, trật tự an toàn xã hội. Pháp luật về XLVPHC đã góp phần quan trọng to lớn trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới. Chỉ tính riêng trong năm 2020, số vụ việc vi phạm đã bị xử phạt là 4.827.160 vụ việc. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành là 5.843.466 quyết định. Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 58.873 đối tượng..
Do đó khâu chuẩn bị cho việc triển khai thi hành khi Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 tới đây là điều rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện Luật này, Bộ Tư pháp đã chủ trì, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC với một số nhiệm vụ như: Chú trọng hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành triển khai thi hành Luật; Tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật ở Trung ương và địa phương; rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật về XLVPHC; tăng cường kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Danh mục các Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới đề phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC cũng đã được ban hành kèm theo Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, kèm theo việc xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Căn cứ nội dung Kế hoạch triển khai thi hành Luật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và tình hình thực tế, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật tại cơ quan, địa phương mình; phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, đồng thời, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả trong việc triển khai thi hành Luật một cách đúng đắn, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Hiện nay Bộ Tư pháp đang khẩn trương triển khai các hoạt động theo đúng phạm vi, nội dung nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021, bà Oanh cho hay.