Khởi cng Dự án chăn nui b sữa cng nghệ cao quy m lớn nhất ĐBSCL
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 18:03, 27/02/2021
Với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày.
Tham dự lễ khởi công có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang và đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương…
Trước đó, cũng trong sáng 27/2, lãnh đạo Chính phủ, tỉnh An Giang và Tập đoàn TH đã tham gia Lễ phát động Tết trồng cây tại Khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, theo tinh thần của Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây Vì một Việt Nam xanh, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng trên toàn quốc.
Loại cây được trồng tại Ô Tà Sóc là cây Dầu Rái – loại cây lâu năm lấy gỗ đặc hữu, có giá trị và phù hợp thổ nhưỡng của vùng ĐBSCL. Những cây giống quý này là món quà Tập đoàn TH tặng An Giang trong mùa xuân mới.
Là một nhà đầu tư lớn đến với An Giang bằng dự án chăn nuôi tập trung công nghệ cao khép kín lớn nhất ĐBSCL, TH luôn mong muốn phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên và môi trường, phát triển bền vững, theo đúng tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” và giá trị cốt lõi “Thân thiện với môi trường”, hướng tới mô hình kinh tế xanh của Tập đoàn, làm xanh tươi các vùng dự án cũng như hưởng ứng sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.
Tập đoàn TH đang hiện đang đầu tư nhiều dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Nổi bật là Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao”, sản xuất sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK. Dự án vận hành theo chuỗi sản xuất khép kín, được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án có tổng đàn bò là 45.000 con tại Nghệ An, xác lập kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á năm 20.
Tháng 12/2020, cụm trang trại TH tại Nghệ An đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union - Worldkings) xác nhận Kỷ lục thế giới mới, đó là Kỷ lục “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín có quy mô lớn nhất thế giới” với cụm trang trại sở hữu chuồng trại lớn và hiện đại tiêu chuẩn tiên tiến hàng đầu thế giới, áp dụng công nghệ 4.0 và thiết bị hiện đại trong tất cả các khâu của quy trình khép kín (trong đó sử dụng chip điện tử kiểm soát thức ăn, thú y, động dục...
Nhờ con chip này, bệnh viêm vú ở đàn bò được phát hiện từ sớm trước 4 – 7 ngày để cách ly); Nhà máy chế biến thức ăn quy mô lên tới 1.400 tấn thức ăn phối trộn/ngày, công suất khu thức ăn ủ chua khoảng 3.200 tấn; Cánh đồng cỏ nguyên liệu thức ăn cho bò quy mô lớn; Dàn máy móc tự động hoá lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, cùng với app thông minh đo độ ẩm trên những cánh đồng; cánh tay tưới vươn xa 450m, hoàn toàn tự động; Nhà máy chế biến sữa tươi sạch và hệ thống phân phối đồng bộ với gần 300 cửa hàng TH true mart. Chuỗi sản xuất khép kín này cho ra đời những sản phẩm từ sữa tươi sạch chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong hơn 10 năm gia nhập thị trường sữa, TH đã xây dựng thành công thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần chuyển dịch tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại 92% (năm 2008) giảm còn dưới 60% hiện nay. TH đã lôi kéo những doanh nghiệp cùng ngành nghề cùng thi đua với nhau để sản xuất những dòng sữa tươi sạch cho người tiêu dùng. Sữa tươi sạch đã trở thành một hiệu ứng lôi kéo xã hội hướng tới chữ “sạch” trong ngành thực phẩm.
Dự án sữa TH đã được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum và nay là An Giang.
An Giang là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn trong khu vực, có truyền thống lâu đời về nuôi bò thịt và có những hoạt động văn hóa liên quan tới bò, trong đó có Lễ hội đua bò Bảy Núi (huyện Tri Tôn). Mới đây, UBND tỉnh An Giang cũng đã có Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 11-8-2017 về phê duyệt Dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao” giai đoạn 2017-2020 với nhiều hình thức hỗ trợ như: cung ứng bò giống chất lượng cao, tập huấn chuyển giao công nghệ mới, xây dựng liên kết ngành hàng… Để thực hiện Quyết định này, tỉnh có chủ trương thu hút các nhà đầu tư có Tâm, Trí, Lực trong lĩnh vực chăn nuôi như Tập đoàn TH.
Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang của Tập đoàn TH là bước đi tiếp theo của TH trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi, đồng thời cũng hưởng ứng lời mời đầu tư của tỉnh An Giang, phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở ngay vùng biên giới Tây Nam.
Tại đây, mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và tinh hoa khoa học quản trị từ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đạt kỷ lục thế giới của TH tại Nghệ An tiếp tục được ứng dụng với quy trình khép kín và sự chăm chút tỉ mỉ để tạo ra những ly sữa đạt chuẩn quốc tế. Cụm trang trại của TH tại An Giang cũng sẽ được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như: Quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao khép kín của TH không chỉ mở ra một chương mới trong nông nghiệp công nghệ cao của An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, mà còn phát triển các sinh kế mới cho bà con nông dân. Trong chuỗi sản xuất khép kín của TH, nông dân sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể.
Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tại An Giang, tập đoàn TH dự kiến phát triển thêm Mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt với thương hiệu Dalatmilk.
Dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH tại An Giang sẽ góp phần tăng số lượng, chất lượng nguồn cung sữa tươi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hướng tới xuất khẩu; thể hiện các giá trị cốt lõi của Tập đoàn TH: Vì hạnh phúc đích thực; Vì sức khỏe cộng đồng; Hoàn toàn từ thiên nhiên; Thân thiện với môi trường- Tư duy vượt trội; Hài hòa lợi ích.
Trân trọng An Giang, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - chia sẻ, bà rất ấn tượng với những người nông dân chăm chỉ, quyết liệt. Bà tin tưởng rằng TH sẽ đưa người nông dân đi cùng, cùng phát triển và xóa đói giảm nghèo một cách bền vững đồng thời mang tới cho người tiêu dùng trong và ngoài nước những sản phẩm tươi, sạch, tốt cho sức khỏe. Đó cũng chính là ý nghĩa của sứ mệnh mang lại Hạnh phúc đích thực – True Happiness cho cộng đồng mà Tập đoàn TH theo đuổi.
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Tập đoàn TH đã tặng món quà ý nghĩa là trường mầm non với giá trị xây dựng 5 tỷ đồng cho huyện Tri Tôn.
Sau sữa tươi, Tập đoàn TH ra mắt nhiều dòng sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe như nước tinh khiết TH true WATER; sữa hạt TH true NUT; nước gạo rang TH true RICE và các dòng đồ uống sữa hoa quả và nước hoa quả. Các dòng sản phẩm của tập đoàn TH được coi là dẫn dắt thị trường đồ uống, tiên phong trong việc không sử dụng đường tinh luyện mà sử dụng vị ngọt tự nhiên từ quả và hạt, giúp cân bằng dinh dưỡng và phòng chống các bệnh mãn tính không lây của thế kỷ như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư…
Trên lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu, làm kinh tế dưới tán rừng. Tập đoàn TH cũng đang nghiên cứu sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo (tại Thái Bình), nước mắm, muối, nước tương, chế biến cá (Phú Yên) … với mong muốn mang lại nguồn thực phẩm tươi, sạch cho gian bếp Việt.
An Giang là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau). Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của tỉnh gần 850 triệu USD, riêng năm 2019 ước đạt 890 triệu USD; thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hoá đã có mặt ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
An Giang luôn xác định và khẳng định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch vẫn là thế mạnh của địa phương, trong đó: nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 của An Giang là 7,02%.